Nga, Mỹ, Ukraine và sự kết thúc thế đơn cực

Khi Ukraine tách ra trở thành một quốc gia độc lập sau sự tan rã của Liên Xô, một trật tự thế giới đơn cực được thiết lập. Giờ đây, với việc Crimea sáp nhập vào Nga, sự kết thúc của một trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối dường như là chắc chắn.

Theo Giáo sư Chintamani Mahapatra tại Viện nghiên cứu quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), trước đó, không có nước nào phản ứng về quyết định của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đưa tên lửa vào Afghanistan để đối phó với các vụ đánh bom hai Đại sứ quán Mỹ ở châu Phi và không ai có thể thách thức quyết định của Tổng thống Mỹ George Bush đơn phương bãi bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, rút khỏi Nghị định thư Kyoto, xâm lược Iraq và lật đổ Tổng thống Saddam Hussein.

Binh lính và xe tăng của Ukraine tại Kramatorsk, đông Ukraine. Ảnh: RIA Novosti


Khi đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2009, ông Barack Obama hứa sẽ thúc đẩy một trật tự thế giới tự do; giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua ngoại giao và hạn chế sử dụng sức mạnh quân sự; kết thúc việc chiếm đóng Iraq; đàm phán với Iran về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này; đưa CHDCNDTriều Tiên trở lại Hiệp ước Không phổ biến vũ khí; tích cực tham gia vào thế giới Hồi giáo; kêu gọi Trung Quốc có trách nhiệm hơn và xây dựng quan hệ với Nga như một đối tác hòa bình.

Kế hoạch trên của ông Obama đã có có một phần thành công, chẳng hạn: Mỹ có thể cung cấp một gói tín dụng để Iran hòa dịu hơn trong quan hệ với Washington, cùng với Nga và một số nước giải giáp vũ khí hóa học của Syria, tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và áp dụng một số biện pháp để phục hồi nền kinh tế đang xuống dốc của mình. Tuy nhiên, phần lớn Mỹ lại đang thất bại.

Thất bại lớn nhất của Mỹ phải kể đến là chính sách đối ngoại. Những biến động chính trị bạo lực và nguy hiểm trong thế giới Arập đã bùng lên không thể kiểm soát. Công bằng mà nói, Nhà Trắng phải chịu một phần trách nhiệm trong sự hỗn loạn tại Libya, bất ổn Ai Cập, cuộc nội chiến dai dẳng ở Syria…

Ngoài ra, Mỹ đã khiến cho các đồng minh châu Á của mình mất niềm tin khi mà sự quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ngày càng tăng. Quan hệ giữa Mỹ và đồng minh chiến lược Ấn Độ trở nên căng thẳng từ cuối năm ngoái sau khi các cơ quan chức năng Mỹ bắt giữ Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York - bà Khobragade - với các cáo buộc gian lận thị thực và bóc lột sức lao động của người giúp việc.

Bên cạnh đó, kế hoạch Marshall, một kế hoạch trọng yếu của Mỹ nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu, hay còn gọi là "Kế hoạch phục hưng Châu Âu" trong thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới 2 vẫn còn trong sử sách và giờ đây, chỉ đơn giản là Mỹ không có khả năng đưa ra các chương trình hỗ trợ để giải cứu châu Âu thoát khỏi khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Nói cách khác, trật tự thế giới đơn cực do Mỹ đứng đầu đang trong thời kỳ suy vong. Điều này được thể hiện rõ nhất trong cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra. Trong thời kỳ Liên Xô tan rã, các chuyên gia không thể dự đoán được kết quả cuối cùng về các sự kiện tại Moskva. Tương tự như vậy, trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine hiện nay, không ai có thể tưởng tượng được rằng Crimea có thể tách ra độc lập khỏi Kiev và sáp nhập vào Nga.

Giáo sư Chintamani Mahapatra cho rằng phản ứng của chính quyền Obama với những gì đã và đang diễn ra về Ukraine có thể nói là khá chậm chạp và yếu ớt. Cùng với EU, Washington chỉ áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số cá nhân của Nga. Mặc dù Moskva đã bị loại khỏi khối G-8 và quyền biểu quyết của Nga trong Hội đồng châu Âu đã bị đình chỉ, nhưng cũng không có biện pháp trừng phạt nào có thể được áp dụng đối với các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga và cũng không có biện pháp quân sự nào có thể được tính đến.

Tất cả đều là kết quả của một nước Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ và sự suy giảm tương đối của Mỹ. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu hiện nay là rất khiêm tốn so với thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Không có tàu sân bay của Lầu Năm Góc hiện diện ở Địa Trung Hải; số nhân viên hải quân Mỹ ở châu Âu đã giảm xuống còn 7.000 so với 40.000 người trước đây và số quân nhân đã giảm xuống còn 66.000 so với vài trăm nghìn người trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.


Việc giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ đã đi kèm với sự gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Nga ở châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. 1/3 lượng khí đốt của Đức đang phải nhập từ Moskva; Nga chiếm hơn một nửa lượng nhập khẩu khí đốt của Áo và Phần Lan nhập khẩu 100% khí đốt từ Nga. Xuất khẩu của Đức sang Nga đạt 40 tỷ USD mỗi năm; các ngân hàng của Pháp đang nắm giữ hơn 50 tỷ USD tiền gửi từ Nga và Anh cũng đang thu được hàng tỷ USD lợi nhuận từ tiền gửi của nhà tài phiệt Nga ở London.

Trong khi các đồng minh châu Âu ngày càng mất niềm tin vào Mỹ sau vụ Snowden (cựu nhân viên CIA đã tiết lộ chương trình do thám của Cơ quan an ninh Mỹ, NSA), thì đồng minh châu Á cũng đang mất lòng tin vào Mỹ vì những phản ứng của Washington trong sự trỗi dậy của Trung Quốc. Brazil rất khó chịu với các hoạt động nghe trộm của Mỹ và Ấn Độ cảm thấy bị xúc phạm bởi cách hành xử của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với quan chức lãnh sự Ấn tại New York.

Tổng thống Obama đang kiểm soát mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ, đối tác chiến lược và cường quốc mới nổi một cách kém cỏi; lúng túng trong việc phản ứng đối với những hành động của Nga ở Ukraine. Nam Ossetia, Abkhazia và Crimea đã nằm trong sự kiểm soát của Moskva, trong khi những người biểu tình ở 3 tỉnh ở miền đông Ukraine kiên quyết đòi liên bang hóa. Rõ ràng là, như một hội chứng “domino”, trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối đang bị sụp đổ, ông Chintamani Mahapatra nhận định.


Vũ Thanh
(I.S.S)

Nga bác tin phái đặc nhiệm Nga tới miền Đông Ukraine
Nga bác tin phái đặc nhiệm Nga tới miền Đông Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 17/4 tuyên bố việc chính quyền Kiev khẳng định sự dính líu của lực lượng đặc nhiệm Nga tới các sự kiện ở Đông Nam Ukraine "giống như bệnh hoang tưởng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN