Nhật Bản cụ thể hóa chính sách can dự vào Biển Đông

Tại Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vừa kết thúc ngày 6/8 vừa qua, Nhật Bản là một trong những nước lên tiếng bày tỏ sự quan ngại mạnh mẽ nhất về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, Tokyo còn tiết lộ ý định tặng Philippines 3 chiếc máy bay tuần tra để quốc gia này tăng cường năng lực giám sát hải phận của mình. Từ ý định cho đến việc làm cụ thể là đoạn đường còn dài, nhưng rõ ràng Nhật Bản đang cụ thể hóa chính sách can dự vào Biển Đông mà nước này đã tuyên bố thời gian gần đây.

Theo báo mạng "The Diplomat" ngày 8/8, thông tin về khả năng Nhật Bản tặng 3 máy bay tuần tra loại Beechcraft TC-90 King Air Planes cho Manila không khiến nhiều người ngạc nhiên, nhất là đối với những người theo dõi sát quan hệ Manila-Tokyo. Nhật Bản và Philippines đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011, và trong những năm gần đây, khi Trung Quốc càng thể hiện rõ thái độ hung hăng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông thì quan hệ Nhật Bản-Philippines lại càng thêm chặt chẽ, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

Máy bay tuần tra loại Beechcraft TC-90.


Trong tương lai, quan hệ quân sự Tokyo-Manila được cho là sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, căn cứ vào những cam kết từng được hai bên đưa ra như: ký kết một thỏa thuận về việc chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng, tăng cường đào tạo và tập trận song phương và đa phương. Thậm chí, Philippines còn không loại trừ việc ký kết Hiệp định Thăm viếng Quân sự (VFA) cho phép Nhật Bản sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines, điều mà cho đến nay chỉ được Manila dành cho Mỹ.

Để giúp Manila tăng cường năng lực giám sát trên Biển Đông, Nhật Bản đã đồng ý cung cấp 10 chiếc tàu tuần duyên mới. Khả năng tặng thêm 3 chiếc máy bay TC-90 sẽ có tác dụng nâng cao đáng kể khả năng ứng phó của Philippines trong bối cảnh nước này hiện không có đủ máy bay để tiến hành tuần tra thường xuyên ở Biển Đông. Các máy bay TC-90 có thể được trang bị bằng hệ thống radar giám sát mặt nước và không trung, giúp Manila phản ứng kịp thời khi đảo đá do Philippines kiểm soát ở Biển Đông bị Trung Quốc đe dọa.

Câu hỏi đang được đặt ra là vì sao Tokyo chỉ muốn tặng cho Manila loại máy bay TC-90, trong lúc Philippines đã công khai ngỏ ý xin được cung cấp loại máy bay P3-C Orion tối tân hơn của hãng Lockheed Martin. Nếu được trang bị loại P-3C này, năng lực giám sát của quân đội Philippines sẽ có một bước tiến nhảy vọt vì loại máy bay trinh sát Islander mà Hải quân Philippine hiện sử dụng có tầm hoạt động rất giới hạn.

Một trong những nguyên nhân có thể lý giải cho ý định của Nhật Bản cung cấp loại máy bay tuần tra TC-90 cho Philippines là vì loại máy bay P3-C mà Philippines mong muốn tối tân hơn nên cũng sẽ khó vận hành và bảo trì hơn. Một số nguồn tin từ Nhật Bản đã lo ngại rằng tình trạng thiếu kinh nghiệm giám sát hàng hải của Manila sẽ khiến họ gặp khó khăn trong việc vận hành các máy bay P3-C và nhanh chóng khai thác các dữ liệu thu thập được. Phương án tặng TC-90 như vậy sẽ giúp Hải quân Philippines làm quen trước với hoạt động của loại máy bay phức tạp như P3-C. Dẫu sao thì không phải ngày một ngày hai mà Philippines sẽ nhận được 3 chiếc TC-90 vì Nhật Bản sẽ phải sửa đổi luật, cho phép nước này tặng các thiết bị quân sự đã qua sử dụng thay vì phải bán lại với giá thị trường như quy định hiện thời.

Hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc trên bãi Vành Khăn, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.


Tokyo không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, giúp mở rộng tầm tiếp cận của quân đội Trung Quốc đối với những tuyến đường biển mà một khối lượng lớn hàng hóa của Nhật Bản đi ngang qua. Việc tặng máy bay tuần tra trên biển cho Manila phù hợp với kế hoạch an ninh cứng rắn hơn của Thủ tướng Shinzo Abe, nhưng chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc - nước đã nhiều lần cáo buộc Nhật Bản can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch này của Nhật Bản khi nói với hãng tin Reuters rằng: "Chúng tôi hy vọng sự hợp tác quân sự giữa các nước liên quan có thể làm lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực, chứ không phải điều ngược lại".

Việc Nhật Bản tặng máy bay, dù là máy bay nhỏ, sẽ là một sự nâng cấp quân sự cho Philippines vì nước này hiện chỉ có một số ít máy bay cánh cố định có thể được điều động cho các cuộc tuần tra hàng hải. Tuy nhiên, giới chức quân sự cao cấp Philippines cho biết họ chưa nghe nói về việc có thể được tặng máy bay TC-90 mà Nhật Bản sử dụng để đào tạo phi công quân sự. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói với hãng tin Reuters rằng ông không hay biết về bất kỳ kế hoạch nào của Nhật Bản liên quan đến việc cung cấp máy bay cho Philippines. Các tướng lĩnh hàng đầu của Philippines cho biết họ cũng không nghe nói về bất kỳ đề nghị nào như vậy, nhưng vẫn hoan nghênh sự hợp tác an ninh ngày càng tăng giữa Philippines và Nhật Bản.

Ý định của Nhật Bản đối với Philippines đã phản ánh quyết tâm của Tokyo muốn nắm giữ một vai trò an ninh lớn hơn tại châu Á.


TTK
Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ về hành động bồi lấn tại Biển Đông
Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ về hành động bồi lấn tại Biển Đông

Tại Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á vừa diễn ra, nhiều nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước hành vi tranh chấp và xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN