Nếu Syria sụp đổ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ 'bốc cháy'

Với việc tham gia cuộc bao vây Syria (Xyri) do Mỹ cầm đầu, bản thân Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn, biến động và cuối cùng là khả năng đất nước bị chia cắt.

 

Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canađa) ngày 16/8, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực theo đuổi việc thay đổi chế độ ở Syria, giúp NATO và Ixraen bằng cách do thám Syria, hỗ trợ các hoạt động khủng bố, cung cấp sự trợ giúp hậu cần cho lực lượng nổi dậy ở bên trong Syria... 


Ngày 11/8, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới Istanbul và có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc xung đột ở Syria. Trong ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul (giữa) trước cuộc hội đàm. Ảnh: AFP-TTXVN


Đường biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ đang biến thành các trung tâm tình báo và hậu cần của cơ quan tình báo Mỹ (CIA) và Ixraen (Mossad), tạo nên một "trung tâm tình báo đầu não" ở thành phố Adana. Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia các chiến dịch quân sự bí mật chống Syria.


Hai nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ là Mehmet Ali Ediboglu và Mevlut Dudu còn cho biết các chiến binh nước ngoài đang thuê nhà gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, và xe cứu thương Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp buôn lậu vũ khí cho những kẻ nổi dậy ở bên trong Syria.

 

Nếu nhà nước Syria sụp đổ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia thua cuộc lớn nhất. Ngoài mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Ácmênia, Thổ Nhĩ Kỳ còn xa lánh Nga và 3 nước láng giềng quan trọng nhất là Syria, Irắc và Iran. Điều này đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và làm gián đoạn luồng hàng hóa của nước này.


Ở sườn phía đông, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ đang căng thẳng với cả Iran và Irắc. Bátđa hiện đang xem xét lại quan hệ ngoại giao với Ancara bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang khuyến khích chính quyền khu vực người Kurd ở miền bắc Irắc hành động một cách độc lập với chính phủ trung ương Irắc. Quyết định trên của Thổ Nhĩ Kỳ một phần là vì Irắc đã phản đối sự thay đổi chế độ tại Syria, phần khác là do Irắc tăng cường liên minh với Iran.


Về phần mình, Iran đang ngừng việc cho phép công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào Iran không cần thị thực và cảnh báo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc họ "quạt ngọn lửa" khu vực tại Syria cuối cùng có thể khiến họ bị bỏng.


Bất chấp những kêu gọi của chính phủ nhằm tập hợp người dân Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Syria, dư luận nước này vẫn chia rẽ về thái độ của chính phủ đối với Syria. Đa số nghị sĩ trong quốc hội và các đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đều lên án Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã đánh lừa người dân và đẩy nước này tới thảm họa.


Người dân Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tức giận về sự hợp tác của ông Erdogan với Mỹ, NATO, Ixraen và các nước như Arập như Cata và Arập Xêút nhằm chống lại Syria. Đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang phản đối quan hệ của nước này với Ixraen và cho phép đặt các cơ sở của NATO, dự án lá chắn tên lửa và hợp tác với Mỹ tại Trung Đông.


Việc huy động quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tới biên giới Syria là để gây sức ép tâm lý cho Đamát. Tuy nhiên, bất kỳ chiến dịch quân sự quy mô lớn nào chống Syria đều rất nguy hiểm cho Thổ Nhĩ Kỳ và có thể gây chia rẽ các lực lượng vũ trang của nước này.


Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang mâu thuẫn với chính phủ, và bản thân quân đội cũng chia rẽ về chính sách đối ngoại của nước này. Ông Erdogan không tin tưởng một nửa số nhà lãnh đạo quân sự và đã bắt tới 40 người vì có kế hoạch lật đổ ông ta. Liệu Erdogan có thể cử một lực lượng như vậy tấn công Syria hoặc nghĩ rằng ông ta có kể kiểm soát quân đội trong một cuộc chiến tranh lớn hơn?


Tất cả những yếu tố trên báo trước thảm họa. Nếu Syria bốc cháy, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ bốc cháy theo. Chính phủ của Thủ tướng Erdogan đã cố tình xa lánh các nước láng giềng quan trọng nhất, làm tổn thương kinh tế và gây bất ổn biên giới. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Thổ Nhĩ Kỳ đang tự bước vào bẫy, nơi họ sẽ đóng vai trò cảm tử trong cuộc chiến chống Syria.


Cuộc bao vây Syria do Mỹ lãnh đạo nhằm tạo ra sự hỗn loạn khắp Trung Đông và châm ngòi cho các cuộc xung đột khu vực. Bạo lực và xung đột từ Syria có thể phá hủy cả Libăng và Irắc. Trong trận chiến này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ bị suy yếu và chia cắt, theo đúng kịch bản của Mỹ, NATO và Ixraen nhằm tạo ra một "Trung Đông mới".



Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

OIC đình chỉ tư cách thành viên của Syria
OIC đình chỉ tư cách thành viên của Syria

Sáng 16/8, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã đưa ra quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria (Xyri) tại Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này, diễn ra tại thánh địa Mecca của Arập Xêút.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN