Bằng những hoạt động ngoại giao bất ngờ trong vài ngày qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm sống lại những ký ức về một thời kỳ khi Washington và Moscow cạnh tranh giành ảnh hưởng còn các quốc gia khác đứng ngoài nhìn.Cho dù bất kể điều gì xảy ra với đề xuất của Nga về việc Syria giao nộp vũ khí hóa học thì ít nhất hiện nay Nga đang nổi lên là một chủ thể đóng vai trò trung tâm tại Trung Đông. Và hơn thế, Nga còn được coi là quốc gia không dễ dàng từ bỏ các đồng minh của mình. Điều này rất có ý nghĩa đối với một khu vực nơi mà việc Mỹ bất ngờ bỏ rơi đồng minh là nhà lãnh đạo Ai Cập bị lật đổ Hosni Mubarak cách đây hai năm đã trở thành một sự kiện gây nhiều tác động, khiến người ta nhận ra bản chất chóng tàn của những sự ủng hộ đến từ nước Mỹ.
Tuần dương hạm hạng nặng Moskva của Nga đến Địa Trung Hải. Ảnh: Internet. |
Ngược lại, Tổng thống Putin đã bất chấp những lời chỉ trích và tiếp tục
sát cánh cùng đồng minh Syria, công khai tuyên bố rằng không có đủ bằng
chứng để khẳng định Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công
ngày 21/8, ý ám chỉ rằng bằng cách nào đó ông sẽ trợ giúp Tổng thống
Bashar al-Assad trong trường hợp Syria bị tấn công quân sự.
Kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ - điều mà dư luận ngay tại Mỹ cũng như quốc tế không mong muốn và có khả năng sẽ bị cho là vi phạm luật pháp quốc tế - đã được trì hoãn. Thậm chí ngay cả chính quyền của Tổng thống Barack Obama dường như cũng không thoải mái với viễn cảnh này. Các quan chức lập luận rằng một vụ tấn công (nhằm vào chính phủ Syria) là cần thiết, song theo họ, cuộc tấn công này không được làm lật đổ chế độ tại Syria.
Bước lùi nhưng giữ được thể diện cho Mỹ do Điện Kremlin đề xuất là một chiến thắng mang tính chiến thuật của ông Putin trong hoạt động ngoại giao chiến lược toàn cầu. Một nhà lãnh đạo Điện Kremlin bị cho là người theo thuyết vị lợi có lòng dạ sắt đá, vị kỷ và đôi khi hành động rất táo bạo, lại có thể đưa ra những giải pháp hòa bình và thực hiện chính sách thực dụng một cách khôn khéo.
Leon Aron, chuyên gia hàng đầu về chính sách của Nga tại một cơ quan nghiên cứu ở Washington, nói: "Ông Putin dường như đã 'cứu' ông Obama khỏi bị bẽ mặt ở trong nước. Đây là một chiến thắng lớn của ông Putin... Nga hiện đang trở thành một cường quốc có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông".
Tổng thống Putin đã tổ chức Hội nghị Thượng định nhóm G-20 hồi tuần trước, khi căng thẳng dâng cao liên quan tới các vấn đề chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, tại hội nghị G-20, ông Putin đã đưa ra đánh giá lạc quan về mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Obama. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, ông nói: "Chúng tôi làm việc và tranh luận với nhau về một số vấn đề. Chúng tôi đều là con người do đó đôi khi có thể trở nên bực tức. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng lợi ích quốc tế chung là nền tảng cơ bản tốt để tìm kiếm một giải pháp chung cho các vấn đề giữa chúng tôi".
Đề xuất của Nga về vấn đề Syria có thể sẽ là mở ra con đường để Moscow trở lại khu vực Trung Đông - nơi Nga đã dần bị Mỹ làm lu mờ sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973, khi Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat trục xuất các cố vấn của Liên Xô, ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel và thúc đẩy quan hệ đồng minh chiến lược với Washington.
Nga hiện có cả lợi ích chính trị và chiến lược tại khu vực Trung Đông. Moscow từ lâu đã nỗ lực thể hiện mình là một lực lượng có thể đem lại một giải pháp cho cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine song đã nhiều lần thất bại khi kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình Trung Đông.
Nga cũng rất quan tâm tới việc giải quyết mâu thuẫn xung quanh chương trình hạt nhân của Iran - một vấn đề vốn rất phức tạp bởi mặc dù Nga cho rằng việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân có thể gây mất ổn định khu vực, song Moscow cũng muốn tăng cường hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực hạt nhân với Iran nói riêng và với toàn khu vực nói chung.
Georgy Mirsky, chuyên gia hàng đầu về Trung Đông tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế - một cơ quan nghiên cứu thuộc nhà nước tại Moscow, viết trên trang blog cá nhân rằng sáng kiến về vũ khí hóa học "có thể coi là bước đi thực sự thông minh và hữu ích của ngành ngoại giao Nga" đối với cuộc chiến tại Syria.
Một số người cho rằng ông Putin chỉ đơn giản là nắm lấy cơ hội do có một loạt các điều kiện lý tưởng: việc Nga là đồng minh lớn của ông Assad giúp ông Putin có thể gây ảnh hưởng; và Nga có một căn cứ hải quân ở cảng Tartus của Syria, nơi có khả năng trở thành địa điểm tập hợp các vũ khí hóa học của Syria.
Eugene Rogan, một nhà nghiên cứu tại Viện Trung Đông thuộc Trường St. Antony, nói: "Syria thực sự là đất nước duy nhất trong khu vực mà Nga có thể đóng vai trò quan trọng này". Theo Rogan, kết quả bất ngờ có thể xảy ra là "quan hệ giữa ông Putin và Obama sẽ bớt căng thẳng một chút", hàm ý rằng Tổng thống Mỹ - người rất không muốn phải can thiệp quân sự - có thể sẽ cảm thấy "biết ơn" vì sự trợ giúp quý báu của Nga.
Syria cũng có nhiều lý do để đồng ý với đề xuất của Nga: Tổng thống Assad không có lý do gì để sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai gần; bằng cách từ bỏ vũ khí hóa học hoặc tham gia vào một tiến trình lâu dài nhằm thực hiện việc giải trừ vũ khí hóa học, ông Assad có thể tiếp tục tồn tại và chiến đấu.
Đứng trong hậu trường để quan sát tình hình là Iran - nơi mà các nhà lãnh đạo phải đánh giá mức độ đáng tin cậy của lời đe dọa rằng Mỹ sẽ sử dụng mọi biện pháp, kể cả vũ lực, để ngăn chặn tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong tuần qua, tại Israel đã xuất hiện nhiều lo ngại về việc các giáo sĩ của Iran có thể sẽ đưa ra nhiều kết luận bất lợi cho Israel sau sự việc tại Syria.
Danny Gillerman, cựu Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, nói: "Từ sự do dự và yếu đuối của ông Obama, nhiều bài học sẽ được rút ra. Đó sẽ là thông điệp gửi tới Iran và CHDCND Triều Tiên rằng các đồng minh của Mỹ không thể tin Mỹ và rằng kẻ thù của Mỹ có thể làm gì họ muốn...".
TTK