Sau cuộc “Cách mạng Cam” năm 2004, đất nước Ukraine, vốn còn đọng lại trong tâm trí của nhiều cựu sinh viên Việt Nam trước đây như một quốc gia xinh đẹp và hiền hòa, nay lại bước vào đợt sóng gió mới.
Người biểu tình ở Kiev ngày 6/12. Ảnh: AFP-TTXVN |
Viện cớ đấu tranh để hội nhập với Liên minh châu Âu (EU), những người biểu tình ở quảng trường Độc Lập tại trung tâm thủ đô Kiev đang nỗ lực lật đổ chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych hòng mưu cầu một tương lai tươi sáng hơn. Song họ đâu biết, giấc mộng hão châu Âu hóa của họ đang đưa Ukraine tới con đường bất tận không lối thoát.
Trở lại Kharkov (thành phố công nghiệp lớn thứ 2 của Ukraine) cuối tháng 8, tôi cảm nhận như thành phố đang hấp hối. Đường sá đầy ổ gà, các xí nghiệp hầu như không còn nhộn nhịp. Rõ ràng, kinh tế Ukraine đang khủng hoảng trầm trọng. Quí III/2013, GDP giảm 1,5% và là quí thứ 5 liên tiếp Ukraine suy thoái. Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Ukraine sau EU, song 60% kim ngạch xuất khẩu của Ukraine phụ thuộc vào không gian hậu Xô Viết, trong đó Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan là những thị trường chủ lực. Có thể nói hầu hết các trung tâm công nghiệp của Ukraine đều không thể tách rời Liên minh Hải quan.
Tuyệt vọng về kinh tế, ban lãnh đạo Ukraine đã tính tới nước cờ hội nhập EU, hy vọng tìm được cứu cánh là nguồn tiền đầu tư dồi dào. Song những toan tính đó rốt cuộc không thể trở thành hiện thực. Ukraine có hơn 45 triệu dân, gấp 4 lần quốc gia bậc trung thuộc EU như CH Czech. Thu nhập bình quân đầu người của Ukraine còn lâu mới bắt kịp châu Âu. Trong khi đó, châu Âu, do chưa thoát khỏi khủng hoảng, nên ngay lập tức không xoay được một lượng tiền lớn để “mua” nước Ukraine đông đảo. Ngoài ra, chính phủ Ukraine cũng hiểu rõ nếu muốn tách khỏi Liên minh Hải quan họ cần một giai đoạn quá độ để chuyển hướng các mặt hàng xuất khẩu từ Đông sang Tây - điều không thể thực hiện một sớm một chiều.
Ẩn sau những lộn xộn ở Ukraine không đơn thuần là một cuộc chiến quyền lực giữa chính phủ và phe đối lập mà xa hơn nó còn là cuộc chiến địa-chính trị giành giật thị trường và ảnh hưởng. Ai cũng biết nếu trở thành thành viên EU, chính phủ Ukraine sẽ mất chủ quyền về kinh tế rồi sau đó là chủ quyền chính trị. Các xí nghiệp công nghiệp của Ukraine từng bước rơi vào tay cá mập công nghiệp của Đức hay Pháp. Vựa lúa mì Ukraine sẽ phải “làm thuê” cho các đại gia nông sản châu Âu. Còn Ukraine là đầu cầu để EU tiếp cận sâu hơn không gian hậu Xô Viết. Cuối cùng, luật pháp, kinh tế, và nền chính trị Ukraine sẽ không phục vụ cho lợi ích quốc gia mà bị EU kiểm soát. Hội nhập EU cũng đồng nghĩa với gia nhập NATO. Ukraine sẽ phải chi tiền duy trì liên minh quân sự này, hay tham gia các hoạt động của NATO.
Người biểu tình ở Kiev cho rằng họ đang đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp hơn, song thực chất đó là ảo tưởng. Ở miền tây Ukraine, vốn nghèo khó và kém phát triển hơn miền đông, những thanh niên ủng hộ châu Âu đang mơ mộng tới công ăn việc làm nhàn nhã, lương cao ở EU, mà họ có thể tới không cần visa khi Ukraine gia nhập. Tuy nhiên, họ đâu ngờ khi đó họ cũng chỉ là công dân hạng hai, phải cạnh tranh với người Romania hay Bulgaria, để làm các phần việc y tá hay dọn dẹp, hòng nhận được từ 700 đến 800 euro mỗi tháng. Cứ đặt giả thuyết chính quyền Tổng thống Yanukovych sẽ đổ, phe đối lập lên nắm quyền, thì không biết chính quyền mới dựa vào đâu để phát triển kinh tế nếu vòi sữa EU vẫn nhỏ giọt. Khi đó ước mơ châu Âu sẽ gây phương hại tới các khu vực khác ở Ukraine, và làm hàng nghìn người tại đó bị đẩy ra đường vì mất việc.
Có thể nói, những thanh niên tham gia biểu tình ở Uknaine đang ngồi đếm sao trên lá cờ EU, mơ mộng một ngày nào đó ngôi sao Ukraine được gắn lên đó. Còn tại thực địa họ đang là những quân tốt “ngờ ngệch” trên bàn cờ địa chính trị.
Duy Trinh