Chiến đấu cơ Su-34 và Tu-154 trên đường trở về Nga. Ảnh: AFP |
Với một tuyên bố mà ngay cả các chỉ huy quân sự cấp cao của Nga cũng phải bất ngờ, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho phần lớn lực lượng khoảng 3.000-6.000 binh sĩ bắt đầu rút khỏi Syria từ ngày 15/3, một động thái làm dấy lên hy vọng về sự tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian tại Geneva.
Những chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga tại Syria đã rời khỏi căn cứ Hmeymim để trở về Nga theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Lại một lần nữa, nhà lãnh đạo Nga có một quyết định gây bất ngờ với phương Tây.
Dù tiến trình đàm phán hòa bình có thể kéo dài, nhưng Nga đã xác lập được vị trí có ảnh hưởng rất lớn trên bàn đàm phán và có thể bảo vệ các lợi ích quốc gia ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung trong một thỏa thuận hòa bình cuối cùng.
Ông Putin giải thích lý do quyết định “rút lực lượng chủ chốt” khỏi chiến trường Syria là do quân đội Nga “nhìn chung đã hoàn thành các mục tiêu đề ra”. Khi chính thức triển khai chiến dịch quân sự ở Syria từ cuối tháng 9/2015, Điện Kremlin từng nhiều lần khẳng định Nga quyết tâm tiêu diệt nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và các tổ chức cực đoan khác tại Syria.
Hiện tại, nhìn toàn cục, có thể thấy Nga đã thực hiện được hai mục tiêu chủ yếu tại Syria: ngăn chặn nguy cơ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ trước các đợt tấn công của IS và phe nổi dậy; giành lợi thế về phía Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình về Syria.
Thực tế cho thấy trước khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, chính quyền của ông Assad liên tục bị các nhóm nổi dậy và IS dồn ép, đánh mất quyền kiểm soát nhiều thành phố và thị trấn. Tuy nhiên, sau khi có sự can thiệp quân sự của Nga, quân đội của ông Assad đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế, phá vỡ thế kiềm tỏa của phe đối lập tại Aleppo và giành lại nhiều vùng lãnh thổ ở miền Tây Syria.
Sau hơn 6 tháng triển khai tại Syria, các chiến đấu cơ của Nga đã xuất kích 9.000 lần, phá hủy 209 cơ sở sản xuất và vận chuyển dầu của IS, giúp quân đội chính phủ Syria lấy lại 400 cơ sở, đồng thời giúp Damascus giành lại quyền kiểm soát 10.000 km2 lãnh thổ.
Chiến dịch quân sự của Nga cũng đã buộc các lực lượng đối lập tại Syria chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 27/2 và dành cho Nga một vị trí trong bàn đàm phán, đảm bảo rằng Mỹ không thể bỏ qua lợi ích của Nga. Washington cũng phải từ bỏ quan điểm cho rằng đàm phán hòa bình không thể diễn ra nếu ông Bashar Al Assad không từ chức. Địa vị và sự tôn trọng chính là mục tiêu của Nga và Nga cần Mỹ hiểu rõ điều này.
Theo nhận định của các nhà phân tích, động thái rút quân của Moskva sẽ là chất xúc tác cho các cuộc đàm phán chính trị về Syria. Thời điểm Nga bắt đầu rút quân diễn ra ngay sau khi các cuộc đàm phán hòa bình được nối lại, tạo cho ông Putin một thời cơ thích hợp để tuyên bố rằng sự can thiệp của Nga hầu như đã hoàn tất, đồng thời thể hiện là một người kiến tạo hòa bình và giúp xoa dịu căng thẳng với quốc gia thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nền quân chủ vùng Vịnh vốn không hài lòng với chiến dịch quân sự của Kremlin.
Phái viên LHQ tại Syria Staffan de Misture nhấn mạnh “đây là một bước tiến quan trọng mà chúng tôi hy vọng sẽ tác động tích cực đối với tiến trình đàm phán ở Geneva”. Người phát ngôn của phe đối lập Syria là Salem Al Mislet cũng hoan nghênh quyết định rút quân của Nga, cho rằng động thái này sẽ giúp ích lâu dài cho các cuộc đàm phán.
Trước đây, phương Tây luôn viện cớ do Nga hậu thuẫn cho quân chính phủ Syria bằng các đợt không kích, nên việc đàm phán hòa bình bị cản trở. Với quyết định rút quân của Moskva, sẽ không còn lý do để gây trở ngại cho tiến trình đàm phán.
Một số nhà phân tích khẳng định rằng Tổng thống Putin đã chiến thắng và đạt được mục tiêu tại Syria, chơi trội so với Mỹ.
Họ sẽ tận dụng những điểm yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, điều Tổng thống Mỹ Barack Obama quan tâm hiện giờ là liệu sự rút quân của Nga có dẫn đến sự ngừng chiến lâu dài tại Syria và trở thành điểm kết thúc cho cuộc chiến đã làm hơn 300.000 người thiệt mạng và hàng triệu người trở thành người di cư hay không. Nếu ngoại giao cuối cùng có tác dụng đối với vấn đề Syria thì có thể coi đây là một thành quả lớn, một chiến thắng cho tất cả các bên.
Mọi sự chú ý đang dồn về Geneva - nơi các bên đang nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc xung đột ở Syria vừa bước sang năm thứ 6. Mặc dù các bên chưa đạt được sự nhất trí về các giải pháp cho cuộc khủng hoảng và lệnh ngừng bắn tạm thời ở Syria có hiệu lực từ tháng 2 vừa qua còn rất mong manh, song Tổng thống Putin đã chứng minh được rằng Nga hoàn toàn có thể thay đổi cục diện chính trị ở Trung Đông bằng sức mạnh của mình.