Trong bài diễn văn quan trọng tại Đối thoại quốc phòng châu Á Shangri-La ở Singapore mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra đề xuất “Sáng kiến Đối thoại Shangri-La” với ba biện pháp để củng cố hàng hải và an toàn hàng không trong khu vực, qua đó một lần nữa phát đi thông điệp về vai trò chủ động và lớn hơn của Nhật Bản đối với hòa bình và an ninh toàn cầu dựa trên hợp tác quốc tế.
Thực chất, mong muốn Nhật Bản đóng vai trò chủ động và lớn hơn đối với hòa bình và an ninh toàn cầu đã được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra ngay từ khi lên nắm quyền năm 2012. Đặc biệt, sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn năm 2014 với chiến thắng áp đảo, ông lại có thêm “liều thuốc tăng lực” để mạnh tay thực hiện tham vọng này. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở châu Á - Thái Bình Dương và các cường quốc đua nhau tăng cường ảnh hưởng đối với khu vực, Nhật Bản cũng muốn gửi thông điệp đến thế giới về vai trò chủ động của nước này đối với hòa bình dựa trên hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong khu vực được coi là trung tâm của thế giới trong thế kỷ 21 này.
Nói và làm
Cùng với các tuyên bố đầy tham vọng đưa nước Nhật trở lại vị trí hùng cường, Thủ tướng Abe đã có một loạt động thái nhằm tăng cường sức mạnh quân sự. Cuối năm 2014, Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết chi 247 tỷ USD để nâng cấp trang bị cho các đơn vị Lực lượng phòng vệ, nhằm thành lập “Lực lượng phòng vệ chung năng động”. Nhật Bản cũng tự gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt với chính mình và tham gia ký kết Hiệp ước buôn bán vũ khí quốc tế với 129 quốc gia, có hiệu lực từ ngày 24/12 cùng năm.
Ngay sau khi “sốc” lại liên minh cầm quyền, Quốc hội mới do Đảng Dân chủ tự do (LDP) lãnh đạo lập tức thông qua Dự luật thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia phỏng theo mô hình của Mỹ, nhằm ứng phó thách thức trong việc cân bằng quyền lực tại khu vực Đông Á. Quyết định này tăng thêm quyền lực của Thủ tướng Abe, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh trở nên căng thẳng liên quan đến tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Về đối ngoại, mới đây, Thủ tướng Abe đã thông báo Nhật Bản sẽ phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) viện trợ khoảng 110 tỷ USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á trong vòng 5 năm tới, tăng 30% so với kỳ viện trợ 5 năm trước của Tokyo. Hôm 23/5 vừa qua, Nhật Bản và 16 đảo quốc Thái Bình Dương đã cam kết tăng cường hợp tác an ninh, nhất là an ninh biển. Ông Abe cũng tuyên bố viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương 55 tỷ yên (452 triệu USD) trong vòng 3 năm tới để ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai.
Chủ nghĩa hòa bình tích cực
Đáng chú ý nhất trong các bước đi của Chính quyền Abe là các nỗ lực nhằm sửa đổi Hiến pháp. Hạ viện Nhật Bản đang thảo luận các dự luật mà chính phủ đề xuất nhằm sửa đổi luật an ninh quốc phòng, theo đó mở rộng đáng kể khả năng quân sự của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) bằng cách hủy bỏ lệnh cấm thực hiện quyền tự vệ tập thể, hay được phép hỗ trợ một nước đồng minh đang bị tấn công.
Theo Hiến pháp hiện hành, được áp dụng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, SDF chỉ được phép phòng vệ, hay tiến hành các “hỗ trợ phía sau” như tiếp nhiên liệu và chia sẻ dữ liệu trong vùng phi chiến sự. Theo cách giải thích mới của chính phủ Abe, Nhật Bản có thể sử dụng quân sự ở mức tối thiểu trong các trường hợp đồng minh của họ bị tấn công và cuộc tấn công này có các yếu tố như đe dọa sự tồn vong của nước Nhật, quyền được sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc của người dân Nhật, và không còn biện pháp phù hợp nào khác.
Thay đổi này sẽ nới lỏng những hạn chế đối với các hoạt động của Nhật Bản trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và đối phó với các cuộc xung đột ở cường độ thấp mà Nhật Bản gọi là tình huống “vùng xám”. Từ “phòng vệ” đến “phòng vệ tập thể” là cách Thủ tướng Abe nhìn nhận lại lịch sử và quyền lực của Nhật Bản trên thế giới. Vị thế quốc gia của Nhật Bản trong khu vực, dù bằng cách mở rộng SDF hay nâng cao hợp tác liên minh với Mỹ, đều sẽ được cải thiện ở mức đáng kể.
Những dự luật an ninh đang được các nghị sĩ thảo luận được xem là bước ngoặt quyết định đối với SDF nói riêng và chính sách đối ngoại, quân sự, quốc phòng và an ninh của Nhật Bản nói chung trong tương lai. Với tên gọi chung là "Những luật vì hòa bình và an ninh", Tokyo muốn tạo cơ sở pháp lý để SDF có thể hoạt động không chỉ nhiều hơn, mà còn ở phạm vi địa lý rộng hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ nước Nhật.
Một thời kỳ mới đã được mở ra cho vai trò chính trị an ninh khu vực và thế giới của Nhật Bản. Ý tưởng “cởi trói” cho quân đội nói trên được đa phần nghị sỹ ủng hộ, tuy nhiên lại nhận được sự ủng hộ hạn chế của người dân. Theo một kế quả thăm dò cuối năm 2014, có tới 55% người Nhật được hỏi khẳng định không ủng hộ việc cho phép nước này hỗ trợ các đồng minh trước một cuộc tấn công vũ trang. Trong các cuộc thăm dò gần đây nhất, con số này vẫn không thay đổi.
Thừa nhận việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp bất bạo động là nhiệm vụ khó khăn, nhưng ông Abe khẳng định sẽ làm bằng được. Các bước đi vững chắc và bài bản nói trên cho thấy chính quyền Abe đang nỗ lực thực hiện một loạt thay đổi mang tính cách mạng để đưa “đất nước Mặt trời mọc” trở lại vị trí hùng cường về mọi mặt. Nhật Bản dưới thời ông Abe đang chứng tỏ sự mạnh mẽ hơn, đúng như tuyên bố của ông khi tái nhậm chức hồi năm ngoái: “Nhật Bản đã trở lại!”.
Giang Nguyễn