Nga bác bỏ tin đồn về vụ bê bối gián điệp mới với Mỹ

Ngày 4/10, Nga cho biết nước này không dính líu gì tới mạng lưới bị Oasinhtơn cho là đã buôn lậu công nghệ quân sự từ Mỹ sang Nga.


 

Nhân viên FBI khám xét trụ sở Công ty Arc Electrics Inc hôm 3/10/2012. Ảnh: Internet

 

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 3/10 cho biết, bộ này đã phá tan một mạng lưới tinh vi chuyên tìm cách có được các thiết bị vi điện tử do Mỹ sản xuất rồi sau đó chuyển cho quân đội Nga và các cơ quan tình báo. Bộ này cho biết 11 nghi phạm và các công ty có trụ sở ở Houston (Texas) và Mátxcơva đã bị cáo buộc về tội xuất khẩu trái phép các thiết bị công nghệ cao cho các cơ quan an ninh của Nga. Các công ty Mỹ bán những thiết bị này không bị nêu danh. Tổng cộng có 11 đối tượng liên quan tới vụ này, tuổi từ 31 tới 58, trong đó có 3 người đang có mặt ở Nga.


Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu trước các cơ quan thông tấn của Nga: "Những cáo trạng này chỉ có tính chất hình sự và không liên quan gì tới hoạt động tình báo". Vụ việc này đã gây ra nhiều lo ngại sâu sắc tại Nga - quốc gia vốn có mối quan hệ đầy khó khăn với cựu thù thời Chiến tranh Lạnh là Mỹ, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi tạo ra một sự khởi đầu mới cho mối quan hệ hai nước. Ông Ryabkov cho biết các nhà chức trách đang thẩm vấn những người mang quốc tịch Nga có trong danh sách bị tình nghi. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết Oasinhtơn đã thông báo cho Mátxcơva rằng các cáo trạng này có tính chất hình sự chứ không phải tình báo.


Tại Mỹ, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, Mitt Romney cáo buộc Tổng thống Obama đã mềm mỏng với Mátxcơva trong suốt 4 năm cầm quyền vừa qua và gọi Nga là "kẻ thù địa chính trị số một" của Mỹ. Năm 2010 đã xảy ra một vụ việc khiến người ta nhớ lại thời Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ bắt giữ 10 người bị tình nghi là gián điệp Nga. Sau đó, những người này đã được trao trả cho Nga trong một cuộc trao đổi gián điệp có quy mô lớn nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.


Tại một cuộc phỏng vấn trong tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Mátxcơva và Oasinhtơn phải làm nhiều hơn nữa để tăng cường quan hệ bởi chương trình "cài đặt lại" quan hệ, theo cách gọi của ông Obama, không thể kéo dài mãi mãi. Quan hệ Mỹ - Nga được mô tả là đã "trở lại với di sản" của thời kỳ Chiến tranh Lạnh sau khi vụ việc xảy ra.


Tờ "Duluth News Tribune" số ra ngày 4/10 cho biết ông Alexander Fishenko, người gốc Cadắcxtan, nhập cư vào Mỹ năm 1994, nhập quốc tịch Mỹ năm 2003 và hiện là Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Arc Electrics Inc có trụ sở tại thành phố Houston, đã bị buộc tội cùng 7 người khác buôn bán nhưng không có giấy tờ đăng ký các thiết bị điện tử siêu nhỏ hiện đại có thể sử dụng cho việc chế tạo các hệ thống vũ khí hiện đại ở Nga, trao đổi thông tin với các sỹ quan tình báo Nga và cố tìm cách giấu giếm các hồ sơ giấy tờ khi giới hữu trách vào kiểm tra trụ sở công ty. Nhóm người này và công ty Arc Electrics cũng bị cáo buộc về tội rửa tiền và hoạt động trên lãnh thổ Mỹ với tư cách là một đại diện của chính phủ Nga nhưng không có đăng ký. Ông Fishenko cùng 7 cộng sự đã bị bắt giam sau cuộc đột nhập khám xét của các nhân viên Cục điều tra liên bang (FBI).


Theo cáo trạng của tòa án liên bang Mỹ ở thành phố Houston, từ tháng 10/2008, ông Fishenko - người mang cả hộ chiếu Mỹ và Nga - và các cộng sự "đã nỗ lực một cách có hệ thống để kiếm các công nghệ kỹ thuật cao của các nhà sản xuất Mỹ và xuất khẩu chúng sang Nga thu lời hàng chục triệu USD. Các vi mạch điện tử mà nhóm của ông Fishenko kiếm được có thể sử dụng vào một loạt hệ thống vũ khí, trong đó có rađa, hệ thống giám sát, hệ thống điều khiển tên lửa và kíp nổ. Đây là những thiết bị mà quân đội Nga đang rất cần cho nỗ lực hiện đại hóa. Nếu bị kết đủ các tội danh như đã cáo buộc, ông Fishenko có thể sẽ phải ngồi tù hơn 12 năm.


Arc Electronics là một công ty có trụ sở ở cả Mỹ và Nga "chuyên cung cấp thiết bị điện tử trọn gói cùng các dịch vụ đi kèm, phục vụ các khách hàng đa dạng, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị y tế, các thiết bị dầu khí, và các sản phẩm thương mại". Các thẩm phán Mỹ cho biết các cuốn băng ghi âm bí mật các cú điện thoại và email của các bị cáo là những bằng chứng về quá trình mua sắm bất hợp pháp của Fishenko và công ty Arc Electrics nhằm phục vụ cho chính phủ Nga.


Bộ Tư pháp Mỹ cho hay trong số 3 nghi phạm khác đang ở Nga có ông Sergei Klinov, Giám đốc điều hành công ty Apex System - nhà cung cấp các thiết bị quân sự cho chính phủ Nga - hoạt động thông qua các công ty con. Cơ quan An ninh Liên bang Nga, tiền thân là Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), và Bộ Quốc phòng Nga đã từ chối đưa ra bình luận ngay lập tức.


Khi được hỏi về các cáo buộc của chính phủ Mỹ, ông Andrei Soldatov - một chuyên gia an ninh và là người đứng đầu tổ chức Agentura chuyên giám sát các cơ quan tình báo và an ninh - cho biết những sự việc như vậy chẳng còn gì xa lạ dưới thời Liên Xô trước đây. Ông nói rằng các thể chế quân sự của Nga, vốn đang nỗ lực phát triển công nghệ bị lạc hậu hơn so với Mỹ, có thể tìm cách sở hữu các công nghệ mới thông qua cách này.

 

TTK (Theo Reuters)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN