Nhà cửa bị phá hủy sau một cuộc không kích tại thành phố Daraa do phiến quân kiểm soát ở tây bắc Syria ngày 12/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mặc dù được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, song không nhiều người lạc quan về triển vọng thỏa thuận sẽ đem lại một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột tại Syria.
Theo thỏa thuận, các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được Nga ủng hộ và những nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn ngừng hành động thù địch trong giai đoạn 7 ngày, sau đó được gia hạn thêm 2 ngày, để cho phép đưa hàng viện trợ vào các thành phố đang bị bao vây, nhất là tại Aleppo - nơi chứng kiến chiến sự ác liệt nhất. Mỹ và Nga cũng bắt đầu thiết lập một cơ chế chung để chia sẻ thông tin nhằm vào các nhóm khủng bố liên quan tới al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mục đích là tách các nhóm đối lập Syria được phương Tây và các nước Arab ủng hộ với những tổ chức thánh chiến không nằm trong thỏa thuận.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những bất đồng còn tồn đọng giữa Mỹ và Nga về tương lai của Tổng thống Assad, mối quan hệ phức tạp giữa các nhóm đối lập chống chính quyền và sự thiếu niềm tin giữa các bên tham chiến khiến triển vọng về một nền hòa bình cho Syria vẫn rất ảm đạm. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, thỏa thuận sẽ giúp giảm mức độ leo thang tạm thời của cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 6 và cướp đi sinh mạng của hơn 400 nghìn người. Cho dù giai đoạn tạm thời này xuất phát từ mong muốn của chính quyền Syria tập trung vào việc củng cố những thành quả đã đạt được hay do sự kiệt quệ trong hàng ngũ của phe đối lập, giới phân tích không mấy lạc quan về khả năng duy trì lâu dài thỏa thuận. Trên thực tế, Mỹ và Nga vẫn chia rẽ rất lớn trong vấn đề then chốt: Moskva muốn duy trì quyền lực của Tổng thống Assad trong bất kỳ thỏa thuận nào, trái ngược với lợi ích của Mỹ và các nhóm đối lập liên kết tại Syria.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo công bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 9/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bên cạnh đó, thỏa thuận kêu gọi Mỹ gây áp lực đối với các nhóm đối lập mà Washington ủng hộ để tách khỏi nhóm liên kết với al-Qaeda là Jabhat Fatah al-Sham (JJS - từng được biết đến với tên gọi Mặt trận Nusra), nhưng thực tế các nhóm chiến binh đối lập này lại có quan hệ mật thiết khó có thể phá vỡ với JFS. Do đó, Mỹ và Nga có thể sẽ còn bất đồng trong việc đưa những nhóm nổi dậy nào vào danh sách khủng bố và mục tiêu của các cuộc không kích.
Một vấn đề khác là sự nghi kỵ giữa các bên tham chiến. Phe nổi dậy nhất trí những nguyên tắc cơ bản như thiết lập các hành lang nhân đạo, nhưng lo ngại về việc giám sát lệnh ngừng bắn cũng như khả năng thỏa thuận này sẽ giúp củng cố chính quyền của ông Assad, vốn đang chiếm ưu thế trên chiến trường. Trong những tháng gần đây, chính quyền Syria đã cải thiện đáng kể vị thế quân sự, bao vây hoàn toàn các vùng kiểm soát của phe nổi dậy tại thành phố lớn nhất Syria là Aleppo và giành lại hai khu vực trọng yếu sát thủ đô Damascus.
Những tiến triển trên của chính quyền Syria khiến không ít chuyên gia nhận định rằng quân đội của Tổng thống Assad hoàn toàn có thể giải quyết cuộc chiến bằng giải pháp quân sự. Thậm chí, một số quan chức chính quyền Mỹ xem đây là một thỏa thuận không ổn định. Trong phát biểu thông báo về thỏa thuận ngừng bắn hồi cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng phải thừa nhận rằng thỏa thuận ngừng bắn này dựa trên sự thiện chí và mức độ tin cậy của các bên liên quan.
Nói cách khác, thỏa thuận ngừng bắn tại Syria khó có khả năng chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột tại Syria và dường như chỉ thể hiện nỗ lực của Mỹ và Nga nhằm tăng cơ hội đánh bại các tổ chức khủng bố IS và JFS. Cả hai cường quốc này đều nhất trí tăng cường hợp tác chống IS và họ cần những mặt trận khác im tiếng súng. Mặc dù kỳ vọng sẽ là bước đệm cho các nỗ lực ngoại giao đa phương dẫn đến một sự chuyển giao chính trị tại Syria, nhiều nhận định cho rằng khó có cơ hội đạt được giải pháp lâu dài trước khi xác định được kết quả của các cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ và Iran, và cuộc chiến có thể còn kéo dài thêm một vài năm nữa. Tuy nhiên, không phải ai cũng bi quan. Một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận này là cơ hội tốt vì cả Mỹ và Nga không thể dễ dàng chấp nhận thất bại trong các nỗ lực ngoại giao vì hòa bình ở Syria. Nếu sáng kiến hòa bình này sụp đổ, uy tín quốc tế của cả hai nước đều ít nhiều sẽ bị suy giảm.
Đây không phải lần đầu tiên các bên liên quan trong cuộc xung đột tại Syria nỗ lực chấm dứt cuộc chiến đẫm máu kéo dài nhiều năm qua. Syria từng đề nghị Liên đoàn Arab trợ giúp, trong khi LHQ đã tổ chức ba hội nghị hòa bình tại Geneva (Thụy Sĩ) với hy vọng chấm dứt xung đột, nhưng đều kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào. Tháng 2/2016, Mỹ và Nga từng giúp đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng thất bại với việc hai bên tham chiến đổ lỗi cho nhau. Vì thế, thỏa thuận ngừng bắn lần này đang thắp lên hy vọng dù là mong manh cho những người dân Syria đang mong mỏi chấm dứt cuộc chiến đẫm máu hiện nay ở quốc gia Trung Đông này.