Hàn Quốc - ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc
Theo hãng thông tấn Yonhap, Hàn Quốc là nước có số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất sau Trung Quốc và đã phải nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất (màu đỏ). Trong vòng chỉ một tuần, số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng từ vài chục lên 1.261 trường hợp tính đến chiều 26/2 và 11 người đã tử vong.
Tại Hàn Quốc, hơn một nửa ca nhiễm COVID-19 có liên quan tới giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa). Người ta cho rằng do giáo phái này hoạt động bí mật nên nhà chức trách khó phát hiện người nhiễm virus. Giới chức Hàn Quốc đã xác định nhà thờ ở thành phố Daegu mà giáo phái này hoạt động là nơi làm bùng phát ổ dịch. Các thành viên giáo phái khi tới cầu nguyện tại nhà thờ đã làm lây nhiễm virus cho nhau và sau đó phát tán ra nhiều khu vực khác.
Đáng lưu ý, một binh sĩ Mỹ 23 tuổi ở Hàn Quốc đã nhiễm SARS-CoV-2 và đang tự cách ly trong nơi ở ngoài căn cứ quân sự Trại Carroll ở một thị trấn gần Daegu. Binh sĩ này đã tới cả Trại Carroll và Trại Walker những ngày gần đây.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc còn có một thành viên phi hành đoàn Hãng hàng không lớn nhất nước Korean Air. Người này đã làm việc trên một chuyến bay từ Israel và về Hàn Quốc ngày 16/2; chở theo một nhóm du khách, trong đó 30 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Do dịch lan ngày càng rộng, giới chức Hàn Quốc đã áp đặt nhiều biện pháp ứng phó đặc biệt, khuyến cáo người dân ở nhà nếu có triệu sốt, ho hay khó thở. Chính quyền cũng hủy hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao. Thủ tướng Chung Sye-kuyn khẳng định chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực và phương tiện để kiềm chế dịch.
Iran – mối lo ở Trung Đông
Nếu Hàn Quốc có số ca nhiễm nhiều nhất sau Trung Quốc thì Iran là nước có số ca tử vong cao nhất ngoài Trung Quốc, trở thành mối đe dọa cho cả khu vực Trung Đông.
Theo kênh CNBC (Mỹ), tính tới ngày 26/2, Iran xác nhận ca tử vong thứ 19 ở nước này do SARS-CoV-2 và gần 100 ca nhiễm bệnh. Trong đó, Thứ trưởng Y tế Iran cũng nhiễm virus và có thể đã lây nhiễm cho nhiều người khác.
Đa số ca COVID-19 ở Iran đều liên quan tới thành phố Qom, một địa điểm tôn giáo chính trong cuộc hành hương của người Hồi giáo dòng Shiite. Tốc độ lây lan virus nhanh chóng ở Iran cho thấy rủi ro lớn cho cả khu vực Trung Đông. Tình hình kinh tế Iran không tốt sau nhiều năm bị Mỹ trừng phạt, nên hệ thống y tế chưa sẵn sàng trong xử lý dịch bệnh như COVID-19.
Video Thứ trưởng Y tế Iran xuất hiện triệu chứng bệnh trong họp báo (nguồn: RT):
Iran là ví dụ đầu tiên cho thấy nếu dịch bệnh xảy ra ở quốc gia có sơ sở vật chất y tế tương đối yếu thì hậu quả sẽ thế nào. Iran có khoảng 1,5 giường bệnh/1.000 người, chỉ bằng một nửa so với Mỹ hay Saudi Arabia. Theo các chuyên gia, chắc chắn sẽ có thêm ví dụ tương tự Iran ở khắp châu Á và cả châu Phi.
Một số nước như Iraq, Kuwait, Afghanistan, Bahrain, Liban, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Oman đã có những ca COVID-19 đầu tiên. Tất cả đều liên quan tới Iran, làm dấy lên lo ngại dịch bùng phát rộng hơn ra toàn khu vực. Trong bối cảnh đó, theo kênh BBC (Anh), giới chức Iran đang cân nhắc có kéo dài lệnh đóng cửa các trường học toàn quốc tới sau Năm mới của người Ba Tư hay không. Biện pháp này có thể bảo vệ trẻ em tới hết tuần thứ hai của tháng 4.
Italy – tâm dịch giữa châu Âu
Còn tại châu Âu, theo đài NPR (Mỹ), Italy đã nhanh chóng trở thành điểm nóng mới của dịch COVID-19 khi có thêm hàng loạt ca nhiễm bệnh. Với khoảng 300 ca nhiễm SARS-CoV-2, Italy là một trong những quốc gia bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh.
Các ca bệnh chủ yếu tập trung ở khu vực Lombardy, nơi có 212 người nhiễm virus. Giới chức Italy tối 25/2 xác nhận có 11 ca tử vong vì COVID-19. Italy đã phong tỏa nhiều thành phố và thị trấn ở phía Bắc, cấm người dân ra vào khu vực bị ảnh hưởng, hủy các sự kiện công cộng, đóng cửa các địa điểm du lịch như bảo tàng. Biện pháp này khiến khoảng 100.000 người bị cô lập.
Dù vậy, ông Walter Ricciardi, thành viên ủy ban điều hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thừa nhận rằng khó để thực thi các biện pháp phản ứng tại cấp khu vực như các nước khác vì mỗi khu vực lại có cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý khác nhau.
Theo kênh CNN (Mỹ), sở dĩ dịch lây nhanh ở Italy là do xử lý sai quy trình trong điều trị cho ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở Codogno, người được gọi là bệnh nhân 1. Bệnh nhân này ban đầu nằm trong khu vực chăm sóc tích cực một bệnh viện vì gặp vấn đề hô hấp.
Giới chức Italy cũng không thể xác định bệnh nhân 0 – người mang virus về Italy. Thông tin về bệnh nhân 0 là rất quan trọng vì có thể giúp ngăn chặn chùm ca bệnh mới. Tình hình hiện nay ở Italy cho thấy quốc gia này có thể là ví dụ cho thấy điều có thể xảy ra ở các nước nếu virus lan sang và khiến nhiều người nhiễm bệnh trong một thời gian ngắn.
Nhiều nước Liên minh châu Âu đã lo ngại dịch bệnh lan rộng vì tại khu vực này, người dân và du khách có thể đi lại tự do giữa các nước.
Có thể trở thành đại dịch toàn cầu
Theo CNBC, mặc dù WHO không gọi đợt bùng phát dịch hiện nay là đại dịch toàn cầu, nhưng bà Anne Schuchat, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nhận định COVID-19 có thể trở thành một đại dịch toàn cầu và tình hình hiện nay cho thấy xu hướng đó. Bà Schuchat nói: “Tình hình toàn cầu hiện nay cho thấy có thể virus này sẽ gây đại dịch”.
Ngoài ra, bà Schuchat nhận định việc virus bắt đầu lây lan ở Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian. Bà cảnh báo Mỹ phải sử dụng quãng thời gian này để tiếp tục chuẩn bị cho kịch bản virus lan trong cộng đồng. CDC đã vạch kế hoạch về việc các trường học, doanh nghiệp phải làm gì nếu COVID-19 trở thành dịch ở Mỹ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết virus sẽ chỉ buộc tổ chức này giảm 0,1 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng toàn cầu 3,33% cho năm 2020. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF, nếu tuyên bố đại dịch, các kịch bản kinh tế thế giới sẽ thực sự ảm đạm.
Trước đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 24/2 tuyên bố thế giới cần nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chết người và cần phải chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch.