Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu mới đây cảnh báo rằng Nga sẽ không được phép hành động can thiệp sâu hơn vào các nước láng giềng. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng quân sự của NATO hiện nay không còn đủ sức mạnh để đe dọa Moskva.Mỹ, hiện nay vẫn là thành viên mạnh nhất của NATO, đã cắt giảm lực lượng lớn tại châu Âu từ một thập kỷ trước. Các nước châu Âu, vốn luôn tụt hậu trong lĩnh vực quân sự so với Mỹ, cũng đã "vật lộn" với việc tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng phần lớn là thất bại do nền kinh tế èo uột và tình trạng cắt giảm ngân sách chung.
Vào giai đoạn cao điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ ở châu Âu có khoảng 400.000 lính, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tây Âu - cụ thể là ở Đức - đối phó với bất kỳ một hành động quân sự nào của Liên Xô.
Nhưng hiện nay, chỉ có khoảng 67.000 quân Mỹ ở châu Âu, trong đó có 40.000 quân ở Đức, số còn lại nằm rải rác chủ yếu ở Italy và Anh. Không quân có khoảng 130 máy bay chiến đấu, 12 máy bay tiếp nhiên liệu và 30 máy bay vận tải. So với giai đoạn cuối của thời kỳ Chiến tranh Lạnh năm 1990, Mỹ có 800 máy bay chiến đấu các loại ở châu Âu.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã giảm xuống còn 7.000 thủy thủ và thủy quân lục chiến so với 40.000 lính đóng tại 9 căn cứ Hải quân chính trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, không còn nhóm tàu sân bay Mỹ nào ở Địa Trung Hải, mặc dù Hải quân nước này có một tàu khu trục triển khai tại Cádiz, Tây Ban Nha.
Nói cách khác, "với lực lượng hạn chế như trên ở châu Âu, NATO sẽ không đủ sức mạnh trong một cuộc chiến với Nga trong vài ngày. Điều cơ bản là lực lượng này không tạo ra một sự thách thức nào đối với Moskva", Anthony H. Cordesman, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói.
Các quan chức Lầu Năm Góc không thông báo chi tiết chính xác về các kho vũ khí và trang thiết bị của Mỹ tại châu Âu vì lý do an ninh, nhưng một lãnh đạo quân sự chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Âu mới đây tiết lộ, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực này đã giảm 85% so với năm 1989.
Trong 1/4 thế kỷ qua, Mỹ đã loại bỏ hàng trăm căn cứ và các hệ thống phát thanh, radar nhằm bảo vệ Tây Âu trước Liên Xô. Giả sử nếu Nga tiến về phía đông Ukraine, các quan chức chính quyền cấp cao phương Tây cho biết, hoàn toàn không có kỳ vọng rằng quân đội Mỹ sẽ hướng vào Kiev. "Người dân Mỹ không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine", một quan chức cấp cao Mỹ cho biết.
Binh sĩ Ukraine cùng các xe tải chở vũ khí trang bị chuẩn bị rút khỏi Crimea sau khi bán đảo này sáp nhập Nga. Ảnh: AP |
Trong những năm gần đây, giới chức Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ các quốc gia thuộc NATO khi họ không dành đủ ngân sách cho quân đội. Chính ông Obama cũng nhắc lại vấn đề này tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với các quan chức Liên minh châu Âu ở Brussels ngày 26/3 và công khai bày tỏ "mối quan ngại về mức độ cắt giảm chi tiêu quốc phòng của một số các đối tác của Washington trong NATO".
Một mặt, ông Obama yêu cầu các quốc gia châu Âu phải dành nhiều ngân sách hơn cho quốc phòng, mặt khác ông tiếp tục kế hoạch rút quân đội Mỹ ra khỏi châu Âu với lý do ngân sách của Mỹ có hạn. Gần đây ông Obama đã công bố kế hoạch cắt giảm quy mô quân đội Mỹ đến mức thấp nhất Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Trong khi đó, các quan chức châu Âu, những người đang phải cân đối việc cắt giảm ngân sách của riêng mình, đã thể hiện rõ sự chán ghét của họ về hoạt động can thiệp quân sự tại Ukraine. Cho đến nay, NATO đã thực hiện một loạt các bước quân sự tương đối khiêm tốn để trấn an các thành viên Đông Âu của mình, bao gồm điều 2 máy bay trinh sát của NATO tuần tra không phận Ba Lan và Rumani. Mỹ đã gửi 6 máy bay chiến đấu F-15 đến Lítva để giám sát trên không tại các nước vùng Baltic và đã gửi 12 chiếc F-16 tới Ba Lan, giáp biên giới Ukraine. Nhưng những hành động mạnh mẽ hơn sẽ đòi hỏi phải có sự suy tính kỹ trong bối cảnh tinh giản biên chế của các lực lượng chiến lược của Mỹ ở châu Âu.
NATO đã đồng ý rằng các nước thành viên nên dành 2% GDP cho quốc phòng và nên hợp tác nhiều hơn nữa để giảm sự chồng chéo gây tốn kém. Nhưng năm ngoái, theo số liệu của NATO, chỉ có một số ít các nước trong khối đạt được mục tiêu đề ra, Mỹ dẫn đầu với 4,1% . Nhìn chung, các thành viên châu Âu của NATO dành cho quốc phòng ở mức 1,6% GDP.
Richard Dannatt, cựu Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Anh, cho biết chính phủ nước này đang cắt giảm quân số của các đơn vị chủ lực ở mức thấp nhất kể từ cuộc chiến Waterloo năm 1815 - khoảng 82.000 quân - vào năm 2018 và rút tất cả 20.000 quân khỏi Đức. Ông Dannatt nói rằng Anh nên duy trì 3.000 binh sĩ ở Đức như một "sự thể hiện khả năng quân sự để củng cố ngoại giao”.
"Với một nước Nga đang trỗi dậy, đây là một thời điểm khó khăn cho phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ, yếu cả về quyết tâm và sức mạnh cơ bắp”, ông Dannatt nhận định.
Có một thực tế rõ ràng là, ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ có hàng trăm hàng ngàn binh lính ở châu Âu và các tàu sân bay, tàu khu trục và máy bay chiến đấu, nhưng các nhà hoạch định quân sự Mỹ cũng không có kế hoạch tới Ukraine, đất nước nằm dưới tầm ảnh hưởng của Liên Xô.
"Người Đức đã thua trong Chiến tranh Thế giới thứ hai ở Ukraine. Bạn đang chiến đấu ở cửa ngõ của Nga với những nguồn lực có hạn và nơi này sẽ chôn vùi những tham vọng quân sự khác của Mỹ", George Friedman, Chủ tịch của Stratfor, một công ty phân tích rủi ro chiến lược, cho biết.
Theo các chuyên gia quân sự, vì không có đường biển tiếp cận Ukraine, Mỹ và NATO sẽ phải tiếp cận bằng eo biển Bosporus qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Biển Đen, nhưng để đến được đó, các tàu chiến của Mỹ và NATO sẽ phải vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Trong khi đó, một cuộc chiến trên không với Moskva sẽ cần nguồn lực nhiều hơn bất cứ những gì mà Mỹ đã thấy trong nhiều thập kỷ qua và nó có thể tăng lên một cách nhanh chóng.
Vũ Thanh (New York Times)