Tình hình bất ổn tại Xyri đã kéo dài gần một năm nay nhưng bất chấp sức ép ở trong và ngoài nước, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đứng vững. Tờ "Người Hướng dẫn Khoa học Thiên chúa giáo" (Mỹ) ngày 17/2 nhận định rằng ông Assad nhận được sự ủng hộ quan trọng của một số nhân tố trong và ngoài nước:
Một người Xyri phất quốc kỳ trong cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad bên ngoài Sứ quán Xyri tại thủ đô Amman (Gioócđani) ngày 17/2/2012. |
Trước tiên phải kể đến các cộng đồng kinh doanh ở hai thành phố lớn nhất Xyri là Đamát và Aleppo. Đây là lực lượng trung thành với chính phủ và tích cực ủng hộ Tổng thống Assad. Tình hình rối loạn trong nước sẽ gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh. Vì vậy, họ cho rằng để có được môi trường kinh doanh ổn định, không còn cách nào khác là phải hợp tác với chế độ Assad.
Thứ hai là tầm quan trọng của cộng đồng người Alawite. Bản thân Tổng thống Assad cũng thuộc dòng họ Alawite - một cộng đồng người Hồi giáo Shi'ite "xương sống" của chính quyền hiện nay ở Xyri. Mặc dù cộng đồng Alawite chỉ chiếm 12% dân số Xyri, song họ nắm giữ hầu hết các vị trí trọng yếu trong chính phủ, lực lượng quân đội và an ninh. Do đó, cộng đồng thiểu số người Alawite luôn trung thành và kiên quyết bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad đến cùng.
Thứ ba là các cộng đồng người Cuốc và Thiên chúa giáo. Chính quyền Xyri đã tạo được niềm tin đối với nhiều người Cuốc và Thiên chúa giáo ở Xyri rằng nếu không có "bàn tay thép" của một nhà lãnh đạo cảm thông với các mối đe dọa hiện nay của các cộng đồng thiểu số, họ có thể chịu chung số phận như các nước láng giềng Irắc và Libăng. Do đó, các cộng đồng này đã ủng hộ sự tồn tại của chính quyền Assad.
Nhân tố thứ tư là Nga. Cùng với Trung Quốc, Nga thường xuyên phủ quyết các nghị quyết của HĐBA LHQ chống Xyri. Sự ủng hộ của Mátxcơva đã vượt ra ngoài khuôn khổ các vấn đề tiền bạc. Là nước lớn chứng kiến sự mất mát lợi ích do các cuộc nổi dậy ở Trung Đông, Nga có xu hướng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Assad đến cùng và nghi ngờ sự can thiệp của Mỹ và phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh sau chiến dịch can thiệp quân sự chống Libi của NATO.
Và nhân tố quan trọng cuối cùng đối với chính phủ Xyri hiện nay là Iran. Dù đứng trước mối đe dọa tiềm tàng từ Mỹ, phương Tây và Ixraen, song Iran luôn ủng hộ chế độ của ông Assad, bởi chế độ Xyri hiện nay là chế độ của cộng đồng thiểu số người Shi'ite và là đồng minh truyền thống của Iran. Hơn nữa, Xyri có chung đường biên giới với Ixraen, do đó Iran có thể tận dụng ưu thế này nhằm đe dọa Ixraen bất cứ lúc nào. Iran muốn biến Xyri thành mặt trận thứ hai để "chia lửa" trong trường hợp xảy ra một cuộc tiến công quân sự do phương Tây hoặc Ixraen phát động chống Têhêran.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ cuộc nội chiến tại Xyri sẽ "nhấn chìm" Trung Đông. Báo "Bưu điện Quốc gia" (Canađa) số ra ngày 18/2 nhận định, cuộc nội chiến kéo dài tại Xyri khó có thể được kiềm chế, có khả năng gây bất ổn tại các nước láng giềng; tạo tiền đề cho một cuộc chiến tranh "ủy nhiệm" nguy hiểm; cung cấp những thành tố mới khủng khiếp - như vũ khí hóa học - cho những kẻ khủng bố đã hoành hành tại khu vực này trong nhiều thập kỷ.
Theo nhà bình luận của Tạp chí Quốc tế Harvard, Majid Rafizadeh: "Cuộc nội chiến tại Xyri sẽ có tính chất khác so với cuộc nội chiến tại Irắc. Cuộc chiến này sẽ có nhiều thương vong, tổn thất và gây bất ổn khu vực hơn. Do sự phức tạp của cơ cấu xã hội, tôn giáo và sắc tộc tại Xyri, cuộc nội chiến sẽ không chỉ diễn ra một chiều". Chuyên gia phân tích Andrew McGregor thuộc Quỹ Jamestown thì cho rằng, nếu chỉ xét đối đầu thuần túy về quân sự, chính quyền Assad đang chiếm thế thượng phong. Số người đào ngũ là khá đông, có tin nói là khoảng 25.000 binh sỹ nhưng bị chia rẽ và phân tán, không đủ mạnh để lật đổ chính phủ. Cuộc nội chiến tại Xyri có thể trở thành một cuộc nổi dậy kéo dài trong nhiều năm. Nhưng có khả năng xảy ra can thiệp của nước ngoài, trước khi nội chiến trở nên kéo dài, do Xyri là một khu vực nhạy cảm.
Trong khi đó, Chính phủ Xyri mới chỉ triển khai một phần lực lượng mà họ có.
Nếu Xyri tiếp tục vượt khỏi tầm kiểm soát, bất ổn có thể lan sang các nước láng giềng, làm gián đoạn sự phục hồi của Irắc, làm tăng căng thẳng của Iran với phương Tây, gây bất ổn Libăng, đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ và Ixraen. Theo công ty tư vấn quốc phòng Anh "IHS Jane's", Xyri đang có một chương trình vũ khí hóa học lớn. Trong một cuộc nội chiến kéo dài, hoặc trong trường hợp chính quyền Assad bất ngờ sụp đổ, những vũ khí hóa học này có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố al-Qaeda.
Hữu Trung - Thanh Hoa