Nga - chiến trường ngoại giao Trung - Mỹ

Tam giác chiến lược thời Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại và trong giai đoạn này chỉ có Nga là đang hưởng lợi.

Quân đội Nga và Trung Quốc trong cuộc diễn tập "Sứ mệnh hòa bình 2013". Ảnh: THX


Trong Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc được cho là một nước lớn nhưng lại là nước có chính sách ngoại giao “phức tạp và khó dự đoán”. Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva có chút “nồng ấm” mặc dù bên trong vẫn tồn tại một số bất đồng. Vào cuối những năm 1960, khi quan hệ hai nước xấu đi, Trung Quốc bắt đầu đặt nền móng cho việc tái lập mối quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, Trung Quốc lại bắt đầu “hiệu chỉnh” vị trí của mình một lần nữa và bắt đầu “hàn gắn” quan hệ với Liên Xô.

Với chính sách khó dự đoán trên trong thế “tam giác chiến lược”, Trung Quốc đã thu lại nhiều lợi ích. Như Andrew Nathan và Andrew Scobell, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Columbia (Mỹ) nhận định, “chính sách ngoại giao không chắc chắn của Trung Quốc đối với Liên Xô và Mỹ" cho phép một quốc gia nghèo, bị cô lập, và không có khả năng triển khai sức mạnh quân sự vượt ra ngoài biên giới của mình như Trung Quốc trở thành một cường quốc đứng thứ 3 trên thế giới, có vai trò lớn hơn Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, hay bất cứ quốc gia nào khác ngoài Mỹ và Nga hiện nay.

Và hiện nay, khi Trung Quốc trỗi dậy cùng những căng thẳng với Mỹ gia tăng, một tam giác chiến lược mới đang được định hình giữa Bắc Kinh, Washington và Moscow. Mặc dù xuất hiện nhiều yếu tố mới trong tam giác chiến lược này, nhưng có một sự khác biệt lớn giữa thế “kiềng 3 chân” hiện đại và trước đây đó là Nga và Trung Quốc đã hoán đổi vị trí cho nhau. Có nghĩa là, bây giờ và trong tương lai,  Nga là “giải thưởng quan trọng” của một "cuộc tranh giành" song phương Trung-Mỹ. Với sự nhạy bén chiến lược, Nga có thể điều chỉnh về lợi ích của mình theo nhiều cách.


Việc xác định sách đối ngoại của Moskva với Washington và Bắc Kinh sẽ là trung tâm trong quan hệ Trung-Mỹ vì nhiều (nhưng không phải tất cả) lý do, giống như Trung Quốc từng là một thành phần quan trọng như vậy trong cuộc cạnh tranh Xô -Mỹ trước đây. Hiện, Nga là một quốc gia lớn và ngày càng đóng vai trò quan trọng trên vũ đài chính trị khu vực và thế giới. Mặc dù dân số của Nga có khả năng suy giảm trong những thập kỷ tới, nhưng vẫn sẽ lớn hơn nhiều so với đại đa số các nước khác.

Ngoài ra, vấn đề địa lý được cho là lý do lớn nhất và quan trọng trong mối quan hệ “tam giác chiến lược”. Trung Quốc và Nga có chung đường biên giới lớn nhất thế giới. Đây sẽ là một lỗ hổng rất lớn hay là một cơ hội to lớn cho Trung Quốc. Nếu Mỹ thành công trong việc kéo Nga về phía mình - hoặc nếu quan hệ Nga - Trung xấu đi thì sức mạnh của Bắc Kinh tại khu vực tây Thái Bình Dương sẽ không thể hiện được nhiều.

