Hiện các bên mới dừng lại ở việc nhất trí duy trì các cuộc đối thoại chính trị công khai, mà theo đánh giá của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg là có ý nghĩa quan trọng, nhất là "trong giai đoạn căng thẳng hiện nay".
Bình luận về sự kiện này, “Báo Độc lập” (Nga) ngày 21/4 cho rằng kể từ sau khi Crimea được sáp nhập vào Nga khiến Brussels đơn phương cắt đứt mọi quan hệ quân sự, chính trị với Moskva, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy khả năng bàn thảo về việc nối lại quan hệ giữa hai bên một cách đầy đủ nhất. Hơn thế, khi nói về kết quả cuộc gặp, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg khẳng định: "Cuộc gặp này không có nghĩa là chúng ta đang quay trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường". Ngoài ra, cả Nga và NATO đều thừa nhận giữa hai bên vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc.
Đại diện thường trực của Nga Alexander Grushko trao đổi với báo chí sau cuộc gặp gỡ với đại diện thường trực của NATO. |
Các nước NATO hiện vẫn giữ quan điểm hết sức cứng rắn khi cho rằng chừng nào Nga không tôn trọng luật pháp quốc tế, thì chừng đó NATO không thể khôi phục quan hệ hợp tác với Nga như trước đây.
Cần lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt chính trị mà NATO áp đặt lên Nga hoàn toàn không chỉ bởi vấn đề Crimea, mà còn liên quan việc nước này không tuân thủ Thỏa thuận Minsk về giải quyết tình hình ở Donetsk và Lugansk (Ukraine), cũng như đóng "vai trò phá đám" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Thực tế, các vấn đề trên cũng chính là chương trình nghị sự trong cuộc họp ngày 20/4 tại Brussels của NATO với các đại diện Nga.
Cuộc họp đã diễn ra suôn sẻ, trong không khí thẳng thắn và theo đánh giá của ông Stoltenberg là tương đối nghiêm túc và có ý nghĩa, mặc dù trong giai đoạn chuẩn bị trước đó, nhiều chuyên gia thậm chí không tránh khỏi cảm giác lo ngại rằng cuộc họp sẽ không thể diễn ra với nhiều lý do. Thứ nhất, Nga không có ý định thảo luận về vấn đề Crimea dưới bất kỳ hình thức nào, nhất là với NATO. Nga kiên quyết khẳng định rằng vấn đề Crimea vĩnh viễn không cần phải bàn thêm. Thứ hai, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng sẽ không ngại nhấn mạnh lại quan điểm đã từng khẳng định nhiều lần: "Moskva không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Đông Nam Ukraine và Nga không có trách nhiệm ký tên trong các thỏa thuận này". Thậm chí, Nga cho rằng chính Washington bằng cách này, hay cách khác cũng đã gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới cách hành xử của Ukraine, và điều này cũng được áp dụng cho phe đối lập ở Syria.
Nói cách khác, Moskva lưu ý giới chức NATO có ý định nối lại các cuộc đối thoại với Nga trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO rằng chớ nên mượn diễn đàn này để gây áp lực chính trị với Nga. Và theo ghi nhận của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, Nga không hài lòng với cách thức đối thoại 28 - 1 (28 thành viên NATO - Nga), mà sẽ thích hợp hơn nếu để mỗi quốc gia tham gia cuộc họp này được nói lên tiếng nói riêng của mình.
Nga cũng muốn nhấn mạnh câu hỏi là vì sao trong suốt 2 năm qua mọi nỗ lực của Nga nhằm nối lại quan hệ đối thoại Nga - NATO đã không được đếm xỉa, mà hiện nay NATO lại chủ động làm điều đó? Phải chăng, bởi vì các biện pháp trừng phạt, mặc dù tác động đến nền kinh tế Nga, nhưng đã không thể thay đổi đường lối chính trị của Moskva. Và những quân bài như Ukraine, Syria, số phận ông Assad, xung đột do Thổ Nhĩ Kỳ cố tình khơi ra, hay việc kêu gọi Nga phối hợp giải quyết dòng người tỵ nạn tràn vào châu Âu... đều không thể khiến NATO và Mỹ đạt được mục đích là gạt Nga khỏi cuộc chơi, làm Nga điêu đứng mà khuất phục, đã khiến phương Tây một lần nữa phải coi Nga như một đối tác tương xứng?