Những người ủng hộ đảng VRMO DPMNE tập trung ở thủ đô Skopje, Macedonia. |
Chuyên gia Tanner nhận định: Mặc dù báo chí phương Tây đang cảnh báo về nguy cơ “chiến tranh bùng phát trở lại” ở khu vực Balkan nhưng mối đe dọa thực sự lại là chính sách tăng cường ảnh hưởng của Nga thông qua việc hình thành nhóm có quan điểm trung lập hoặc thân Nga gồm Serbia, Montenegro, Bosnia và Macedonia.
Để thực hiện mục tiêu này Nga đã thành lập hàng loạt các hãng truyền thông và các tổ chức thân Kremlin ở Balkan, trong đó có ít nhất 109 tổ chức ở Serbia và 30 tổ chức ở Macedonia, đồng thời thiết lập quan hệ với các đảng phái ở các nước trong khu vực như đảng VMRO DPMNE từng cầm quyền ở Macedonia, đảng đối lập Mặt trận Dân chủ ở Montenegro.
Ngoài ra, các công cụ chính để tăng cường ảnh hưởng của Nga ở Balkan còn bao gồm các trang mạng ca ngợi, quảng bá hình ảnh của nước Nga, ca ngợi Tổng thống Putin và sức mạnh, sự dũng cảm của quân đội Nga. Các trang mạng này thường đăng tải lại các thông tin trên các báo chính thống của Nga như RT và Sputnik, trong đó khẳng định NATO và phương Tây đang run sợ trước ý chí của Nga, EU đang trên bờ vực sụp đổ hay NATO và phương Tây đứng đằng sau âm mưu gây ra cuộc chiến mới ở Albania.
Tuy vậy, hiện nay các nỗ lực của Nga vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn. Việc triển khai chính sách của Nga ở khu vực Balkan vấp phải trở ngại lớn ở Macedonia và Montenegro. Tại Macedonia, đảng VMRO DPMNE được Moskva ủng hộ đã buộc phải nhường lại quyền lực cho đảng Dân chủ Xã hội. Montenegro đã gia nhập NATO bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Kremlin. Hiện tại gần như toàn bộ khu vực phía Bắc Địa Trung Hải, trải dài từ Gibraltar đến biên giới Syria, nằm dưới sự kiểm soát của NATO. Hải quân Nga có nguy cơ không thể tiếp cận được các cảng biển của Montenegro.
Một nguy cơ nữa đối với an ninh khu vực Balkan là mối đe dọa của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Khoảng gần 800 tay súng trong khu vực đã sang Iraq và Syria tham chiến trong gian đoạn 2012-2016, trong đó có hơn 300 người Kosovo và khoảng 200 người Bosnia. Kosovo và Bosnia đang bị cáo buộc “xuất khẩu” các tay súng thánh chiến nhiều hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào.