Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bài viết khẳng định: Trong Thông điệp Liên minh năm 2017 Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố: “Châu Âu đã tìm được động lực để tiếp tục tiến lên”. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn hoài nghi về việc liệu EU có đủ đoàn kết để tiếp tục phát triển. Hơn mười năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì cuối cùng kinh tế châu Âu cũng tăng trưởng trở lại. Sự lạc quan của ông Juncker có thể bắt nguồn một phần từ chiến thắng của ông Emmanuel Macron – chính trị gia có quan điểm “thân” châu Âu trước ứng viên cực hữu Maria Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Ông Macron ủng hộ chủ trương EU cần phải tiến hành cải cách một cách sâu sắc, trong đó có các lĩnh vực ngân hàng, tài khóa và ngân sách nhằm thúc đẩy hội nhập nội khối.
Tuy nhiên, các cuộc bầu cử tại Áo, Đức và CH Czech cho thấy, chủ nghĩa dân túy cánh hữu – mối đe dọa nghiêm trọng đối với tương lai của châu Âu – vẫn rất mạnh. Mặc dù khủng hoảng kinh tế đã qua đi nhưng hậu quả của nó vẫn còn khá đậm nét. Tầng lớp trung lưu và những người lao động vẫn đang phải đối phó với thực trạng sức mua thực tế suy giảm. Những người này vẫn chưa quên được cách mà các ngân hàng – hiện đã bị nhà nước mua lại – hạn chế tín dụng cá nhân. Đối với nhiều người dân châu Âu thì bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó dường như rất rõ ràng: lợi ích bị “tư nhân hóa” còn thiệt hại lại được “xã hội hóa”. Nhiều người cho rằng tầng lớp tinh hoa chính trị và kinh tế ở châu Âu luôn hành động theo hướng duy trì vị thế của mình và áp đặt ý chí của họ lên những người dân bình thường. Việc EU chú trọng áp đặt chính sách kinh tế khắc khổ đối với các quốc gia chịu tác động hơn là tìm biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng mang tính chu kỳ này dường như đã khẳng định quan điểm trên.
Để thay đổi nhận thức của người dân, các lãnh đạo EU cần thống nhất về các nguyên nhân cơ bản của cuộc khủng hoảng và hoạch định chiến lược nhằm tránh lặp lại thực trạng tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, đến nay EU vẫn chưa đạt được bất cứ mục tiêu nào. EU đang bị chia rẽ thành hai nhóm nước chính với quan điểm xung đột lẫn nhau.
Nhóm nước thứ nhất, gồm Hy lạp, Italy và Pháp, chỉ trích EU về sự thiếu đoàn kết nội khối. Italy mặc dù chấp nhận chính sách kinh tế khắc khổ nhưng đến nay vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng cao như trước thời điểm xảy ra khủng hoảng. Hơn nữa, Rome lại lo ngại việc củng cố liên minh ngân hàng trong EU sẽ làm giảm quyền tự chủ của nước này trong việc cải cách hệ thống ngân hàng, vốn chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng trước đó. Ngoài ra, với việc Pháp và Đức đóng vai trò trung tâm trong các chương trình cải cách EU thì Italy cũng không thể khẳng định được vị thế trong Liên minh như nước này mong muốn. Thực trạng này làm nảy sinh sự phản đối EU, nhất là tại các nước thành viên cho rằng bị EU “bỏ rơi” hay “phản bội”.
Nhóm nước thứ hai, gồm Áo và Hà Lan, lại có quan điểm trái ngược. Dư luận tại các nước này cho rằng họ đang phải chịu hậu quả từ “sự đoàn kết trong EU” dù đã làm việc vất vả nhằm đảm bảo sự thịnh vượng của bản thân, gia đình và đất nước mình. Họ có xu hướng tin rằng EU cần tập trung vào việc củng cố thị trường nội khối chứ không phải là về mặt tài chính hay chính trị. Tại các nước này sự phản đối hội nhập sâu hơn trong EU đã gia tăng tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với các đảng dân túy.
Tuy nhiên, kinh tế không phải là nhân tố duy nhất thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa dân túy trong EU. Ba nguyên nhân khác là khủng hoảng nhập cư, Brexit và chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong số này khủng hoảng nhập cư là nguyên nhân quan trọng nhất.
