Nhân tố chính trị tại châu Á trong tiến trình xoay trục của Mỹ

Để thực hiện thành công chiến lược xoay trục hướng tới châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ cần tính toán tới nhân tố chính trị nội bộ của các nước trong khu vực, đồng thời cho họ thấy sự xuất hiện của mình không phải là nguyên nhân gây bất ổn trong nội bộ các nước này.

Quân đội Mỹ tại Nhật Bản. Ảnh: UPI


Sự tê liệt chính trị ở Washington đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho mục tiêu của Tổng thống Barack Obama trong tái cân bằng và hướng tới châu Á. Việc tổng thống Mỹ hủy chuyến thăm được mong đợi tới Đông Nam Á vào tháng 10 vừa qua do chính phủ phải đóng cửa đem lại thắng lợi về mặt ngoại giao cho Trung Quốc.

Vài tuần sau đó, tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert cảnh báo rằng việc Chính phủ Mỹ cắt giảm chi phí quốc phòng nếu tiếp tục kéo dài sẽ “vô hiệu hóa trên quy mô lớn việc bố trí tàu chiến trong kế hoạch tái cân bằng hướng tới châu Á”. Phải tập trung nỗ lực vào giải quyết các vấn đề quốc nội đang làm Mỹ phân tán trong việc thực hiện chính sách đối ngoại hướng tới châu Á. Điều này khiến dư luận các nước trong khu vực hoài nghi cam kết quay lại châu Á của Mỹ là thực sự hay chỉ là những lời hứa suông.

Nhân tố chính trị nội bộ của các nước chủ nhà châu Á


Bởi vậy, việc các chuyên gia về đối ngoại của Mỹ luôn khẳng định quan điểm cho rằng, để duy trì nền tảng sức mạnh toàn cầu đòi hỏi Washington phải ổn định trong chính vấn đề quốc nội. Đây là điều hoàn toàn đúng nhưng giải quyết bất đồng lưỡng đảng ở Capitol Hill chỉ là một nửa của vấn đề. Để thực hiện thành công chiến lược xoay trục, Washington .sẽ phải giải quyết hài hòa giữa vấn đề chính trị nội địa với các bước đi nhằm tạo thiện cảm với dư luận các nước trong khu vực Thái Bình Dương để cho sự xuất hiện của Mỹ không phải là yếu tố gây chia rẽ chính trị nội bộ của các nước này.

Sự bùng nổ các mối đe dọa mở ra cánh cửa cho Mỹ tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh và đối tác nhưng Mỹ không thể chỉ dựa vào những nguy cơ xung đột tăng cao này để duy trì sự hiện diện. Trên thực tế, khả năng của Mỹ trong bố trí lực lượng quân sự mới ở Đông Nam Á và Australia để thắt chặt thêm mối quan hệ và củng cố sự hiện diện lâu dài hơn tại đây sẽ phụ thuộc vào môi trường chính trị ở các nước chủ nhà. Do đó, nếu sự xuất hiện của Mỹ gây ra những rạn nứt trong quan hệ chính trị nội bộ của các nước chủ nhà sẽ dẫn tới chấm dứt các thỏa thuận đã đạt được, đặt ra gánh nặng trong việc phải thu hẹp hoặc tái cấu trúc lực lượng, khiến cho Mỹ phải trả cái giá đắt về chính trị và kinh tế.

Mỹ cần nhớ rằng chính phủ các nước cho phép quân Mỹ được đồn trú và thiết bị quân sự Mỹ được bố trí trên lãnh thổ của họ là xuất phát từ tính toán nặng tính chủ nghĩa dân tộc liên quan tới việc hỗ trợ đảm bảo chủ quyền, độc lập, do vậy sự xuất hiện của Mỹ không phải được lúc nào cũng được chào đón nồng nhiệt.

Điều này được thể hiện rõ qua kinh nghiệm hoạt động của Mỹ ở khu vực trong thời gian qua. Ví dụ như Quốc hội Philippines đã nhanh chóng trục xuất lực lượng Mỹ khỏi vịnh Subic và căn cứ không quân Clark ngay sau Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên thời gian gần đây do những căng thẳng leo thang với Trung Quốc mà Philippines phải gượng ép mời gọi Mỹ quay trở lại. Vấn đề mời Mỹ trở lại đang gây ra những bất đồng trong nội bộ Philippines. Hai đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ dân chúng khi tiếp tục cho lính Mỹ đồn trú trên lãnh thổ nước này và việc đàm phán để Mỹ tái bố trí lực lượng ở đây gặp nhiều trở ngại. Gần đây hơn, vào năm 2009, Thủ tướng mới trúng cử của đảng Dân chủ Nhật Bản đã tìm kiếm sự ủng hộ chính trị từ nội địa để không phải thực hiện kế hoạch tái sắp xếp Căn cứ Không quân Futenma của Mỹ ở Okinawa. Vấn đề tái bố trí lại lực lượng đồn trú Mỹ tại Nhật Bản vẫn là cái gai trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản.

Các ví dụ thực tế chứng tỏ rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ là một phần của nguyên nhân gây ra những bất đồng chính trị tại các nước chủ nhà, do đó Mỹ cần tăng cường các biện pháp ngoại giao và kinh tế để xoa dịu dư luận các nước này.

Bài toán của Mỹ

Sau những bước đi ban đầu của quân đội Mỹ trong việc tái cơ cấu lực lượng ở Đông Nam Á và Australia, Trung tâm An ninh mới của Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài cả năm trời với kết quả vừa được đưa ra, nhằm chỉ ra giải pháp hiệu quả giúp cho sự hiện diện của Mỹ có thể tiếp tục duy trì ổn định chính trị dài hạn ở khu vực.

Qua tranh luận với các nhà lập pháp đương chức hoặc đã nghỉ hưu, các học giả, các thương nhân, cũng như phỏng vấn các quan chức, chính trị gia, giảng viên các viện nghiên cứu và các cơ quan truyền thông tại khu vực châu Á, tất cả đều cho rằng việc tái bố trí lực lượng của Mỹ cần tập trung phục vụ cho mục tiêu ngoại giao ở khu vực hơn là việc quân đội Mỹ chỉ đóng vai trò như một lực lượng hoạt động độc lập và cách ly tại khu vực châu Á.

Để giành được sự ủng hộ cần thiết từ các nhóm công chúng ở các nước đối tác thì quá trình hiện diện quân sự và thực thi các thỏa thuận của Mỹ cần được kết hợp với việc củng cố thêm các mục tiêu lớn hơn của Mỹ trong chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia tại châu Á. Điều này bao gồm: tăng cường quan hệ song phương về quân sự và phòng thủ; xây dựng quan hệ đối tác toàn diện, bao gồm đẩy mạnh quan hệ kinh tế và ngoại giao; nâng cao chiến lược khu vực và hợp tác đa phương. Cách tiếp cận này tạo ra cơ sở pháp lý chắc chắn cho sự hiện diện quân sự của Mỹ, đồng thời tránh được những nguy cơ chính trị tiềm tàng khi vấp phải sự phản đối từ công chúng các nước.

Nhóm tàu sân bay Mỹ USS George Washington tới cứu trợ Phillipines sau bão Haiyan. Ảnh: chinadaily.com


Biến những nguyên tắc này thành hành động, Nhà Trắng sẽ giữ vai trò giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng sự hiện diện quân sự trong quá trình tái cân bằng tương xứng với việc thực thi những sáng kiến lớn hơn về kinh tế và ngoại giao. Cơ quan Tham mưu An ninh quốc gia cần phải công bố một chiến lược chính thức cho chính sách tái cân bằng, điều mà các thành viên đứng đầu Quốc hội Mỹ đã thúc đẩy, để làm cơ sở cho các cơ quan của Mỹ thực thi cũng như để chính phủ và công chúng các nước khác thấy rõ chủ trương của Mỹ.

Bộ Ngoại giao và Quốc phòng cần làm việc chặt chẽ với nhau và với các đối tác để xây dựng tầm nhìn chiến lược rõ ràng cho hợp tác an ninh song phương nhằm củng cố quan niệm về đối tác và lợi ích chung. Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ ngoại giao ở cấp cao là thiết yếu để củng cố những cam kết của Mỹ ở khu vực. Đi đôi với đó, quân đội Mỹ phải dần thay đổi cách tiếp cận để thể hiện rằng giá trị Mỹ có thể đóng góp rộng rãi cho khu vực và thực hiện các nỗ lực đa phương, bao gồm cả việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Mục đích Mỹ hướng tới là để các đồng minh và đối tác tại khu vực sẽ chào đón sự hiện diện của quân đội Mỹ, sự hiện diện này làm tăng lên tiềm lực của các nước trong khu vực, đóng góp để cùng chia sẻ những thách thức và tăng sức mạnh cho các thể chế khu vực. Mỹ không thể thực hiện chiến lược xoay trục nếu như sự xuất hiện của quân đội Mỹ tại Đông Nam Á chỉ gắn với những cam kết ngoại giao ngắn hạn và được nhìn nhận với mục đích chủ yếu là phục vụ cho lợi ích riêng của nước Mỹ là để phòng thủ khi xảy ra chiến tranh.

Sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Mỹ kết hợp với các đối tác có tiềm lực và các thể chế mạnh ở khu vực sẽ là nhân tố thiết yếu duy trì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á. Tương lai của việc triển khai quân sự sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì chính trị ổn định từ sự hiện diện của Mỹ và việc thực hiện các thỏa thuận trong những năm tới.


Đức Trung  (theo Diplomat)
Hậu Haiyan, khi cứu trợ trở thành công cụ chính sách của Mỹ
Hậu Haiyan, khi cứu trợ trở thành công cụ chính sách của Mỹ

Hậu thảm họa bão Haiyan nhiều người Philippines có thể sẽ có cách nhìn khác đi về hiện diện quân sự của Mỹ. Nỗ lực cứu trợ của Mỹ dành cho Philippines cũng là nhân tố giúp thúc đẩy hiệp định quân sự song phương vốn được hai bên khởi động thời gian qua.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN