Các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang vật lộn với câu hỏi NATO nên làm gì khi Mỹ, cột trụ chi phối của họ, quyết định chuyển trọng tâm sang châu Á?
Triển lãm hệ thống phòng thủ tên lửa NATO tại McCormick Place ở Chicago ngày 18/5. |
Theo mạng tin "Project syndicate" ngày 2/9, giới lãnh đạo NATO đang buộc phải xem xét lại vai trò toàn cầu của liên minh, cũng như cách tiếp cận nhằm xử lý quan hệ với các nước như Trung Quốc và Nga, hiện vẫn coi NATO là một nguy cơ tiềm tàng, chứ không phải là một đối tác chân thành. NATO cũng phải xem xét liệu có nên can dự thêm vào các sứ mạng bên ngoài khu vực Bắc Đại Tây Dương, giống như tại Ápganixtan - nơi 22 quốc gia, gồm cả En Xanvađo, Malaixia, Mông Cổ, Xinhgapo và Tônga đã triển khai quân tham gia lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO lãnh đạo.
Kể từ sau hội nghị cấp cao hồi tháng 5 vừa qua, các nhà lãnh đạo NATO đã giải thích rõ ràng rằng vai trò an ninh toàn cầu của NATO cần mở rộng xa hơn Ápganixtan. Họ đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc phòng thủ tập thể, củng cố khả năng giải quyết những thách thức an ninh, ngay cả trong thời điểm khó khăn về kinh tế, tại các khu vực nằm ngoài Bắc Đại Tây Dương, dễ thấy nhất là ở châu Phi (Libi và Vịnh Aden).
Trên thực tế, năm 2011, hơn 150.000 quân do NATO kiểm soát đã tham gia vào 6 chiến dịch trên 3 châu lục. NATO đang tìm cách đạt được những khả năng viễn chinh mới, chứ không phải khả năng phòng thủ thông thường theo truyền thống. Những người ủng hộ các hoạt động viễn chinh nhấn mạnh rằng, mặc dù là một liên minh khu vực, NATO đang phải đối mặt với những nguy cơ toàn cầu, mà chỉ sự hợp tác quốc tế rộng rãi mới có thể chống lại được. Họ đang hy vọng phá vỡ sự phản đối vai trò mở rộng này bằng việc phát triển một danh sách các đối tác quốc tế linh hoạt và không khẳng định sự chi phối bên ngoài khu vực Bắc Đại Tây Dương.
NATO đang vươn ra toàn cầu, khi tạo dựng các quan hệ đối tác với các nước ở xa như Nhật Bản và Ôxtrâylia để cùng tham gia các hoạt động an ninh tại những nơi xa xôi như Trung Á, châu Phi và Bắc cực. Những quan hệ đối tác này có lợi cho cả hai bên: Các đối tác đang có những đóng góp cụ thể, có giá trị cho thành công của NATO, trong khi NATO cải thiện an ninh cho họ.
Kể từ khi nhậm chức từ tháng 8/2009, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen luôn đề cập đến vai trò trên của NATO, khi nhấn mạnh rằng những nguy cơ an ninh chủ chốt của NATO xuất phát từ những thách thức toàn cầu: Các quốc gia gặp khó khăn tại các khu vực đang phát triển, tội phạm mạng quốc tế, các mạng lưới khủng bố, sự phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, cướp biển, những gián đoạn nguồn cung năng lượng và biến đổi khí hậu. Khái niệm chiến lược mới của NATO đã kêu gọi liên minh linh hoạt hơn để đối phó với các nguy cơ mới từ nhiều nguồn khác nhau về địa lý và công nghệ.
Các quan chức Mỹ đang ủng hộ tầm nhìn của Rasmussen, và dẫn logic của ông ta trong việc giải thích chuyển trọng tâm sang châu Á: Việc chống lại các nguy cơ an ninh toàn cầu xuất phát từ châu Á là để bảo vệ các đồng minh Bắc Đại Tây Dương. Diễn biến này đã khiến các nhà quan sát, nhất là bên ngoài châu Âu, suy đoán về bản chất của sự hợp tác tương lai với NATO.
Hơn nữa, một NATO toàn cầu hóa đang khiến các cường quốc lớn lo ngại. Trong khi NATO có thể ve vãn Ấn Độ và Braxin làm các đối tác tương lai, Trung Quốc và Nga vẫn quan ngại rằng NATO có thể theo đuổi một chiến lược toàn cầu nhằm kiềm chế họ, hay NATO tìm cách thay thế LHQ trở thành một thể chế an ninh toàn cầu.
Thanh Hoa