Kể từ năm 2015, khi lượng người nhập cư vào EU tăng đột biến, các lực lượng dân túy cánh hữu đã lợi dụng tâm lý bất an của người dân liên quan đến vấn đề nhập cư và “bản sắc dân tộc” để kích động chủ nghĩa bài ngoại và bài đạo Hồi nhằm gia tăng sự ủng hộ của cử tri. Trong khi EU bị chia rẽ Bắc-Nam về mặt kinh tế thì Đông – Tây lại chia rẽ về vấn đề nhập cư. Lịch sử các nước Trung và Đông Âu với đường biên giới bị dịch chuyển và việc bị các nước lớn xâm chiếm đã khiến việc bảo vệ “bản sắc văn hóa” trở thành vấn đề trung tâm của chính trị. Các nước khu vực này phản đối người nhập cư một cách mạnh mẽ và sẵn sàng từ chối thực hiện nghĩa vụ thành viên EU trong việc tiếp nhận người nhập cư theo hạn ngạch bắt buộc của Liên minh. Đối với các nước Trung và Đông Âu, dù việc gia nhập EU đem lại lợi ích lớn về kinh tế, song việc bị ép buộc phải tiếp nhận người nhập cư khiến tư cách thành viên EU không còn “hấp dẫn” nữa.
Áp lực thứ hai đối với EU và cũng là nguyên nhân tiềm ẩn thúc đẩy phong trào dân túy chính là sự kiện người dân Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi EU (Brexit). Mặc dù trong thực tế EU sẽ tính khoản phí lớn đối với Anh liên quan đến cuộc “chia ly” này nhưng các nước thành viên mang tâm trạng “thất vọng” trong EU có thể sẽ ngày càng cân nhắc vấn đề rời khỏi Liên minh một cách nghiêm túc hơn. Lý do đảm bảo chủ quyền quốc gia có khả năng sẽ trở thành công cụ hiệu quả của các nước này trong việc từ chối hội nhập sâu hơn vào EU. Các lực lượng dân túy có thể sẽ trở thành nhân tố ủng hộ xu hướng này mạnh mẽ nhất trong EU. Ngoài ra, lực lượng dân túy cũng đang nhận được sự ủng hộ từ các lực lượng theo xu hướng bảo thủ trong EU. Mặc dù EU chỉ trích chính sách cải cách của chính phủ Ba Lan nhưng lại chấp nhận chính sách tương tự của Hungary bởi đảng cầm quyền Fidesz của Thủ tướng Viktor Orbán là thành viên của Đảng Nhân dân châu Âu và do đó, được đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel bảo vệ.
Nguyên nhân thứ ba thúc đẩy phong trào dân túy ở châu Âu chính là chính sách “thiếu thân thiện” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với EU. Sự phản đối ông Trump lan rộng trong EU có thể sẽ trở thành một trong những nhân tố đoàn kết Liên minh, chẳng hạn như trong việc phản đối chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ hay các chính sách khác của Washington tác động trực tiếp đến các nước thành viên EU. Tuy nhiên, đến nay các nước thành viên riêng lẻ trong EU dường như sẵn sàng “thử vận may” trong quan hệ với chính quyền của ông Trump. Tổng thống Pháp Macron muốn sử dụng mối quan hệ trực tiếp với Tổng thống Mỹ D. Trump để củng cố vị thế của Paris cả ở châu Âu cũng như trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh việc Anh ra đi sẽ để lại “khoảng trống quyền lực” trong EU. Một số nước thành viên khác trong EU xem Tổng thống Mỹ Trump là nhân tố bảo vệ cho mình. Một số lãnh đạo Trung và Đông Âu cũng coi ông Trump là nhân tố để “hợp pháp hóa” các chương trình, chính sách theo xu hướng dân túy.
Làn sóng dân túy ở châu Âu rất khó suy giảm. Tuy nhiên, liệu làn sóng này có mạnh lên đến mức phá hủy EU hay không hiện vẫn chưa rõ ràng. “Vùng xám” giữa các đảng dân túy và đảng phái chính thống ở châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.