Theo các mạng EUobsever và EuroActiv, do phải chịu sức ép cắt giảm chi tiêu quốc phòng, Mỹ không còn kiên nhẫn với việc châu Âu không chịu chi trả cho việc bảo đảm an ninh của chính họ. Những phát biểu thẳng thừng bất thường của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ngày 10/6 tại Brúcxen (Bỉ) đã làm dấy lên mối nghi ngờ về sự tồn tại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Toàn cảnh hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). THX - TTXVN |
Trong chuyến thăm cuối cùng tới châu Âu trước khi về hưu vào ngày 30/6, ông Gates đã nói thẳng rằng hoạt động tại Ápganixtan mắc kẹt do các quy định của nước gửi quân, ám chỉ tới quy định của Đức hạn chế binh lính sử dụng hỏa lực gây chết người, khiến NATO không thể triển khai số binh lính này trong tác chiến tiêu diệt lực lượng Taliban. Theo ông, sứ mệnh đầu tàu của NATO tại Ápganixtan đã bộc lộ nhiều thiếu sót nghiêm trọng cả về năng lực tác chiến lẫn ý chí chính trị. Ông Gates nói: “Mặc dù có quân số hơn 2 triệu người, chưa kể số binh lính Mỹ, song NATO đã phải vất vả, nhiều khi rơi vào tình thế tuyệt vọng, để có thể duy trì việc triển khai từ 25.000-40.000 quân”.
Về sứ mệnh hiện nay tại Libi, ông Gates nhận xét các sai lầm tương tự cũng bộc lộ “hết sức rõ ràng”, có thể ảnh hưởng tới thắng lợi của một chiến dịch được sự ủng hộ chính trị rộng rãi. Ông chỉ rõ: “Mặc dù tất cả các nước trong liên minh đều bỏ phiếu ủng hộ chiến dịch tại Libi, song chưa đầy một nửa trong số đó tham chiến, thậm chí chưa đến 1/3 sẵn sàng tham gia chiến dịch tấn công bằng không quân. Nói thẳng ra, rất nhiều nước đồng minh đang đứng bên lề chiến dịch này không phải vì họ không muốn tham gia, mà đơn giản là vì họ không đủ khả năng tham gia. Tiềm lực quân sự của họ chưa thể đáp ứng yêu cầu của chiến dịch”.
Ông Gates cho rằng khả năng yếu kém trong công tác tình báo, cảnh giới và trinh sát sẽ làm cho các chiến đấu cơ hiện đại nhất của châu Âu trở nên vô dụng. Ông Gates nói: “Một liên minh quân sự hùng mạnh nhất trong lịch sử mới chỉ tham gia chiến dịch chống lại một chế độ được vũ trang nghèo nàn có 11 tuần mà đã rất nhiều nước đồng minh lâm vào tình trạng thiếu hỏa lực, buộc Mỹ phải gánh vác phần thiếu hụt này”. Một quan chức cấp cao của NATO thừa nhận nếu Mỹ không có kho đạn dược khổng lồ, chiến dịch của NATO tại Libi có thể đã chấm dứt. Đây là cuộc chiến đa phương đầu tiên do NATO điều hành sau khi Mỹ rút khỏi vị trí chỉ huy. Tuy nhiên, chỉ với vị thế hỗ trợ, theo tính toán của Lầu Năm Góc đến giữa tháng 5 vừa qua, Mỹ cũng đã phải chi tới 664 triệu USD cho chiến dịch không kích tại Libi.
Thất vọng sau bao năm cố gắng thuyết phục các đồng minh châu Âu tăng kinh phí quốc phòng và nâng cấp tiềm lực quân sự, ông Gates nói rằng một “tương lai mờ nhạt, nếu không nói là tăm tối, cho liên minh xuyên Đại Tây Dương là không thể tránh khỏi” vì đơn giản là Mỹ sẽ không tiếp tục gánh vác các khoản tiền này nữa. Ông cảnh báo: “Nếu xu thế đi xuống về tiềm lực quân sự của châu Âu hiện nay không được chấm dứt hoặc đảo ngược, các thế hệ lãnh đạo tương lai của nước Mỹ - những người mà trải nghiệm của họ về thời kỳ Chiến tranh Lạnh không mạnh mẽ như thế hệ của tôi - có thể sẽ không coi việc Mỹ đầu tư vào NATO là chi phí đáng phải bỏ ra”.
Các chuyên gia cho rằng nếu cảnh báo của ông Gates xảy ra trong thực tế, việc các nước châu Âu phải chi trả nhiều hơn để bảo vệ an ninh của chính họ sẽ là “sự thay đổi lớn mang tính chiến lược” trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu cho biết quan điểm của ông Gates cũng phù hợp với quan điểm của Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, người đã nhiều lần kêu gọi các thành viên châu Âu trong NATO tăng chi tiêu quân sự và cắt giảm hợp lý ngân sách quốc phòng nếu cần thiết. Bà Lungescu nói: “Rõ ràng từ lâu đã tồn tại mối quan ngại về mức chênh lệch trong chi tiêu quốc phòng giữa hai bờ Đại Tây Dương. Một nguy cơ nổi lên là các đồng minh châu Âu thậm chí sẽ tụt hậu trong lĩnh vực phát triển công nghệ. Nhưng mọi người đều biết châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng khoảng kinh tế và tài chính, và mọi mục chi ngân sách đều bị cắt giảm, chi tiêu quốc phòng không phải là một ngoại lệ”.
Thái Vân (P/v TTXVN tại Bỉ)