Nguồn đạn pháo quan trọng mới cho Ukraine sẽ đến từ một quốc gia NATO khó ngờ?

Nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu của một quốc gia tuyên bố trung lập dường như đang vận hành một dây chuyền sản xuất đạn pháo 122mm vốn rất cần thiết cho Kiev.

Chú thích ảnh
Blogger quân sự người Ukraine Roman Bochkala bên trong cơ sở sản xuất đạn pháo 122mm. Ảnh: Telegram

Theo tờ Kyiv Post, một nhà máy vũ khí do Istanbul quản lý được cho là đang sản xuất hàng chục nghìn loại đạn pháo 122mm tiêu chuẩn Liên Xô cực kỳ cần thiết cho quân đội Ukraine, bất chấp tuyên bố của Tổng thống Erdogan rằng quan điểm của Ankara về cuộc chiến ở Ukraine là trung lập và Thổ Nhĩ Kỳ có thể hành động với tư cách là nhà trung gian trung thực cho cả hai bên.

Nhà sản xuất vũ khí "bí ẩn"

Video và hình ảnh được đăng trên Telegram bởi tình nguyện viên và nhà hoạt động dân sự người Ukraine Roman Bochkala đầu tuần này cho thấy Bochkala cầm một lá cờ Ukraine bên trong một nhà máy chứa đầy đạn pháo 122mm đã được lắp ráp một phần, cùng với các hình ảnh khác.

Ông Bochkala cho biết trong video rằng các loại đạn này đang được sản xuất theo ba ca, chạy 24 giờ một ngày với loại đạn được Lực lượng Cũ trang Ukraine (AFU) sử dụng để chống lại lực lượng Nga, nhưng ông không nói rõ nhà máy nằm ở đâu.

Các nhà phân tích hình ảnh của Kyiv Post đã xác định các logo của công ty trong cơ sở có liên quan đến công ty vũ khí lớn của Thổ Nhĩ Kỳ là Palladium Teknoloji Ve Muhendislik Sanayi Ve Ticaret LTD.

Thông tin khách hàng được công bố bởi LAVR International, một công ty tiếp thị năng lực sản xuất đạn pháo 122 triệu quả đạn pháo trên thị trường vũ khí quốc tế, xác nhận các cơ sở của Thổ Nhĩ Kỳ do Palladium điều hành hiện đang sản xuất khoảng 30.000 quả đạn pháo loại đó mỗi tháng.

Tuy nhiên, một blogger quân sự Ukraine khác cho biết logo công ty xuất hiện trong các bức ảnh của Bochkala là của một cơ sở sản xuất ở Azerbaijan, do tập đoàn Palladium - Thổ Nhĩ Kỳ quản lý.

Thông tin của cả Bochkala và công ty LAVR đều cho biết đạn pháo 122mm được sản xuất tại cơ sở này sử dụng thép S60, một loại thép carbon chất lượng cao. Cả Palladium và LAVR đều chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Kyiv Post.

Đạn pháo cỡ nòng 122mm là thiết kế từ thời Liên Xô, không còn được sản xuất rộng rãi ở Ukraine, nhưng vẫn là loại đạn pháo đặc trưng của quân đội nước này, chủ yếu được sử dụng bởi lựu pháo D-30 trong các lữ đoàn bộ binh và pháo tự hành 2S1 trong bộ binh cơ giới và các lữ đoàn xe tăng.

Theo các nhà phân tích địa phương, khoảng 1/3 số khẩu pháo hiện đang được Lực lượng vũ trang Ukraine vận hành sử dụng đạn 122mm.

Ông Bochkala cho biết những quả đạn trong hình, nằm trên sàn nhà máy, sẽ được cung cấp cho lựu pháo D-30 của Ukraine.

Chú thích ảnh
Lựu pháo D-30 dùng đạn 122mm ở Ukraine. Ảnh: Defensepost

Đạn pháo chuẩn NATO và Liên Xô

Theo các báo cáo nguồn mở, ngành công nghiệp vũ khí hùng mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi máy bay không người lái, tên lửa dẫn đường bằng laser, xe bọc thép, bệ phóng tên lửa hạng nặng và đạn dược tới Ukraine. Nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đạn pháo theo tiêu chuẩn Liên Xô cho Ukraine trước đây chưa từng được báo cáo.

Bình luận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đưa ra ở New York vào tháng 9 khẳng định chính phủ của ông không đứng về bên nào trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Theo ông, nhiều nhà lãnh đạo thế giới có quan điểm tiêu cực về Tổng thống Nga Putin, nhưng ông không có cùng quan điểm, và cũng không thấy những quan điểm đó là đúng. “Bởi Nga không phải là một quốc gia bình thường”, ông Erdogan nói.

Mặc dù các đồng minh phương Tây của Ukraine chuyển sang hỗ trợ cho Kiev vũ khí và đạn dược 105mm và 155mm theo tiêu chuẩn NATO, nhưng các lực lượng vũ trang nước này vẫn thiếu đạn pháo 122mm. Hầu hết các nhà sản xuất đạn pháo lớn khác, bao gồm cả Trung Quốc và Triều Tiên, đều là những quốc gia ủng hộ Nga.

