Những tiết lộ về các chương trình do thám của Mỹ khiến cho Edward Snowden được một phần không nhỏ của thế giới ca ngợi như người hùng, trong khi tại một số khu vực khác nhân vật này bị xem là kẻ phản bội.Chính phủ Mỹ đã buộc tội Snowden trộm cắp tài sản nhà nước, truy cập trái phép thông tin quốc phòng và cố ý kết nối thông tin tình báo mật cho những người không được phép. Mỹ đang tìm cách dẫn độ “kẻ phản bội”, đồng thời chỉ trích cả Trung Quốc lẫn Nga về sự bất hợp tác.
Các nhà báo tập trung tại sân bay Sheremetyevo chờ đợi cuộc họp báo của Edward Snowden với các nhà hoạt động nhân quyền hôm 12/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, nằm trong thế kẹt cả về luật pháp và di trú cũng như không phải hiển nhiên nhận được chấp thuận tị nạn từ các nước như Venezuela, Ecuador và Nicaragua, Snowden có thể đang suy tính, cân nhắc các quyết định. Nga không phải là lựa chọn đầu tiên của Snowden cho “bến đỗ” an toàn, ngay cả trong ngắn hạn. Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận Snowden đã xin tị nạn tạm thời nhưng Nga đã ra điều kiện nghiêm ngặt khi xem xét đơn của anh ta.
Sau những gì đã xảy ra, người được lợi trước hết là công chúng, với những mong muốn được bảo vệ quyền riêng tư. Những tiết lộ của Snowden đã đưa ra ánh sáng việc chính phủ Mỹ do thám trực tiếp các mục tiêu cả trong và ngoài nước. Hơn nữa, thông tin quan trọng của Snowden về việc Tòa án giám sát tình báo nước ngoài (FISC) đã trao các quyết định mật cũng như quyền lực sâu rộng mới cho Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) sẽ chỉ khuyến khích các cuộc tranh luận căng thẳng về các mục tiêu chính sách công khác nhau. Trong tương lai, việc tìm kiếm sự cân bằng hơn giữa những đòi hỏi về quyền riêng tư và đảm bảo an ninh quốc gia hay chống khủng bố của chính phủ Mỹ là quá muộn.
Bên được lợi tiếp theo trong vụ Snowden là Nga. Với những bí mật trong bộ nhớ điện tử do Snowden sở hữu, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) sẽ tích cực quan tâm đến sự có mặt của Snowden ở Nga. Việc Nga có cơ hội bảo vệ và cung cấp nơi trú ẩn cho Snowden trong hoàn cảnh hiện tại cho thấy Moscow nắm đằng chuôi.
Đứng về bên thắng trong vụ Snowden còn có Julian Assange và tổ chức WikiLeaks. Vụ việc Snowden xảy ra đưa Wikileaks và người sáng lập đã quen thuộc với công chúng trở lại là chủ đề tranh cãi rộng rãi. Những trợ giúp pháp lý và sự ủng hộ đối với việc làm của Snowden khiến cho vụ việc của WikiLeaks và ông chủ Assange được nhìn nhận theo hướng tích cực hơn và một lần nữa nhắc nhở thế giới về tình trạng khó khăn của họ.
Chịu thiệt hại nhiều nhất là Mỹ. Trước hết, thương hiệu Mỹ hay hình ảnh và danh tiếng quốc tế của Mỹ như một pháo đài dân chủ và tự do, vốn đã giảm đáng kể khi nước này có những hành động thái quá trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, chắc chắn tiếp tục bị ảnh hưởng. Đối với một quốc gia luôn tự hào có chính phủ cởi mở, thủ tục chặt chẽ, hiến pháp và các quy định pháp luật được tôn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt, việc do thám trên quy mô lớn đối với người dân trong nước và các chính phủ nước ngoài gây tổn hại đáng kể cho thương hiệu Mỹ.
Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng bị ảnh hưởng không kém. Mục tiêu nhằm vào các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế của NSA có thể không là điều bất ngờ. Tuy nhiên, sau khi các chi tiết về mục tiêu của NSA xuất hiện trên trang nhất các báo trên toàn thế giới, con thuyền ngoại giao của Mỹ tròng trành như gặp sóng lớn.
Độ tin cậy về một trong những mục tiêu cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ những năm gần đây là thúc đẩy sự tự do, dễ tiếp cận và mở rộng truy cập Internet - thể hiện trong chuyên đề Nghệ thuật lãnh đạo quốc gia thế kỷ 21 - vốn đã ít ỏi nay càng khan hiếm. Khoảng cách ngày càng rộng giữa lời nói và việc làm sẽ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn cho siêu cường đang gặp rắc rối của thế giới.
Các công ty tin học cộng tác với Mỹ cũng chịu nhiều thiệt hại. Một số thành viên nổi trội trong thế giới kinh doanh kỹ thuật số đã bị Snowden ám chỉ như những đồng lõa trong vụ bê bối. Mặc dù luôn phủ nhận, nhưng một khi những cáo buộc này được đưa ra, các hãng kinh doanh khổng lồ như Microsoft, Google, Facebook, Apple và một số công ty viễn thông lớn trong đó có Verizon và Telstra sẽ phải mất rất nhiều lời giải thích.
Cuối cùng, Edward Snowden cũng là “nạn nhân” của chính mình. Cho dù có hài lòng tới mức nào với nguyên tắc xử sự và đạo đức trong hành động của mình, Snowden vẫn ở vào tình thế cực kỳ khó khăn và không thể sớm biết kết cục đi đến đâu. Con người chỉ mới 30 tuổi này chắc chắn cảm thấy bị tổn thương và chịu áp lực ghê gớm trước sức mạnh cưỡng chế toàn diện của nhà nước Mỹ. Ngay cả khi “hạ cánh” với một cuốn sách hấp dẫn và những giao dịch làm phim về một quãng đời nổi tiếng, tương lai cuộc sống của Snowden đang thu hẹp dần, hoặc cuộc sống lưu đày vĩnh viễn cũng không có gì hấp dẫn.
Có thể nói, giống như người tiên phong Assange, Snowden đã thành công trong việc sử dụng công nghệ thông tin để đạt được sự nổi tiếng ngay lập tức. Việc làm của anh ta gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế trong một thời gian ngắn, điều không thể tưởng tượng được chỉ trong vài năm trước đây. Tuy nhiên, cả hai đều phải trả giá đắt cho hành động tự trao quyền cho cá nhân.
TTK