Đây là nhận định của ông Endar T.D. Retnoastuti, thành viên Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Indonesia - Việt Nam, Trưởng Phòng Hợp tác liên nghị viện thuộc Tổng vụ thư ký Hạ viện Indonesia, về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (HĐND) nhiệm kỳ 2021-2026 ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Jakarta ngày 21/5, Nghị sĩ Endar cho rằng dịch COVID-19 đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với các hệ thống quản trị ở khắp mọi nơi, ảnh hưởng sâu sắc đến tương tác giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp, tác động đến khả năng hoạt động cũng như cách cơ quan lập pháp thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Theo ông Endar, thông qua các giải pháp kỹ thuật số hoặc bằng cách thực hiện các biện pháp vệ sinh dịch tễ nghiêm ngặt, các nhiệm vụ lập pháp, đại diện, lập ngân sách và giám sát của Quốc hội phải được đảm bảo nhằm duy trì hoạt động xây dựng luật của các cơ quan hành pháp và lập pháp trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh. Hơn nữa, việc duy trì vai trò của cơ quan lập pháp trong thời kỳ đại dịch cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo quá trình thay đổi, chuyển giao nhân sự thông qua bầu cử.
Đánh giá cao Quốc hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả về đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động, Nghị sĩ Endar bày tỏ hy vọng rằng cơ quan lập pháp tối cao của Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành công trong quá trình hoạch định chính sách và phát triển quốc gia trong thời gian tới.
Cuối cùng, ông Endar kỳ vọng rằng Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Indonesia - Việt Nam sẽ trở thành nền tảng tăng cường hợp tác song phương và khu vực, đồng thời là kênh thảo luận về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, giải quyết tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình khu vực đang diễn biến phức tạp.