Cơ sở luận tội mơ hồĐầu tháng 5 tới, Thượng viện sẽ bỏ phiếu quyết định về việc có mở hay không phiên xét xử Tổng thống Rousseff với cáo buộc sử dụng các thủ đoạn kế toán bất hợp pháp để bù khoản thâm hụt ngân sách trong giai đoạn bà tái cử tổng thống năm 2014. Nhiều người Brazil cho rằng bà Rousseff phải chịu trách nhiệm về tình hình kinh tế bi đát của đất nước và vụ bê bối tham nhũng lớn liên quan tới công ty dầu mỏ nhà nước Petrobras.
Trong trường hợp Thượng viện đồng ý xét xử luận tội, bà Rousseff sẽ buộc phải từ chức trong 180 ngày để tham gia phiên xét xử. Phó Tổng thống Michel Temer sẽ cầm quyền tạm thời trong khoảng thời gian này. Nếu 2/3 nghị sĩ Thượng viện sau đó bỏ phiếu buộc tội bà Rousseff trong phiên xét xử, bà sẽ bị phế truất chức tổng thống, còn ông Temer sẽ làm Tổng thống Brazil cho đến khi tổ chức cuộc bầu cử mới năm 2018. Mặc dù vẫn có khả năng bà Rousseff sẽ “sống sót” sau phiên xét xử, nhưng phần lớn nhà phân tích nhận định gần như chắc chắn kết quả bỏ phiếu ở Thượng viện sẽ giống như ở Hạ viện.
Ngày 18/4, một ngày sau khi thất bại ở Hạ viện, Tổng thống Rousseff vẫn tỏ ra kiên cường: “Tôi sẽ chiến đấu như tôi luôn từng làm trong đời… Tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có cơ hội để bảo vệ bản thân trước Thượng viện”. Bà Rousseff cũng chỉ trích quy trình luận tội chống bà, coi đây là động thái bất công, không khác gì một âm mưu đảo chính.
Bà Rousseff bị cáo buộc vi phạm luật ngân sách khi vay tiền từ các ngân hàng nhà nước để bù vào khoản thâm hụt ngân sách và thanh toán tiền cho các chương trình xã hội. Theo bà Rousseff, đây cũng là điều mà các lãnh đạo Brazil khác đã từng làm và đó không thể bị khép vào hành vi phạm pháp hay hình sự.
Âm mưu của phe cánh hữuTheo một bài bình luận trên trang Sputnik, nếu phân tích kỹ, bản chất những vấn đề xung quanh quá trình luận tội bà Rousseff đều có gì đó không ổn. Quá trình luận tội bà Rousseff không liên quan gì tới tham nhũng, chỉ dựa trên các cáo buộc gián tiếp, hời hợt và bất công. Tới nay, không có bằng chứng nào cho thấy bà Rousseff có liên quan tới bê bối tham nhũng ở Petrobras. Trái lại, lãnh đạo Hạ viện Brazil và là một trong những người “đầu trò” trong quy trình luận tội, ông Eduardo Cunha, lại là người khét tiếng tham nhũng. Ông này có tới 11 tài khoản bất hợp pháp ở Thụy Sỹ, từng bị kết tội tại Tòa án Tối cao và bị nêu tên trong “Hồ sơ Panama” là nhận hối lộ từ một tập đoàn đa quốc gia liên quan tới Petrobras. Cũng như ông Cunha, nhiều chính trị gia cánh hữu khác ủng hộ luận tội bà Rousseff đều đang chịu các cáo buộc tham nhũng.
Hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Dilma Rousseff đã đổ xuống đường phố thủ đô Brasilia, biểu tình phản đối những thế lực âm mưu đảo chính lật đổ tổng thống và chính phủ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Do đó, có thể nhận thấy rõ nỗ lực luận tội Tổng thống Rousseff của phe đối lập không phải là một cuộc chiến chống tham nhũng ở Brazil mà là một nỗ lực thuần túy mang động cơ chính trị. Ông Cunha đang lăm le vị trí phó tổng thống một khi đương kim Phó Tổng thống Michel Temer có thể “hất cẳng” thành công bà Rousseff để thế chỗ. Bản thân Phó Tổng thống Temer còn vô tình để lọt bản ghi âm tập dượt bài phát biểu đầu tiên trước người dân cả nước với tư cách tổng thống.
Theo các nhà phân tích, những gì đang xảy ra ở Brazil đã diễn ra ở các nước khác tại Mỹ Latinh. Các đảng cánh hữu đã tìm mọi cách để làm lung lay chế độ của các đảng cánh tả ở Bolivia, Ecuador, El Salvador và Venezuela. Chiến lược của phe cánh hữu chống phe cánh tả điển hình gồm các hoạt động như giám sát, đột nhập trực tuyến, tấn công mạng, chiến dịch bôi nhọ thông qua báo chí, mạng xã hội. Cụ thể, các nhóm “đặc vụ chính trị” công nghệ cao do thám bất hợp pháp đối tượng cần lật đổ thông qua các biện pháp như gài phần mềm gián điệp vào văn phòng, đánh cắp chiến lược vận động, danh sách nhà tài trợ. Họ xâm nhập vào các trang web và vu khống đối thủ. Theo một phân tích, dùng tài khoản mạng xã hội giả để thao túng dư luận là một âm mưu quan trọng trong quá trình làm mất uy tín các ứng cử viên đảng xã hội ở Nicaragua, Colombia, Costa Rica, Mexico và các nước khác.
Riêng với trường hợp Brazil, chiến thuật này còn núp bóng luật pháp khi một quan tòa đã cấp lệnh nghe lén cuộc điện thoại giữa bà Rousseff và cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Quan tòa này còn có một động thái bất thường hơn là ra lệnh công bố ngay lập tức nội dung cuộc đối thoại. Báo chí và mạng xã hội cánh hữu đã lợi dụng thông tin để tạo dư luận rằng hai nhân vật kia có hành vi sai trái, kích động dư luận chống lại chính phủ Brazil.
Chiến thuật của phe cánh hữu tại khu vực đã bị tên hacker Andres Sepulveda tiết lộ sau khi hắn bị kết án 10 năm tù vì vai trò trong phong trào cánh hữu quốc tế can thiệp vào nhiều cuộc bầu cử ở Mỹ Latinh. Theo tên này, phe cánh hữu có chiến thuật về mọi mặt, từ mạng xã hội, tin tức, tâm lý cho tới hiến pháp để thách thức chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 ở Mỹ Latinh. Dù tên Sepulveda không được thuê để làm việc ở Brazil nhưng chiến dịch bôi nhọ bà Rousseff được lấy trực tiếp từ “sổ tay” của hắn.
Căn cứ vào những phân tích trên, nếu sắp tới Thượng viện Brazil bỏ phiếu kết luận bà Rousseff có tội và phế truất bà thì chắc chắn đó là một cuộc đảo chính “mềm”.