Hồi tháng 2, một thành viên NATO là Bulgaria tuyên bố sẽ khởi động lại hoạt động sản xuất đạn 122mm trên các dây chuyền đã không hoạt động kể từ khi Liên Xô tan rã, nhưng điều này không cho thấy nhiều cải thiện về khả năng sẵn có của đạn pháo.

Thực tế là quân đội tiền tuyến của Ukraine có thể xác định được nhiều mục tiêu hơn nhiều so với lượng đạn mà các xạ thủ của họ có để bắn, đã được ghi nhận trong nhiều tháng.

Hôm 4/12, nhà sản xuất vũ khí lớn của Đức Rheinmetall thông báo họ đã ký một hợp đồng mới trị giá 142 triệu euro từ một khách hàng giấu tên để cung cấp cho Ukraine đạn pháo 155mm tiêu chuẩn NATO vào năm 2025. Việc sản xuất cho đơn đặt hàng này sẽ được thực hiện ở Tây Ban Nha.

Rheinmetall hiện đang thực hiện đơn đặt hàng 40.000 quả đạn pháo 155mm sẽ được gửi đến Ukraine vào năm 2024. Đến cuối năm nay, công ty có kế hoạch tăng công suất trên toàn thế giới để sản xuất loại đạn cỡ nòng này, vốn cũng được quân đội Ukraine sử dụng rộng rãi, lên 700.000 quả đạn hàng năm.

Chú thích ảnh
Đạn pháo 155mm do Rheinmetall sản xuất. Ảnh: Rheinmetall

Rheinmetall tự mô tả mình là nhà sản xuất đạn pháo 155mm lớn nhất thế giới. Khách hàng chính của công ty là quân đội Đức. 

Nguồn đạn pháo ít ỏi trên mặt trận

Các thành viên lực lượng pháo binh của Ukraine nói với Kyiv Post rằng tất cả các loại đạn đều chỉ có với số lượng hạn chế, cho phép tấn công vào các phương tiện riêng lẻ hoặc nơi tập trung quân, nhưng hầu như luôn không đủ để phá hủy hệ thống phòng thủ vững chắc của Nga hoặc đẩy lùi các cuộc tấn công lớn của Nga. Ước tính nhu cầu tổng thể về đạn pháo mà Ukraine cần rất khác nhau, từ khoảng 2.000 đến 8.000 mỗi ngày.

Các nguồn tin cho biết, ngoại trừ trong giai đoạn đầu của các chiến dịch tấn công lớn, hoặc khi phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng xe bọc thép hạng nặng của Nga vào các vị trí của Ukraine, các xạ thủ Ukraine hầu như luôn có sẵn ít đạn hơn mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Các quan chức quân đội Mỹ hồi tháng 9 cho biết sản lượng đạn pháo 155mm của Mỹ đã tăng lên 28.000 quả mỗi tháng, con số này sẽ tăng lên khoảng 60.000 quả/tháng tháng vào năm 2024, 80.000 quả vào năm 2025 và 100.000 quả vào năm 2026.

Lầu Năm Góc đã trao các hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD cho 9 công ty ở Mỹ, Canada, Ấn Độ và Ba Lan sẽ thúc đẩy sản xuất đạn pháo 155 mm trên toàn cầu. Ở khu vực Bắc Mỹ, các cơ sở ở Pennsylvania, Texas, Iowa và Canada sẽ nhận được nhiều thiết bị có năng lực hơn cũng như nhân lực bổ sung để có thể tăng công suất sản xuất đạn pháo gấp 5 lần so với công suất vào năm 2022 trước khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ.

Vào cuối tháng 11, Tổng thống Litva Gitanas Nausėda tuyên bố cam kết của châu Âu cung cấp một triệu quả đạn pháo 155mm cho quân đội Ukraine vào giữa năm 2024 đã bị chậm đáng kể so với kế hoạch vì các nhà sản xuất không thể tăng năng lực sản xuất đủ nhanh.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 4/12 với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Tướng nghỉ hưu Ben Hodges đã kêu gọi chính phủ Ukraine nâng cấp hoạt động sản xuất đạn pháo trong nước và kêu gọi các đồng minh của Ukraine chuyển hoạt động sản xuất đạn pháo sang Ukraine từ các nhà máy bên ngoài đất nước.

“Trong nhiều thập kỷ, Ukraine là trung tâm của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô. Vì vậy, tôi tin rằng Ukraine nên làm mọi cách có thể để tăng sản lượng”, cựu chỉ huy tối cao lực lượng lục quân NATO ở châu Âu nói.

“Tất nhiên, điều quan trọng là cung cấp đạn dược sẵn có cho Ukraine. Nhưng đúng vậy - Ukraine có thể tự sản xuất. Từ bên ngoài chỉ cần cung cấp thuốc súng và một số nguyên liệu là được”, ông Hodges nhấn mạnh.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Kyiv Post)
Quốc hội Bulgaria bác bỏ quyền phủ quyết của tổng thống, bổ sung vũ khí cho Ukraine
Quốc hội Bulgaria bác bỏ quyền phủ quyết của tổng thống, bổ sung vũ khí cho Ukraine

Quốc hội Bulgaria hôm 8/12 đã bỏ phiếu bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Rumen Radev về kế hoạch tặng 100 xe bọc thép chở quân cũ cho quân đội Ukraine, đồng thời thông qua viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN