Dù tại cuộc gặp, cả Mỹ và Trung Quốc đều bộc lộ sự khác biệt lớn trong những vấn đề chủ chốt, song sự kiện này phản ánh đối thoại vẫn là xu thế mang tính tất yếu để ngăn mối quan hệ hai nước vốn hiếm khi “xuôi chèo mát mái” thêm xấu đi.
Không có thỏa thuận nào đạt được trong cuộc đối thoại ngày 18/6 tại Căn cứ Không quân Hickam ở Hawaii (Mỹ), song hai quan chức cấp cao này đã dùng bữa tối và dành 7 giờ đồng hồ để trao đổi nhiều vấn đề, phần nào cho thấy tinh thần sẵn sàng duy trì đối thoại ít nhất là ở cấp độ hiện tại.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá cuộc đối thoại đã diễn ra tích cực, trên tinh thần “xây dựng”. Trong khi đó, Tân Hoa Xã cũng đưa tin hai quan chức được cho đã có "các cuộc thảo luận sâu" về quan hệ Mỹ - Trung và các vấn đề quốc tế - khu vực mà hai nước cùng quan tâm. Hai bên đã nêu rõ các lập trường của mình, đồng thời nhất trí triển khai việc thực thi những thỏa thuận đạt được giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuyên bố ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã nêu bật sự cần thiết của các thỏa thuận có qua có lại giữa hai nước, từ thương mại, an ninh đến ngoại giao. Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh nhu cầu minh bạch và chia sẻ thông tin toàn diện để chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và ngăn các dịch bệnh khác bùng phát trong tương lai.
Đây là cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên kể từ khi những tranh cãi liên quan đến đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 3 vừa qua và cũng là cuộc gặp trực tiếp cấp cao nhất kể từ khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu năm nay, qua đó tạm ngừng leo thang tranh cãi thương mại. Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã một lần nữa thổi bùng lên mâu thuẫn giữa hai nước, khi hai bên không ngừng đưa ra các cáo buộc lẫn nhau liên quan tới dịch bệnh nguy hiểm vốn làm chao đảo nền kinh tế thế giới này.
Chỉ trong hơn 1 tháng qua, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc luôn trong trạng thái đặc biệt căng thẳng. Hai bên liên tục có những hành động được coi là "đáp trả lẫn nhau" trong nhiều lĩnh vực. Đầu tháng 5, Mỹ ban hành quy định mới nhằm thắt chặt điều kiện cấp thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc. Trước đó, Mỹ tuyên bố 5 đơn vị báo chí, truyền thông nhà nước Trung Quốc bao gồm Tân Hoa Xã, đài truyền hình Trung Quốc, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, China Daily và Nhân dân Nhật báo sẽ được coi như "cơ quan đại diện nước ngoài", tức là phải có sự chấp thuận của Chính phủ Mỹ để mua hoặc thuê văn phòng làm việc tại Mỹ và sẽ phải đăng ký sự thay đổi nhân sự với Bộ Ngoại giao Mỹ.
Về phần mình, Trung Quốc cũng tuyên bố trục xuất ít nhất 13 nhà báo Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu các nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ New York Times, Washington Post và Wall Street Journal nộp lại thẻ tác nghiệp trong 10 ngày. Phía Trung Quốc cũng yêu cầu các chi nhánh của 3 hãng báo chí này cùng tạp chí Time và Voice ở America kê khai thông tin về nhân viên, tài chính, tài sản cố định và hoạt động tại Trung Quốc. .
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thông báo Mỹ hủy bỏ các ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong. Theo đó, Mỹ sẽ hạn chế sinh viên từ Trung Quốc, đảo ngược quy chế đặc biệt về hải quan và các lĩnh vực khác đối với Hong Kong, đồng thời sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong.
Phía Trung Quốc khẳng định quyết định của Washington rút quy chế thương mại đặc biệt đối với Hong Kong là vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các nguồn tin cho biết Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các công ty quốc doanh ngừng mua hàng của Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một sau quyết định trên của Washington.
Hồi đầu tháng này, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu đình chỉ mọi chuyến bay do các hãng hàng không Trung Quốc vận hành đến và đi từ quốc gia này. Yêu cầu được đưa ra sau khi Bắc Kinh không cho phép các hãng hàng không Mỹ nối lại dịch vụ tới Trung Quốc sau thời gian gián đoạn vì các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Có thể thấy, những vấn đề xung đột giữa Washington và Bắc Kinh trải dài trên nhiều lĩnh vực, thương mại, công nghệ cao, an ninh, cách xử lý COVID-19... mà cốt lõi là hai bên cạnh tranh chiến lược quyết liệt với nhau. Giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, đồng thời là một cố vấn của Chính phủ Trung Quốc, nhận định “gần như chắc chắc sẽ không có bên nào chấp nhận nhượng bộ đáng kể về một hoặc hai vấn đề trên".
