Năm lý do khiến Saudi Arabia và Iran thù ghét nhau

Cuộc đối đầu gay gắt giữa Iran và Saudi Arabia liên quan đến việc Saudi Arabia hành quyết giáo sỹ Nimr al-Nimr thân Iran là điểm nổi bật mới nhất trong cuộc xung đột âm ỉ lâu nay giữa hai cường quốc Trung Đông này, và điều đó đe dọa sẽ làm gia tăng bất ổn tại khu vực vốn không ổn định này.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (ảnh) lên án hành động của Saudi Arabia hành quyết Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Nimr al-Nimr. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 3/1, Saudi Arabia đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Trước đó vài tiếng, những người biểu tình ở Iran đã phóng hỏa tòa nhà đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran nhằm phản đối việc giáo sỹ Nimr al-Nimr bị hành quyết ngày 2/1.

Nguồn gốc dẫn đến sự kình địch giữa Saudi Arabia và Iran là sự ly giáo kéo dài hàng thế kỷ qua giữa những người Hồi giáo dòng Sunni, chiếm đa số tại Vương quốc Saudi Arabia giàu dầu mỏ, và những người Hồi giáo dòng Shi’ite chiếm đa số ở Iran. Sự thù hằn của họ đã làm trầm trọng hơn các xung đột tại Trung Đông và cản trở những nỗ lực của Mỹ trong việc đem lại hòa bình cho khu vực. Cả Saudi Arabia và Iran đều đang cạnh tranh quyết liệt để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông đầy bất ổn. Dưới đây là 5 nguyên nhân dẫn đến những xung đột mới giữa hai nước:

1. Mỹ: Là đồng minh Arập thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, Saudi Arabia nhận được sự hỗ trợ quân sự khổng lồ từ Mỹ và lâu nay có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Saudi Arabia cũng được lợi khi Mỹ và Iran bất hòa với nhau kể từ năm 1979, thời điểm diễn ra cuộc cách mạng lật đổ nhà lãnh đạo Iran được Mỹ "chống lưng". Tuy nhiên, cán cân quyền lực đã thay đổi trong năm 2015, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, theo đó hạn chế khả năng Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran để đổi lấy việc Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận đó.

Saudi Arabia lo sợ rằng Iran sẽ sử dụng hàng chục tỷ USD trước đây bị "đóng băng" và tận dụng các cơ hội kinh doanh mới để hỗ trợ các nhóm nổi dậy Hồi giáo dòng Shi’ite gây bất ổn cho các chính quyền Hồi giáo dòng Sunni, đồng thời sử dụng nguồn thu mới để mua vũ khí phục vụ các mục tiêu bành trướng lãnh thổ của nước này. Saudi Arabia cũng lo sợ Iran sẽ gian lận trong thỏa thuận hạt nhân vừa ký, đẩy Trung Đông vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

2. Yemen: Đây có thể được coi là ví dụ điển hình nhất cho cuộc "chiến tranh mượn tay kẻ khác" giữa Saudi Arabia và Iran. Saudi Arabia đang dẫn đầu một liên minh quân sự trong khu vực để tiêu diệt các phiến quân nổi dậy Houthi thuộc dòng Shi’ite, lực lượng đang đe dọa lật đổ chính quyền Yemen. Trong khi đó, các phiến quân nổi dậy này lại nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Iran.

Người biểu tình tại Baghdad, Iraq phản đối vụ Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite ngày 3/1. Ảnh: AFP/TTXVN

3. Syria:
Iran hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua bằng cách cung cấp cả tài chính lẫn các tay súng đến từ phong trào Hezbollah ở Liban. Trong khi đó, Saudi Arabia cùng với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại đang hỗ trợ các nhóm nổi dậy người Sunni, vốn chống lại Tổng thống Assad. Mỹ quan ngại rằng một số trong các nhóm đó hiện trở nên quá cực đoan và có thể liên minh với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng - một tổ chức Hồi giáo cực đoan dòng Sunni mà liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đang nỗ lực đẩy lùi tại Syria và Iraq.

4. Iraq:
Mặc dù có đa số dân là người Hồi giáo dòng Shi’ite, song trong hàng thập kỷ Iraq đã được điều hành bởi nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni Saddam Hussein cho đến khi cuộc xâm lược do Mỹ khởi xướng hồi năm 2003 lật đổ thể chế của ông. Hiện tại, chính quyền Iraq với đa số theo dòng Shi’ite đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Iran. Saudi Arabia tỏ ra thận trọng với chính quyền Iraq và đồng cảm với những người Hồi giáo dòng Sunni, những người đang cảm thấy bị chính phủ xa lánh.

5. Dầu mỏ:
Là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, Saudi Arabia đã từ chối cắt giảm sản lượng, cho dù giá dầu "lao dốc", nhằm bảo vệ thị phần của mình. Kết quả là thế giới hiện đang “ngập trong dầu giá rẻ”. Việc giá dầu giảm mạnh đã khiến vương quốc này phải cắt giảm mạnh ngân sách chính phủ. Sự dư thừa dầu mỏ có lẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn một khi các lệnh trừng phạt đối với Iran được gỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân. Một khi được quyền tiếp cận với thị trường thế giới, Iran - theo ước tính có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới - có khả năng xuất khẩu 500.000 thùng dầu mỗi ngày. Con số đó có thể gia tăng khi Iran khôi phục được các cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp dầu mỏ "có thâm niên" của mình.

TTXVN/Tin Tức (Theo USA Today)
Mục đích của Saudi Arabia khi tử hình giáo sỹ al-Nimr
Mục đích của Saudi Arabia khi tử hình giáo sỹ al-Nimr

Riyadh nhận thức rõ rằng việc tử hình giáo sỹ Nimr al-Nimr sẽ bị quốc tế chỉ trích và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực nhưng vẫn thực thi bằng được bởi nhiều mục đích khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN