Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Syria Bashar al-Assad. Ảnh minh họa. |
Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) Lakhdar Brahimi cho rằng người Nga có những phân tích về tình hình Syria thực tế và cụ thể hơn tất cả các bên liên quan. Ông nhấn mạnh: “Mọi người cần lắng nghe người Nga chứ không nên chỉ nhìn vào những gì họ làm”.
Phát biểu này của ông Brahimi ám chỉ đề xuất mà Nga từng đưa ra hồi năm 2012 để chấm dứt cuộc nội chiến ngày càng leo thang tại Syria, theo đó buộc nhà lãnh đạo độc tài Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực. Đề xuất của Nga đã được đưa ra trước Hội đồng Bảo an LHQ, song Mỹ, Anh và Pháp khi đó tin rằng chế độ Assad đang đứng trên bờ vực sụp đổ và bởi vậy, họ đã phủ nhận đề xuất này. Rõ ràng Washington, London và Paris cho rằng cái kết của chế độ Assad sẽ đến sớm, và họ không muốn để Nga “lập công”.
Tuy nhiên, cho tới nay, ông Assad vẫn tại vị, trong khi hàng trăm nghìn người dân Syria đã thiệt mạng và hàng triệu người đã phải chạy trốn. Những gì ông Brahimi nói có lẽ hoàn toàn có lý, bởi đơn giản người Nga cho tới nay vẫn đang đúng. Cuối cùng, tuy khá do dự, song Mỹ dường như đã bắt đầu cân nhắc ý kiến của Nga rằng chế độ cầm quyền của Syria, đứng đầu là đảng Baath, vẫn cần tiếp tục tồn tại, và đây sẽ là một phần thỏa thuận hòa bình mà các bên đều đồng thuận, trừ các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Chính những đặc điểm mang tính thế tục của chính quyền đảng Baath khiến họ trở nên đặc biệt quan trọng. Chính đảng này chủ yếu bị chi phối với những người Hồi giáo dòng Alawite, một nhánh nhỏ của Hồi giáo Shi’ite, song có được sự ủng hộ của đại bộ phận dân chúng bởi vì những cộng đồng phi Hồi giáo, người Cơ đốc giáo và Hồi giáo Druze coi lực lượng này là lá chắn bảo vệ họ trước các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Nhiều người Hồi giáo dòng Sunni, nhất là những người sinh sống tại các thành phố lớn, cũng có cùng quan điểm này. Họ coi Baath là một chính quyền Arập khu vực luôn dám công khai chống lại Israel.
Theo thỏa thuận mà Nga đưa ra năm 2012, ông Assad sẽ từ bỏ quyền lực, song chính quyền Baath vẫn được giữ nguyên, và chỉ mở rộng phạm vi để giảm bớt sự thao túng của Hồi giáo Alawite, hạn chế các vụ tra tấn và sát hại người bất đồng chính kiến. Một phương Tây quá tự tin khi đó đã bác bỏ đề xuất này, trong khi các “đồng minh” khu vực của họ, như Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, lại cung cấp vũ khí và tài chính cho quân nổi dậy Hồi giáo với mục đích đánh bật chế độ Baath và thay thế vào đó một nền chính trị thần quyền của dòng Hồi giáo Sunni.
Khi không quân Nga bắt đầu tấn công quân nổi dậy vào ngày 30/9/2015, phương Tây đã nhanh chóng chỉ trích chiến dịch này. Tổng thống Mỹ Barack Obama thậm chí còn lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin “không thèm phân biệt giữa các tay súng của IS với lực lượng đối lập người Sunni chỉ muốn ông Assad ra đi”. Người đứng đầu Nhà Trắng nói: “Nga cho rằng tất cả đều là những kẻ khủng bố… Đây thực sự là một thảm họa”. Các đối tác và đồng minh của Mỹ cũng đưa ra những chỉ trích tương tự. Trong một tuyên bố chung được đưa ra ngày 2/10/2015, Pháp, Đức, Qatar, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Anh đồng loạt lên tiếng: “Những hành động quân sự (của Nga) sẽ chỉ càng khiến xung đột leo thang và kích động hơn nữa chủ nghĩa cực đoan và cấp tiến”.
Nga phớt lờ các chỉ trích của phương Tây, tiếp tục chiến dịch ném bom cho tới khi họ chặn đứng sự bành trướng của lực lượng Hồi giáo và ổn định tiền tuyến. Sau đó Nga mới đưa ra đề xuất ngừng bắn.
Sự thực là hiện ở Syria không còn bất cứ “phe đối lập ôn hòa” nào. Những nhóm được cho là “ôn hòa” còn lại đều đã phải liên minh với nhánh chân rết khu vực của al-Qaeda là Mặt trận al-Nursa, và thỏa thuận mà Nga đề xuất năm 2012 cũng không còn phù hợp nữa. Thỏa thuận ngừng bắn mà Nga kêu gọi từ cuối năm 2015 cố tình gạt các nhóm Hồi giáo sang một bên, và Mỹ cũng đã đồng tình với đề xuất này. Thỏa thuận ngừng bắn đã được duy trì hơn 3 tháng, và mặc dù vẫn còn những vụ vi phạm song thực tế không thể phủ nhận là nó đã hạn chế được phần nào làn sóng bạo lực tại Syria. Trong dài hạn, Nga có thể sẽ thúc đẩy những thay đổi cụ thể trong chính quyền của đảng Baath để thuyết phục những nhóm vũ trang phi Hồi giáo cắt đứt quan hệ với al-Qaeda và chấp nhận các điều kiện để được chính quyền Damacus khoan hồng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã để Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng với ông trở thành hai nhà ngoại giao hàng đầu thúc đẩy lệnh ngừng bắn. Các cường quốc thường không bao giờ thừa nhận sai lầm, và bởi vậy, Mỹ cũng sẽ không bao giờ “xin lỗi” về thái độ chống đối Nga trong quá khứ. Tuy nhiên, việc chính quyền Mỹ thay đổi cách hành xử cũng đã là quá đủ, và giờ đây, người ta lại đang bắt đầu nhìn thấy những tia hy vọng mới cho Syria.