Hộ chiếu và nhiều loại giấy tờ khác do các chính quyền tự xưng ở Donbass (Đông Ukraine) cấp cho người dân đã được công nhận tại Nga.
|
Theo sắc lệnh ký ngày 18/2, nhà chức trách Nga sẽ tạm thời công nhận các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn và giấy đăng ký phương tiện, được cấp tại hai nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) và Lugansk (LNR) tự xưng ở miền Đông Ukraine. Quyết định này cho phép người dân khu vực xung đột Donbass có thể du lịch, làm việc và học tập tại Nga.
Tuy nhiên, động thái trên ngay lập tức vấp phải phản ứng kịch liệt từ Kiev. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gọi quyết định của Nga là “bằng chứng mới cho thấy Nga vi phạm luật pháp quốc tế”.
Đại sứ Mỹ tại Kiev cũng chỉ trích động thái của Nga là “đáng báo động”, trong khi Bộ Ngoại giao Pháp, Đức đồng loạt ra tuyên bố phản đối. Các nước này coi sắc lệnh của Tổng thống Nga là đi ngược lại với thỏa thuận Minsk, vốn đề ra giải pháp để DNR và LNR dần dần tái hòa nhập trở lại Ukraine.
Trong khi đó, hai nước Cộng hòa tự xưng ở khu vực Donbass hoan nghênh quyết định của Moskva. Người phát ngôn cơ quan lập pháp DNR Denis Pushilin khẳng định việc Nga công nhận các giấy tờ dân sự sẽ khiến cuộc sống của người dân nơi đây “dễ thở” hơn.
Giáo sư khoa học chính trị người Nga Leonid Polyakov cho rằng, sắc lệnh của Tổng thống Putin cho phép người dân Donetsk và Lugansk thoát khỏi khoảng trống pháp lý lâu nay khi giấy tờ dân sự của họ không được công nhận ở bất cứ nơi đâu khác trên thế giới. “Nhìn từ quan điểm của Nga, đó là một cử chỉ thiện chí nhằm trợ giúp nhân đạo” - trang RBTH dẫn lời giáo sư Polyakov - “Người dân Donbass lúc này có thể yên tâm rằng, trên lãnh thổ Nga, họ sẽ được đối xử giống như công dân của các quốc gia khác”.
Khu vực Donbass (gồm Lugansk và Donetsk) thuộc miền Đông Ukraine hiện đang đòi tách ra độc lập khỏi Ukraine, nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.
|
Tuy nhiên, một số nhà quan sát khác thì bình luận động thái mới của Điện Kremlin là lời đáp trả trước tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich mới đây, ông Pence cho rằng Mỹ cần tiếp tục buộc Nga phải chịu trách nhiệm về xung đột ở Donbass, rằng Moskva phải đảm bảo việc thực thi thỏa thuận Minsk. Chỉ vài tiếng sau, sắc lệnh công nhận giấy tờ ở Donbass được ban hành.
Động thái của Điện Kremlin cũng được xem là một thông điệp cứng rắn với phương Tây và Ukraine. “Đó là một lời nhắc từ Nga: ‘Này các anh, chúng tôi có những ý tưởng riêng về những gì chúng tôi nên làm, và trên cơ sở đó chúng tôi sẽ xây dựng chính sách của mình”, Giáo sư Polyakov bình luận thêm. Theo ông, đó là cách Moskva phát tín hiệu tới chính quyền của Tổng thống Trump.
Mặc dù Ngoại trưởng Sergei Lavrov hôm 18/2 khẳng định Nga không thay đổi lập trường coi Donbass là một phần của Ukraine, một số nhà phân tích vẫn lưu ý rằng, trong trường hợp đối thoại với Kiev vẫn bế tắc, Nga có thể chọn giải pháp công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng ở Đông Ukraine. “Không nên loại trừ một diễn biến như vậy”, trang Gazeta.ru dẫn lời ông Alexey Chesnakov, giám đốc Trung tâm Chính trị Hiện thời (Nga) bình luận.