Nga dùng vũ khí nào trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Su-24?

Moskva đã cảnh báo sẽ trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này bắn rơi chiếc máy bay Su-24 của Nga. Vậy Nga sẽ sử dụng vũ khí nào để làm như vậy và nước này liệu có sẵn sàng mạo hiểm với chính nền kinh tế của mình?


Hình ảnh về chiếc máy bay Su-24 của Nga bốc cháy tại khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: EPA

Vũ khí “năng lượng”

Chỉ 1 năm trước, Tổng thống Nga Putin đã bay tới Ankara để thảo luận về những triển vọng của một mối quan hệ “đối tác chiến lược” với Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, sau cơn tức giận dữ về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiếc máy bay chiến đấu của Nga, ông Putin đã gửi một thông điệp khác đến Ankara: Sẽ có “những hậu quả nghiêm trọng”.
 
Sau vụ việc, hai bên hiện đang chỉ trích lẫn nhau, thậm chí giấc mơ về một mối quan hệ đối tác rộng lớn hơn có thể cũng đã bị “bắn hạ” vào ngày 24/11 vừa qua. Phát biểu với báo giới ngày 25/11, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc máy bay quân sự Su-24 của Nga là hành động phạm tội và gây ra 3 hậu quả. Thứ nhất, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ thực tế đã dùng hành động của mình để bao che cho các tay súng mà Nga cho là thuộc nhóm khủng bố. Cuối cùng, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tổn thương mối quan hệ láng giềng tốt lâu năm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và nhân đạo. Theo Thủ tướng Medvedev, thiệt hại này khó mà bù đắp được. Hậu quả trực tiếp của thiệt hại đó là Nga sẽ hủy bỏ hàng loạt dự án hợp tác quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ chịu tổn thất lớn tại thị trường Nga. (Xem thêm phân tích nguyên nhân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga)

Tuy nhiên, hiện Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu khoảng 60% khí tự nhiên từ Nga, vì vậy Nga không thể dễ dàng từ bỏ một thị trường, nơi mà nhu cầu về khí đốt tự nhiên đang ngày càng tăng lên này, đặc biệt tại thời điểm mà giá dầu thấp đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu của Moskva. Trong khi đó, việc hủy dự án đường ống khí đốt trị giá 40 tỷ USD của ông Putin vào tháng 12 năm ngoái có nghĩa rằng vị Tổng thống Nga có khả năng sẽ không  muốn từ bỏ một thỏa thuận sau đó, một dự án trị giá 12 tỷ USD được thiết kế để chuyển khí đốt quanh Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng tới châu Âu.

“Chỉ có một nơi duy nhất ngoài Trung Quốc mà Nga nói rằng nước này đang hướng tới đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Liệu họ thực sự muốn vứt bỏ điều đó. Tôi thực sự nghi ngờ về điều này”, Sijbren de Jong, chuyên gia Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague nói.

Và với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đơn phương đe dọa cắt đứt mối quan hệ năng lượng vào tháng trước sau khi Nga tiến hành chiến dịch không kích IS ở Syria – đơn giản là không có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn khác ngoài việc tiếp tục có quan hệ kinh tế với Moskva. Nhu cầu về khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng tăng, và Nga là một trong vài lựa chọn tốt trong lĩnh vực này, ít nhất trong ngắn hạn. Ngoài ra, Nga đang hỗ trợ tài chính và giúp xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân trị giá 20 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của nước này. Bộ trưởng Năng lượng mới của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Berat Albayrak – con rể của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan – ngày 23/11 cho biết mối quan hệ năng lượng giữa hai nước có lẽ sẽ không bị đe dọa.
 

Tổng thống Putin đã gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga là “hành động đâm lén từ sau lưng”.

Việc nối lại mối quan hệ thân thiện giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mà ông Putin và Erdogan khởi động năm ngoái đã bị phủ bóng đen bởi tình trạng căng thẳng và khúc mắc vốn đeo đẳng từ lâu, và đặc biệt bởi sự chia rẽ sâu sắc liên quan đến cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria. Moskva và Ankara mâu thuẫn trầm trọng về quan điểm liên quan đến tương lai của nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, cũng như tranh cãi về những mục tiêu thực sự trong chiến dịch không kích mà Nga tiến hành tại quốc gia Trung Đông này.

Ủng hộ PKK

Ngoài lĩnh vực kinh tế, Moskva có thể có một sự lựa chọn khác nhằm trả đũa Ankara: Đó là việc Nga sẽ hỗ trợ cho các chiến binh người Kurd, vốn trong nhiều thập kỷ khiến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải đau đầu. Trong gần hai thế kỷ, Nga đã duy trì quan hệ chặt chẽ với các bộ tộc người Kurd và trong thời kỳ Xô Viết đã thiết lập mối quan hệ với Đảng Lao động người Kurd (PKK) hiện đang đối lập với lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu, và Mỹ từng liệt PKK vào danh sách các “nhóm khủng bố”.

"Ông Putin đã nói công khai khi lưu ý rằng người Kurd là đồng minh trong cuộc chiến chống lại IS. Vì vậy, việc ủng hộ PKK và các chi nhánh của họ sẽ là một cách dễ dàng để Nga trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ", Giáo sư Michael Reynolds, người chuyên nghiên cứu về vùng Cận Đông tại Đại học Princeton cho biết.

Tuy nhiên, một động thái như vậy có khả năng sẽ mang tính kích động cao, đặc biệt là khi Tổng thống Erdogan từng sử dụng cuộc chiến chống PKK như là một ván bài trong nước nhằm giúp đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu trong tháng này. Tình hình có thể trở nên đặc biệt nguy hiểm tại một thời điểm khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nói "ưu tiên hàng đầu"của ông sau khi chiếc máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi là đảm bảo tình hình không leo thang.

"Đó thực sự là một tình huống không thể diễn ra, cũng như việc nếu như Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ cho Chechnya. Đó là một phần của một giới hạn đỏ", ông Sijbren de Jong bình luận.

Công Thuận (Theo FP)
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga?
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga?

Phóng viên TTXVN tại LB Nga đã tìm hiểu nguyên nhân Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ qua lăng kính các học giả và chuyên gia quân sự Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN