Tổng thống Pháp François Hollande. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bên cạnh rất nhiều lời chỉ trích về "nhiệm kỳ thất bại" thì cũng có rất nhiều lời khen về hành động "dũng cảm" của ông. Tuy nhiên, việc ông Hollande quyết định "dứt áo ra đi" cũng đặt phe cánh tả của Pháp mà đại diện là đảng Xã hội (PS) cầm quyền đứng trước những lựa chọn khó khăn trong cuộc đua vào Điện Elysée tháng 5/2017.
Trong lúc Tổng thống Hollande tuyên bố trên truyền hình, những dòng bình luận của các chính khách cánh tả cũng như cánh hữu nối nhau chạy dài trên các báo điện tử đã tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng chia thành hai quan điểm: Phe cánh tả thì ca ngợi sự dũng cảm và cho rằng quyết định "đặt lợi ích quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân" của Tổng thống Hollande "khiến tất cả mọi người phải tôn trọng", trong khi phe cánh hữu cho rằng đây là "sự thừa nhận thất bại" trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đối với cánh tả, sau cái "thở phào nhẹ nhõm" khi ông Hollande không yêu cầu là "ứng cử viên đương nhiên" ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa thì nhiệm vụ đặt ra là phải tìm được một gương mặt đủ khả năng đương đầu với ứng cử viên "nặng ký" của phe cánh hữu là François Fillon, nhằm giúp cánh tả chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản, bởi vì cựu Thủ tướng F. Fillon với chủ trương tiến hành các "cải cách triệt để", đường lối "siêu tự do" về kinh tế, bảo thủ về xã hội đang nổi lên trên chính trường nước Pháp, tạo ra làn sóng ủng hộ mạnh mẽ trong cử tri cánh hữu.
Những chỉ số tăng trưởng kinh tế không bền vững cùng tình trạng an ninh bất ổn của nước Pháp sau hơn 4 năm cầm quyền của Tổng thống Hollande, khiến tỷ lệ ủng hộ ông liên tục giảm sút. Cùng với đó, tỷ lệ ủng hộ đảng PS cầm quyền cũng giảm sút theo. Bên trong nội bộ đảng PS bị chia rẽ sâu sắc do những bất đồng về một số chính sách kinh tế, chẳng hạn như Luật Lao động sửa đổi - một bộ luật đã làm dấy lên phong trào phản đối mạnh mẽ trong công luận với nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn. Ngoài ra, liên quan đến đường lối phát triển kinh tế, đảng PS cũng vấp phải những bất đồng đến mức khó hàn gắn với các đồng minh cánh tả truyền thống như đảng Cộng sản (PCF) và đảng Xanh (EELV).
Khi uy tín xuống thấp, Tổng thống Hollande cũng chịu nhiều sức ép ngay trong nội bộ đảng PS. Nhiều người cho rằng nhiều khả năng ông sẽ bị loại ngay từ vòng một của cuộc bầu cử tổng thống, vì vậy, ông nên nhường lại vai trò đại diện ra tranh cử cho Thủ tướng Manuel Valls. Cho đến nay, kịch bản thông thường nhất trong các cuộc thăm dò là việc ứng cử viên cánh hữu đối đầu với Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN), bà Marine Le Pen tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống.
Trong khi đó, uy tín của Thủ tướng M. Valls đã tăng cao trở lại trong những tuần qua. Cuộc khảo sát mới của hãng Ifop-Fiducial cho thấy trong đảng PS cầm quyền, Thủ tướng M. Valls có mức tín nhiệm cao hơn Tổng thống Hollande với tỷ lệ ủng hộ 55% - 43%. Thủ tướng Pháp cũng đã vượt lên trước các "đối thủ tiềm năng" của cánh tả tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 như cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron - 49%, Thị trưởng thành phố Lille, bà Martine Aubry - 49%, Chủ tịch "Đảng cánh tả" Jean-Luc Mélenchon - 47%…
Trong bối cảnh Tổng thống Hollande không ra tranh cử nhiệm kỳ hai, Thủ tướng Manuel Valls nhiều khả năng sẽ là người được lựa chọn để đại diện cho cánh tả trong cuộc đua vào điện Elysée năm tới. Mặc dù vậy, ngay cả khi Thủ tướng Manuel Valls nhận được sự ủng hộ rộng rãi để có thể chiến thắng tại vòng bầu cử sơ bộ thì việc tập hợp lực lượng của phe cánh tả cho "trận đấu cuối cùng" là điều hết sức khó khăn. Từ lâu, bên trong đảng PS luôn có những người "bất mãn", chống lại các chính sách của chính phủ như cựu Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg, cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon. Ngoài ra, còn phải kể đến cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, người đã tuyên bố đứng ngoài các đảng phái, ra tranh cử với phong trào "Tiến lên" nhằm lôi kéo giới trẻ thành thị và giới doanh nghiệp.
Nhìn rộng ra hơn phe cánh tả, Chủ tịch Đảng cánh tả (PG) Jean-Luc Mélenchon, người đã tuyên bố ra tranh cử với khẩu hiệu "Nước Pháp không quỳ gối" hướng tới các đối tượng trẻ, những người lớn lên cùng "kỷ nguyên kỹ thuật số", đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Hollande và chính quyền đương nhiệm. Trong khi đó Đảng cực tả (PRG) đã bầu bà Sylvia Pinel - cựu Bộ trưởng Nhà đất trong chính quyền đảng PS - là ứng cử viên ra tranh cử tổng thống vào năm sau.
Những chia rẽ bên trong đảng PS nói riêng hay phe cánh tả nói chung đang khiến cánh tả Pháp suy yếu. Trong cuộc chạy đua vào điện Elysée, bên cạnh việc đưa ra chương trình tranh cử với những cam kết đáp ứng mong đợi của người dân, ứng cử viên cánh tả phải đủ khả năng tập hợp lực lượng, đoàn kết mọi phe nhóm thì mới có thể hy vọng giành chiến thắng trước ứng cử viên cánh hữu đang lên François Fillon và ứng cử viên đảng cực hữu FN Marine Le Pen, người luôn đề cao dân tộc chủ nghĩa cực đoan, nhưng lại có sức hút lớn trong bối cảnh nước Pháp phải đối mặt với các thách thức khủng bố và nhập cư.