Nga-NATO: Thế đối đầu nguy hiểm

Hàng loạt hành động quân sự của cả hai bên ở khu vực biên giới đang khiến dư luận lo ngại có thể đẩy Nga và NATO vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã quyết định mở rộng phạm vi hoạt động lẫn tầm ảnh hưởng ở sườn phía Đông của khối này với 4 tiểu đoàn luân phiên tại Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva từ năm 2017, bất chấp những cảnh báo và phản ứng gay gắt trước đó của Moskva.

Mặc dù Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sẽ giải thích về biện pháp trên cho Moskva, song quyết định đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua ở Ba Lan có thể coi là “lời tuyên chiến” với Nga, quốc gia luôn coi bất kỳ hành động “bành trướng” nào của NATO về khu vực phía Đông giáp biên giới nước này là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và làm giảm lòng tin giữa hai bên.

Máy bay chiến đấu SU-25 của Ba Lan tham gia cuộc tập trận của NATO tại Tapa, Estonia năm 2015. Ảnh: THX/TTXVN

Quyết định mới nhất của NATO chỉ là bước tiếp theo trong chiến lược của khối này nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự sát với biên giới Nga, được gấp rút triển khai kể từ Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014 sau khi quan hệ hai bên xấu đi nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Với lý do tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe để trấn an những lo ngại của các quốc gia thành viên Đông Âu về cái gọi là "mối đe dọa" từ Nga, NATO đã tăng cường đáng kể nguồn lực quân sự về phía Đông trong thời gian qua.

Hiện NATO và Mỹ đã triển khai khoảng 1.200 thiết bị quân sự, trong đó có 30 máy bay chiến đấu, và hơn 1.000 binh lính trên lãnh thổ các nước Đông Âu theo cơ chế luân phiên. Các tàu của Hải quân Mỹ và tàu chiến của các nước thành viên NATO đều đặn tiến vào Biển Baltic và Biển Đen. NATO cũng hiện đại hóa và nâng cấp nhiều căn cứ quân sự tại Ba Lan, Romania, Bulgaria và các nước vùng Baltic. Các cuộc tập trận của NATO liên tiếp diễn ra trên lãnh thổ các nước Đông Âu và Baltic, trong đó cuộc tập trận mới nhất hồi đầu tháng 6 ở Ba Lan ghi nhận kỷ lục về số quốc gia (24) và số binh sĩ (31.000) tham gia. Các động thái trên của NATO cho thấy chiến lược tăng cường hoạt động quân sự tại Đông Âu giáp biên giới Nga là dài hạn và có hệ thống.

Kế hoạch mở rộng về phía Đông là một phần không thể thiếu trong việc chuyển đổi mô hình chiến lược của NATO và chiến lược toàn cầu của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hành trình "Đông tiến" vì thế luôn được NATO coi là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển tương lai của khối này. Bất chấp thỏa thuận năm 1990 giữa NATO và Liên Xô trước đây, theo đó NATO cam kết không mở rộng về phía Đông và không kết nạp các nước Đông và Trung Âu từng là đồng minh của Nga, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, NATO đã 3 lần "Đông tiến", trong đó đợt mở rộng quy mô và ồ ạt nhất là năm 2004 với việc kết nạp 3 nước Baltic và 4 nước Đông Âu. Cùng với việc kết nạp thêm thành viên mới, NATO không ngừng tăng cường hiện diện quân sự tại các nước Baltic và Đông Âu. Binh lính và vũ khí của NATO đang ngày càng áp sát biên giới Nga.

Đáp lại các hành động "khiêu khích và gây hấn" của NATO, Moskva cũng tăng quân bảo vệ sườn phía Tây giáp các nước NATO, bao gồm việc thành lập 2 sư đoàn mới tại Quân khu miền Tây và một sư đoàn mới ở Quân khu miền Nam. Hơn 2.000 loại thiết bị quân sự mới hoặc đã được nâng cấp sẽ được đưa vào hoạt động trong các đơn vị của Quân khu miền Tây, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không S-400. Một quân đoàn mới cũng đã được thiết lập trong Hạm đội Baltic của Nga hồi tháng 4. Trong vòng 3 năm qua, Hạm đội Baltic đã tiếp nhận 2 tàu chiến cùng nhiều hệ thống phòng không và phóng rocket,...

Quyết định mới của NATO triển khai 4 tiểu đoàn tại Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan với số lượng mỗi đơn vị từ 800 - 1.200 người, chắc chắn sẽ lại khơi mào cho một loạt biện pháp đáp trả tương ứng của Nga, bởi Moskva đã nhiều lần khẳng định không có chuyện "Nga sẽ bỏ qua" nếu NATO tăng cường sự hiện diện quân sự ở sườn phía Đông của khối này.


Hàng loạt hành động quân sự của cả hai bên ở khu vực biên giới đang khiến dư luận lo ngại có thể đẩy Nga và NATO vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Moskva cho rằng quyết định của NATO cho thấy tuyên bố của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng quan điểm của NATO "không tìm kiếm đối đầu, không muốn Chiến tranh Lạnh và sẽ tiếp tục tìm kiếm đối thoại mang tính xây dựng và có ý nghĩa với Nga" chỉ đơn thuần là lời nói, còn những hành động thực tế lại chứng minh điều ngược lại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cáo buộc NATO đang mưu toan tô vẽ hình ảnh nước Nga như một “mối đe dọa” để biện minh cho các hành động tăng cường quân sự của mình cũng như đánh lạc hướng dư luận khỏi vai trò của NATO và một số quốc gia thành viên trong việc gây ra các cuộc khủng hoảng và duy trì tình hình căng thẳng tại một số khu vực trên thế giới. Bộ Ngoại giao Nga cho biết tại cuộc họp Hội đồng Nga - NATO dự kiến diễn ra ngày 13/7 tới tại Brussels (Bỉ), Moskva sẽ đề nghị NATO giải thích rõ về các kế hoạch của liên minh quân sự này.

Những động thái mới nhất của NATO đang "đổ thêm dầu" vào những căng thẳng và mâu thuẫn vốn âm ỉ từ lâu trong quan hệ với Nga. Tuy nhiên, Nga và NATO vẫn còn cơ hội làm dịu tình hình trong cuộc họp Hội đồng Nga-NATO sắp tới. Dẫu sao, một cuộc đối thoại trực tiếp và thẳng thắn giữa hai bên vào lúc này cũng là một cách thức tốt để cả Nga và NATO có thể tìm kiếm một giải pháp giảm đối đầu, bởi điều đó không chỉ đáp ứng lợi ích của hai bên mà còn vì lợi ích an ninh của toàn khu vực châu Âu và Đại Tây Dương.

TTXVN/Tin Tức
Quan hệ NATO-Nga sẽ ra sao sau hội nghị Warsaw?
Quan hệ NATO-Nga sẽ ra sao sau hội nghị Warsaw?

Kịch bản ác mộng là số lượng lớn các lực lượng vũ trang của Nga và NATO cùng diễn tập quân sự ở cự ly gần nhau, có thể dẫn đến các bên hiểu lầm và sẽ tiến hành tấn công trả đũa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN