Nga đang để mất sức mạnh của "quân bài" dầu mỏ?

Lần đầu tiên kể từ đầu năm nay, giá dầu Brent giảm xuống dưới 50 USD/thùng. Báo Độc lập (Nga) cho biết giá dầu giảm đã ngay lập tức tác động tới đồng ruble của Nga, vốn đang bất ổn trong thời gian qua. Giá dầu giảm cũng kéo theo nhiều tác động xấu, gây ảnh hưởng chung đến nền kinh tế Nga. Và nguy hại hơn, nó còn tác động không nhỏ tới tâm lý của các nhà đầu tư tại Nga. 

Có thể so sánh giá dầu hôm 7/8 hạ xuống dưới mức 49 USD/thùng, thấp hơn hẳn so với mức giá 105 USD/thùng hồi cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu giảm, đương nhiên kéo theo sự mất giá của đồng ruble và các chuyên gia chứng khoán lo ngại tỷ giá 64 ruble/USD và 70 ruble/euro sẽ còn tiếp tục bị phá "đáy".

Sự sụt giảm của giá dầu đã ảnh hưởng đến nguồn thu từ xuất khẩu của Nga.


Nga đang chuyển sang thực hiện các kịch bản "chống sốc" nhằm hỗ trợ và ổn định thị trường trong trường hợp đồng nội tệ mất giá. Theo kịch bản do các chuyên gia kinh tế Nga dự đoán, GDP của Nga trong năm 2015 sẽ giảm từ 3,5 - 4% nếu giá dầu đứng ở mức 60 USD/thùng và nếu giá dầu xuống đến 40 USD/thùng, thì GDP sẽ giảm 7%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng cả hai lựa chọn trên khó xảy ra.

Sự sụt giảm của giá dầu đã ảnh hưởng đến nguồn thu từ xuất khẩu của Nga. Theo báo cáo của Cục Thuế quan Liên bang Nga, từ tháng 1 đến tháng 6/2015, kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã giảm khoảng 1,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 48,1 tỷ USD. Trong khi đó, mặc dù kim ngạch giảm, song trên thực tế sản lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga trong cùng thời gian trên tăng gần 10%, đạt 120,5 triệu tấn. Điều này là một minh chứng cho thấy thiệt hại đáng kể của những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, khi giá năng lượng giảm.

Triển vọng của ngành công nghiệp dầu khí của Nga cũng đã trở thành tâm điểm chú ý các chuyên gia Mỹ. Bộ Năng lượng Mỹ đã chỉ ra rằng Nga đứng đầu thế giới về sản lượng khai thác dầu mỏ và đứng thứ hai (sau Mỹ) về khai thác khí đốt. Theo số liệu thống kê của Cơ quan thuế quan Nga, năm 2014 Nga đã xuất khẩu hơn 4,7 triệu thùng dầu và khí đốt quy đổi mỗi ngày.

Các quốc gia châu Á nhập khẩu 26% tổng sản lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga, trong khi các quốc gia châu Âu nhập khẩu 72% sản lượng. Bộ Năng lượng Mỹ nhấn mạnh rằng nền kinh tế Nga vẫn còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và giờ đây, khi giá dầu giảm, cũng đồng nghĩa với viễn cảnh Nga đang để mất lợi thế dầu mỏ. Đối với Mỹ, sẽ thật là nhất cử lưỡng tiện khi họ tiếp tục gia tăng áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhân dịp này cũng đã xem xét về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Quỹ này cho rằng, các biện pháp trừng phạt trong ngắn hạn sẽ dẫn đến sự sụt giảm từ 1-1,5% GDP thực tế của Nga, và trong trung hạn, lệnh trừng phạt có thể khiến thiệt hại mà Nga hứng chịu tương đương tới 9% GDP.

Tuy nhiên, IMF vẫn giữ nguyên mức dự báo về tương lai nền kinh tế Nga. Cụ thể, vào cuối năm 2015 tốc độ suy giảm kinh tế tại Nga sẽ là 3,4%, và năm 2016, tăng trưởng kinh tế Nga chỉ vào khoảng 0,2%. Với chỉ số này, Nga sẽ trở thành quốc gia phát triển chậm nhất trong số các nước BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Ngày 10/8 vừa qua, phương Tây lại tiếp tục áp đặt lên Nga lệnh trừng phạt mở rộng. Và trong danh sách các đối tượng thuộc diện bị phương Tây áp đặt trừng phạt, có cả ngành dầu khí. Phải chăng, Nga đang chịu mất dần lợi thế của "con bài dầu mỏ"?

Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)
Nga tiếp tục rót tiền vào trái phiếu kho bạc Mỹ
Nga tiếp tục rót tiền vào trái phiếu kho bạc Mỹ

Theo số liệu của Hệ thống dự trữ liên bang và kho bạc Mỹ công bố ngày 18/8, Nga đã tăng 1,4 tỷ USD đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ tháng 6 như đã làm trong tháng 5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN