Báo Thư tín địa cầu (Canađa) ngày 22/2 cho biết, hiện chưa ai có thể dự báo giá dầu sẽ tăng đến mức nào, nhưng việc giá dầu tăng vọt đang đe dọa sự phục hồi kinh tế mong manh của toàn thế giới. Các thị trường chứng khoán đã bắt đầu bị ảnh hưởng.
Mặc dù giá dầu thô có xu hướng tăng trong thời gian diễn ra các cuộc nổi dậy tại Tuynidi và Ai Cập, song tình trạng bạo lực leo thang tại Libi - quốc gia chiếm 2% sản lượng dầu thô toàn cầu - đang khiến giá dầu tăng mạnh.
Một số công ty đã ngừng sản xuất giữa lúc có lo ngại ngày càng tăng về sự gián đoạn nguồn cung lớn hơn. Libi là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi. Tuy nhiên, với các diễn biến đang diễn ra quá nhanh khắp Trung Đông và Bắc Phi, các nhà phân tích cho rằng hầu như người ta chưa thể biết ảnh hưởng của những diễn biến này đối với việc khai thác dầu.
Dominic Schnider, nhà phân tích thuộc UBS AG nói: "Libi đang sản xuất 1,6 triệu thùng dầu/ngày, không nhiều so với mức tiêu thụ toàn cầu 88,5 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, sản lượng dự phòng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chỉ vào khoảng 5,25 triệu thùng/ngày. Việc sản lượng dầu của Libi giảm mạnh có thể khiến mức giá chỉ tăng như hiện nay. Nhưng nếu một số nước khác trong khu vực cũng xảy ra biến động chính trị tương tự, những quan ngại về nguồn cung có thể đẩy giá lên cao hơn".
David Rosenberg, nhà kinh tế chủ chốt thuộc "Gluskin Sheff + Associates" cũng cảnh báo về ảnh hưởng tiềm tàng của việc những căng thẳng lan đến Arập Xêút, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Ông Rosenberg nói: "Nguy cơ hỗn loạn lan rộng hơn nữa tại các nước Arập có thể gây sức ép đối với giá năng lượng, nhất là khi nhu cầu của Trung Quốc không có dấu hiệu giảm sút”. Tuy nhiên, đề cập đến những sự kiện tại Libi, Bộ trưởng Dầu mỏ Arập Xêút Ali al-Naimi tuyên bố, nước ông có khả năng đáp ứng bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào.
Giá dầu tăng, cùng với giá lương thực ở mức cao, khiến người ta ngày càng quan ngại về lạm phát tại thời điểm nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương nhất. Mohamed El-Erian, Tổng Giám đốc điều hành của Công ty quản lý đầu tư Thái Bình Dương (PIMCO), nhận xét: "Trong thời gian trước mắt, những diễn biến tại Trung Đông sẽ khiến kinh tế toàn cầu bị lạm phát, đình đốn do ba yếu tố: Thứ nhất, giá dầu cao hơn sẽ làm tăng chi phí sản xuất và có thể biến thành một loại thuế đối với người tiêu dùng.
Thứ hai, việc tăng cường tích trữ hàng hóa để phòng ngừa trên toàn thế giới sẽ làm tăng sức ép đối với hàng hóa nói chung, làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng cung - cầu và tình trạng bơm nhiều tiền mặt. Thứ ba, Trung Đông và Bắc Phi sẽ trở thành một thị trường nhỏ hơn đối với hàng xuất khẩu của các nước khác".
Fatih Birol, nhà kinh tế chủ chốt thuộc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cảnh báo những nguy cơ từ giá dầu thô cao hơn như làm mất cân bằng thương mại toàn cầu, làm tăng giá tiêu dùng và tăng sức ép buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. Giá dầu sẽ tăng lên mức 100 USD/thùng, sớm hơn dự đoán của các nhà kinh tế và sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Theo Giáo sư Nouriel Roubini, thuộc trường Đại học New York (Mỹ), 3/5 cuộc suy thoái toàn cầu gần đây xảy ra sau một cơn sốc địa chính trị tại Trung Đông khiến giá dầu tăng lên. Tình hình càng trở nên khó khăn khi thế giới hiện đang trong cơn lốc tăng giá kép, cả về dầu mỏ lẫn lương thực.
Thu nhập của các hộ gia đình, cả ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển, đều không đủ mạnh để chịu đựng khoản chi dành cho năng lượng và lương thực, thực phẩm tăng mạnh.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)