Tuy nhiên, quyết định bất ngờ hôm 22/7 về đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas làm phát lộ một thực tế: Phái cứng rắn đang thắng thế.
Vội vã đổ tội nguồn gốc COVID-19 cho Trung Quốc và bực tức trước hoạt động do thám, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh, ông Trump đã cho phép một nhóm nhỏ cố vấn, đứng đầu là Ngoại trưởng Mike Pompeo, đẩy chính sách với Trung Quốc lên ngưỡng hận thù nhất trong nhiều thập kỉ qua. Hệ quả là một loạt những đòn cấm vận, hạn chế, lên án được tung ra, với kết cục mới nhất là vụ đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
Ông Pompeo cùng với Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matt Pottinger là hai “kiến trúc sư” chủ chốt của nhóm cứng rắn, quyết định điều chỉnh chính sách của Mỹ. Số này nhận thấy rằng cách tiếp cận tấn công sau nhiều thập kỉ làm ngơ trước hành xử của Trung Quốc, chỉ trích các chính quyền tiền nhiệm vì đã “ngây thơ” trước Bắc Kinh dễ nhận được ủng hộ tại Nhà Trắng.
Một nguồn thạo tin am hiểu tiến trình thảo luận nội bộ cho biết, ông Pompeo và những cố vấn của mình đã đi đến một kết luận: Một nước Mỹ dân chủ, tư bản chủ nghĩa hoàn toàn đối lập, không thể cùng chung sống với một Trung Quốc mà người lãnh đạo không qua bầu cử phổ thông. “Mỹ đang phản ứng can dự trước Trung Quốc theo cách thức Mỹ chưa từng làm trong 20 năm qua”, Ngoại trưởng Mỹ phát biểu ngày 19/6.
Khi phòng Bầu Dục hầu như không phát đi yêu cầu kiềm chế nào, nhóm của ông Pompeo đã tổ chức một loạt đòn công kích liên hoàn chưa có tiền lệ nhằm vào Bắc Kinh, lôi kéo tất cả giới chức cấp cao trong ngành hành pháp tham gia vào cuộc chơi này.
Quan điểm chống Trung Quốc được thể hiện trong các bài phát biểu gần đây của Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray và Bộ trưởng Tư pháp William Barr. Ông Pompeo còn trao cho phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus biên độ phát ngôn rộng hơn, chỉ trích Trung Quốc bằng những ngôn từ cứng rắn khác thường.
Trên mạng xã hộ twitter, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C hôm 22/7 phát đi thông điệp yêu cầu Mỹ hành động kiềm chế, so sánh hành xử của chính quyền Mỹ với hình ảnh một xe ô tô đang đi lầm đường. “Đã đến lúc thắng phanh và quay trở lại với con đường đúng”, Đại sứ quán Trung Quốc nêu quan điểm.
Cá nhân ông Pompeo cũng đã lên đường, nhưng là để quảng bá cho chiến dịch, với các chuyến thăm tới Anh và Đan Mạch mà mục đích chính là tạo dựng một liên minh toàn cầu phản đối Trung Quốc. Ngày 23/7 (giờ địa phương), ông sẽ tới thăm Thư viện Richard Nixon và có bài phát biểu, với nội dung chính được cho là phác thảo cuộc chiến Mỹ-Trung như là một cuộc đụng độ không thể tránh khỏi giữa các nền văn minh.
Tiếp thêm sinh lực cho luồng quan điểm diều hâu mới này là một nhóm các cố vấn, phụ tá quanh ông Pompeo – số đề ra cách tiếp cận bằng những ngôn từ, thuật ngữ thậm chí còn đối đầu, mạnh bạo hơn. Trong đó có Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell và hai chuyên gia người Mỹ gốc Hoa nhưng đã bước gia khỏi thế giới học thuật để vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đó là Miles Yu and Mung Chiang.
Miles Yu là giáo sư sử học, chuyên nghiên cứu về quân sự Trung Quốc tại Học viện Hải quân Mỹ, là người lâu nay đi đầu trong bày tỏ quan ngại về các nỗ lực của Bắc Kinh muốn mở rộng tiềm lực và ảnh hưởng ra thế giới. Ông hiện là cố vấn trưởng cho ông Pompeo về chính sách của Mỹ với Trung Quốc. Mung Chiang cũng vừa rời cương vị Hiệu trưởng trường Đại học Kĩ thuật thuộc Đại học Purdue để đảm nhận vai trò cố vấn về khoa học, công nghệ cho Ngoại trưởng Mỹ.
Không phải mọi đề xuất của nhóm đều chiến thắng. Ý tưởng từng xuất hiện tại Bộ Ngoại giao về tước bỏ vị thế tự do trao đổi giữa đồng USD với đồng dollar Hong Kong không nhận được nhiều chú ý. Khuyến nghị về Mỹ theo đuổi một hiệp định tự do thương mại với Đài Loan/Trung Quốc – một động thái chắc chắn khiến Bắc Kinh nổi dậy, chẳng đi đến đâu. Ông Trump cũng chưa đưa ra quan điểm cuối cùng về một lời gợi mở khác cấm nhiều quan chức Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ.
Vậy nhưng những ngày tháng mà ông Trump ngợi ca Chủ tịch Tập Cận Bình đã qua đi, thay vào đó là bầu không khí tiêu cực lan tràn. Theo một số nguồn thạo tin, ngay cả một số nhân vật ôn hòa giờ đây cũng đã bị bỏ qua tại các cuộc gặp trong chính quyền. Phó Tổng thống Mike Pence không chấp nhận ý tưởng đóng vai trò là kênh cửa hậu trong quan hệ Mỹ-Trung, lo ngoại bị cuốn vào một chính sách thiếu ổn định, gây chia rẽ.
Cách tiếp cận cứng rắn gây ra phản ứng trái chiều tại Mỹ và Trung Quốc. Ông Max Baucus, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc cho rằng Trung Quốc rõ ràng gây ra nhiều vấn đề cho Mỹ, nhưng cách mà Mỹ đang làm hiện nay là sai lầm.
“Nếu ông Pompeo nghĩ mình đang làm điều buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi thì ông ấy đang nhầm lẫn tai hại. Những tuyên bố của ông và nhiều người khác sẽ làm suy yếu tiếng nói của nhóm cải cách và củng cố sức mạnh cho phái phái cứng rắn tại Trung Quốc”, cựu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bình luận.
Còn tại Bắc Kinh, nhiều người nhìn nhận những hành động cứng rắn của Mỹ cho thấy lỗ lực cuối cùng đầy tuyệt vọng của Washington muốn ngăn chặn đà đi lên của một quốc gia đã đuổi kịp Mỹ về sức mạnh kinh tế.
“Nếu ai đó tại Washington tin rằng áp đặt sức ép sẽ buộc Trung Quốc đầu hàng thì họ quả là họ đang mơ mộng hão huyền. Washington cần phải chấp nhận thích ứng với một Trung Quốc mà cuối cùng sẽ vượt Mỹ trong khoảng từ 10-15 năm tới”, Gao Zhikai, nguyên là nhà ngoại giao, người phiên dịch cho cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nhìn nhận.