Trước đây, Bắc Kinh có lịch sử là một cường quốc trên bộ vì một lý do đơn giản là các mối đe dọa đối với nước này đều xuất phát từ khu vực biên giới đất liền. Một yếu tố rất quan trọng khiến nước này hiện đại hóa hải quân trong những thập kỷ gần đây là nhằm tăng cường khả năng bảo vệ biên giới đất liền của mình. Trong tương lai, Trung Quốc vẫn phải tập trung nguồn lực quân sự tại khu vực biên giới với các nước như Nga, Ấn Độ và CHDCND Triều Tiên cũng như khu tự trị phía tây. Như vậy, một liên minh với Nga chắc chắn sẽ giúp Mỹ kiềm chế sự mở rộng của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Trong khi đó, việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục tập trung nguồn lực quân sự của mình hướng ra bên ngoài và sẽ làm giảm đáng kể tính “dễ tổn thương” của Bắc Kinh trước quân đội Mỹ và đồng minh, trong bối cảnh cách nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc gần đây đang tranh luận về các tiện ích của việc áp đặt lệnh phong tỏa  đối với Trung Quốc nếu xảy ra một sự cố nghiêm trọng trong các mối quan hệ với nước này. Chiến lược này của Mỹ nhằm tìm cách khai thác điểm yếu của Trung Quốc, vốn phụ thuộc vào các tuyến đường thông thương trên biển, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Nếu Moscow hợp tác với Bắc Kinh, Trung Quốc có thể giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng và gia tăng ảnh hưởng đối với các nước Trung Á.

Trung Quốc đã nhận thấy vị trí, tầm quan trọng chiến lược của Nga. Gần đây, Bắc Kinh đang mở rộng quan hệ với Moscow trên nhiều lĩnh vực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã gặp nhau không dưới 5 lần trong năm nay. Phần lớn các thỏa thuận hợp tác song phương của hai nước tập trung vào các ngành công nghiệp chiến lược như năng lượng và kỹ thuật quân sự nhằm mục đích tạo ra mối quan hệ hợp tác sâu rộng và dài hạn.

Quân đội Mỹ và Trung Quốc diễn tập chung.


Với Mỹ, Moskva cũng có vai trò quan trọng trong chiến lược “xoay trục” tới châu Á của Washington. Tổng thống Obama ngay khi mới nhậm chức đã cam kết "thiết lập lại" quan hệ với Nga và tất cả các bằng chứng đều cho thấy sự hợp tác giữa hai nước đang có hiệu quả về về các vấn đề như kiểm soát vũ khí, chương trình hạt nhân của Iran và Afghanistan. Bên cạnh đó, Moscow hầu như vắng mặt tại cuộc đối thoại nhằm triển khai chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á.

Mặc dù quan hệ Mỹ- Nga bị xấu đi trong trong vài năm qua, đặc biệt trong 6 tháng gần đây, nhưng xét cho cùng những vấn đề khiến quan hệ hai bên lạnh nhạt với nhau là những vấn đề không đáng kể trong dài hạn. Do đó, việc hàn gắn các mối quan hệ sẽ dễ dàng khả thi trong những năm tới. Hơn nữa, Mỹ có lợi thế hơn so với Trung Quốc trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với Nga do vấn đề địa lý tự nhiên của Bắc Kinh và Moscow – 2 quốc gia láng giềng lớn thường đề phòng lẫn nhau.

Tuy nhiên, để khai thác lợi thế tự nhiên này, Mỹ phải thiết lập chính sách ưu tiên rõ ràng trong mối quan hệ với Nga. Mỹ không thể trông đợi vào việc hợp tác mạnh mẽ với Nga ở Thái Bình Dương nếu Washington tiếp tục chỉ trích Moskva về vấn đề nhân quyền.

Mỹ cũng phải ưu tiên hợp tác với Nga ở Thái Bình Dương hơn các khu vực khác trên thế giới và trước hết, Washington nên tránh để tranh chấp trong khu vực khác ảnh hưởng đến quan hệ với Moskva ở khu vực này. Như vậy, trong một số lĩnh vực, Mỹ sẽ phải đưa ra một sự lựa chọn về việc liệu các vấn đề thuộc khu vực khác có đủ quan trọng để có thể “đánh chìm” mối quan hệ với Nga ở Thái Bình Dương hay không. Trong "thế kỷ châu Á", câu trả lời cho câu hỏi này hầu như luôn là "không".


Công Thuận


Mỹ lo ngại về căng thẳng mới ở vùng biển Hoa Đông
Mỹ lo ngại về căng thẳng mới ở vùng biển Hoa Đông

Bộ Ngoại giao Mỹ, Hội đồng An ninh Quốc gia và Lầu Năm Góc đều đồng thanh bày tỏ quan ngại về những căng thẳng mới xuất hiện ở vùng biển Hoa Đông sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo thiết lập Vùng nhận dạng phòng không tại vùng biển này.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN