Đánh giá về chuyến thăm, ông Saykhong khẳng định việc đồng chí Nguyễn Xuân Phúc sau khi được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam đã chọn Lào là quốc gia đến thăm đầu tiên, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết Việt Nam - Lào, cho thấy các đồng chí Việt Nam coi đất nước Lào, nhân dân Lào là quốc gia láng giềng gần gũi, tri kỷ và tin cậy nhất.
Nhận định về bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Saykhong bày tỏ theo cảm nhận của ông, đây là những lời nói chân thành đến từ trái tim của một người bạn lâu năm của Lào. Qua phát biểu, có thể thấy Chủ tịch nước Việt Nam coi đất nước Lào, nhân dân Lào, Chính phủ Lào là bạn bè gần gũi chiến lược không thể tách rời, thể hiện tình đoàn kết đặc biệt có truyền thống lâu đời và có một không hai trên thế giới.
Theo ông Saykhong, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường và không ngừng phát triển quan hệ hợp tác Lào - Việt Nam trên tinh thần điều kiện mới, trong đó lấy trụ cột chính trị làm trọng tâm, kiên định theo Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tư tưởng của Chủ tịch Kaysone Phomvihane, những vị tiền bối đã có công đặt nền móng và xây dựng nên quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, coi đây là kim chỉ nam trong tiếp tục tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị Lào - Việt Nam trong điều kiện mới.
Đồng tình và đánh giá cao quan điểm trên, ông Saykhong cho rằng việc lấy chính trị làm trụ cột chính trong quan hệ hợp tác giữa hai nước và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx - Lenin vào thực tiễn mỗi nước là đúng đắn, khẳng định đây chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane.
Đánh giá về trăn trở làm thế nào để nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế sao tương xứng với quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai nước của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, ông Saykhong cho rằng trong suốt những năm tháng qua, Việt Nam bất cứ khi nào cũng quan tâm, đáp ứng yêu cầu giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Lào một cách kịp thời và luôn hỗ trợ Lào hết mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước Việt Nam cũng đang phát triển, cũng đang gặp nhiều khó khăn, hai nước cũng cần có tư duy hợp tác mới, cùng nhau phát triển, cùng nhau hội nhập quốc tế. Theo đó hai nước cần sử dụng thế mạnh sẵn có để cùng nhau phát huy thế mạnh của mình, cùng hỗ trợ nhau trong hội nhập quốc tế và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển.
Ông Saykhong nhấn mạnh, đề xuất về việc cần có tư duy mới trong hợp tác giữa hai nước của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc là một định hướng đúng đắn, hết sức thẳng thắn và chân thành. Theo ông, trong thời gian qua, Việt Nam đang hỗ trợ Lào phát triển xây dựng các tuyến đường bộ, đường không, kết nối giữa hai nước. Việt Nam cũng hỗ trợ Lào tiếp cận biển, cho phép Lào sử dụng cảng biển để xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế, đây là một định hướng đúng.
Ông Saykhong cũng đánh giá cao đề xuất của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về việc hai nước cần tiếp tục củng cố trụ cột hợp tác an ninh - quốc phòng, bởi theo ông, đây là vấn đề mang tính sống còn, không thể bỏ qua. Ông nói: "Lào cũng cần Việt Nam và Việt Nam cũng cần Lào, nếu Lào có vấn đề, Việt Nam cũng gặp khó khăn và ngược lại, không thể bỏ nhau được".
Ông cũng đồng tình với yêu cầu của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc về việc cần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hợp tác giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, khẳng định, đây là lĩnh vực đột phá bởi nếu nguồn nhân lực tốt sẽ giúp phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.
Ông Saykhong bày tỏ vui mừng khi Chủ tịch nước Việt Nam tái khẳng định Đảng, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn cùng Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào quyết tâm gìn giữ quan hệ hữu nghị đặc biệt này và sẽ tuyên truyền, giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước hiểu rõ về mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Lào - Việt để từ đó tiếp tục gìn giữ, vun đắp cho quan hệ này ngày càng vững chắc và trường tồn.
Đánh giá về điều khiến ông ấn tượng nhất trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội Lào, ông Saykhong cho biết chính là sự chân thành, thẳng thắn, như cách những người bạn thấu hiểu nhau, hiểu rõ tình hình thực tế của hai nước nói với nhau, cùng nhau giải quyết khó khăn chứ không bỏ nhau. Ông Saykhong nói: “Tôi nghĩ đây là những lời nói rất thật, nếu không thật sẽ không nói thẳng và chân thành như vậy”.