Dư luận không quá kỳ vọng vào cuộc gặp tại Hawaii khi cho rằng điều này không giúp ích nhiều cho việc cải thiện mối quan hệ song phương. Mối quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ phức tạp, cần phải thừa nhận rằng sự tin cậy lẫn nhau giữa hai cường quốc này khó có thể “tạo dựng” chỉ trong một vài cuộc đối thoại ngày một ngày hai.
Mặc dù vậy, xét trên góc độ tích cực, cuộc đối thoại hiếm hoi giữa quan chức ngoại giao hàng đầu hai nước, diễn ra khi quan hệ song phương đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, phần nào cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn mối quan hệ này bị tuột dốc “không phanh”, đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Việc Trung Quốc và Mỹ chủ động ngồi lại với nhau để có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng, bất kể kết quả ra sao, cũng đã là một động thái tích cực đáng ghi nhận.
Đánh giá về cuộc gặp này, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton cho rằng các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung có thể chung tay cứu vãn nền kinh tế hai nước khi cả Washington và Bắc Kinh đều đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng là đại dịch COVID-19 và kinh tế suy giảm mạnh. Bà hy vọng cuộc gặp ở Hawaii sẽ giúp giảm bớt căng thẳng song phương.
Chuyên gia Denny Roy, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Đông - Tây có trụ sở tại Hawaii, cho biết thực tế cuộc gặp lần này phản ánh thiện chí của hai bên muốn “tái cài đặt” mối quan hệ, và Tổng thống Trump có thể hy vọng có sự tiến triển đáng kể để đạt được thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt cuộc tranh chấp thương mại kéo dài trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Về cơ bản, ông Pompeo và ông Dương Khiết Trì sẽ không phải là các quan chức trực tiếp đàm phán để đạt được thỏa thuận thương mại, song họ có thể là những nhân tố tích cực giúp tìm ra những cách thức để cải thiện bầu không khí nói chung.
Chuyên gia này cũng cho rằng sẽ có nhiều cuộc thảo luận song phương được tổ chức trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, không nhất thiết là giữa các quan chức cùng cấp hoặc cùng định dạng.
Trên thực tế, ngay cả khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào vòng xoáy căng thẳng liên quan tới thương mại và đại dịch COVID-19, vẫn có một số dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ. Tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ những biện pháp hạn chế chính đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính - thái mà Mỹ lâu nay yêu cầu Trung Quốc thực hiện.
Tuần trước, công ty American Express của Mỹ đã được chấp thuận triển khai dịch vụ thanh toán thẻ ngân hàng ở Trung Quốc đại lục, trở thành mạng thanh toán nước ngoài đầu tiên xử lý các giao dịch trong nước bằng đồng Nhân dân tệ. Tháng 2 vừa qua, MasterCard cũng được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho phép thành lập một doanh nghiệp thanh toán bù trừ thẻ ngân hàng, trong khi Visa đã hình thành mối quan hệ đối tác với các “ông lớn” thanh toán di động WeChat Pay và Alipay.
Trên lĩnh vực hàng không, Mỹ ngày 15/6 thông báo sẽ cho phép các hãng hàng không Trung Quốc thực hiện tổng cộng 4 chuyến bay khứ hồi/tuần. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cho phép một lượng chuyến bay tương tự của một số hãng hàng không Mỹ như Delta Air Lines và United Airlines, mỗi hãng sẽ có 2 chuyến bay/tuần đến Trung Quốc.
Trên thị trường vốn sâu rộng nhất thế giới phố Wall, các công ty của Trung Quốc đại lục đã không gặp phải rào cản nào trong việc gây quỹ và gọi vốn. Đầu tháng Sáu này, công ty công nghệ sinh học Legend Biotech đã huy động được 424 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu công khai lần đầu ra công chúng (IPO), trong khi đợt IPO của Dada Nexus cũng giúp mang lại 320 triệu USD cho nền tảng tạp hóa trực tuyến này.
Dù không mang lại bất kỳ sự đột phá nào, song cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì vẫn được xem là cần thiết và kịp thời để ngăn mối quan hệ song phương tiếp tục xấu đi. Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do cuộc chiến thương mại kéo dài và đại dịch COVID-19, cả Mỹ và Trung Quốc cần nhận thức được rằng hợp tác là “hướng đi đúng đắn duy nhất” mang lại lợi ích cho cả hai bên, cũng như nền kinh tế toàn cầu.