Nhật Bản không thể nói không với năng lượng hạt nhân

Bất chấp những lo ngại của người dân và hậu quả của vụ tai nạn kép động đất-sóng thần gây nên thảm họa hạt nhân mang tên "Fukushima" hồi năm 2011, đất nước "Mặt trời mọc" đã không thể bỏ qua, không thể nói không với nguồn điện hạt nhân.

"Báo Độc lập" (Nga) ngày 14/8 cho biết ngày 11/8, Công ty điện lực Nhật Bản Kyushu đã công bố quyết định về việc đưa vào vận hành tổ máy điện số 1, thuộc Nhà máy điện hạt nhân "Sendai".

Nhân viên làm việc tại phòng điều khiển trung tâm của nhà máy điện hạt nhân Sendai ngày 14/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Như vậy, lần đầu tiên kể từ mùa xuân năm 2011, sau thảm họa kinh hoàng xảy ra tại tổ máy "Fukushima-1", hoạt động sản xuất điện hạt nhân tại Nhật Bản đã được nối lại. Trước tiên là nhà máy "Sendai" trên đảo Kyushu. Theo kế hoạch, lò phản ứng đầu tiên của nhà máy bắt đầu phát điện vào thứ Sáu, ngày 14/8, và sẽ được đưa vào hoạt động hết công suất vào tháng 9 tới. Tiếp đó, lò phản ứng điện hạt nhân thứ hai của "Sendai" sẽ tái khởi động vào tháng 10. Cần lưu ý rằng việc nhà máy điện hạt nhân tái khởi động, diễn ra ngay sau khi Tòa án tỉnh Kagoshima của Nhật Bản từ chối xem xét phản đối của người dân địa phương, liên quan tới những lo ngại về sự an toàn của họ.

Theo phán quyết của tòa án, các lò phản ứng số 1 và số 2 của Nhà máy điện hạt nhân "Sendai" được phép tái khởi động vào tháng 7 vừa qua, sau khi đã được kiểm tra về độ an toàn, cùng với các nhà máy điện hạt nhân khác trên khắp đất nước này, kể từ sau vụ tai nạn Fukushima, xảy ra bởi trận động đất mạnh và sóng thần hồi năm 2011.

Theo kế hoạch, nhà chức trách Nhật Bản dự định tái khởi động 25 lò phản ứng hạt nhân, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng. Tuy nhiên, đối với mỗi lò phản ứng, sẽ cần phải tuân thủ theo các quy định mới nghiêm ngặt hơn. Một nguồn tin mà hãng BBC có được cho hay "Sendai" đã phải chi 120 triệu USD cho một hệ thống an ninh mới.

Nhật Bản không thể bỏ qua nguồn điện hạt nhân.


Một chuyên gia trong lĩnh vực điện hạt nhân, ông Yuri Prokudin tin rằng vấn đề là hết sức nhậy cảm, để có thể tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản, sau sự kiện Fukushima-1. Theo ông, vấn đề không phải phụ thuộc các chỉ số kỹ thuật, mà nó phức tạp và tinh tế hơn nhiều. Đó là các yếu tố tâm lý. Người dân chưa thể quên vụ tai nạn kinh hoàng hồi năm 2011, cho dù mặt phải của điện hạt nhân là không thể chối bỏ. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ, trên phương diện kinh tế, việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân chỉ là vấn đề thời gian: sự suy thoái của cán cân thương mại do nhu cầu mua năng lượng quá đắt mà Nhật Bản đang phải gồng mình gánh chịu. Bởi vậy, sớm hay muộn, giới chức Nhật Bản sẽ phải lựa chọn đối diện với dư luận trong nước, để có thể quyết định nhấn nút hoạt động của các tổ máy, các lò phản ứng hạt nhân.

Hiện tại Nhật Bản có 43 lò phản ứng hạt nhân hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí an ninh, để có thể tái khởi động ngay lập tức. Và nếu sự việc diễn ra suôn sẻ đối với lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại "Sendai", thì việc nối lại hoạt động của 42 lò còn lại sẽ dễ dàng hơn. Cũng cần lưu ý rằng việc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại "Sendai" diễn ra trùng với dịp kỷ niệm sự kiện đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Điều này là một ẩn ý của chính quyền Nhật Bản.

Họ đang cố gắng chứng minh rằng năng lượng hạt nhân hiện có ý nghĩa hoàn toàn khác và chúng được sản xuất để cải thiện cuộc sống con người, chứ không nhằm phá hủy cuộc sống ấy. Trước khi tai nạn xảy ra, điện hạt nhân chiếm khoảng 30% tổng sản lượng điện tiêu thụ tại Nhật Bản, nhưng bây giờ con số tối đa có thể sẽ dao động trong khoảng 22-25%. Tuy nhiên, đó đã là một sự tăng trưởng toàn cầu.

Thời điểm quyết định tái khởi động nhà máy điện hạt nhân cũng được tính đến. Nhật Bản đang trải qua mùa hè nóng nực, và nhu cầu điện của người dân tăng rất cao, khi mà các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt... đang được sử dụng hết công suất.

Quế Anh (P/v TTXVN tại Moskva)
Nhật Bản cấp phát trở lại điện hạt nhân sau 2 năm "ngủ yên"
Nhật Bản cấp phát trở lại điện hạt nhân sau 2 năm "ngủ yên"

Lò phản ứng số 1 tại Tổ hợp hạt nhân Sendai đã chính thức phát điện và hoà vào lưới điện quốc gia lúc 14h09 cùng ngày, với công suất 890.000 kw.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN