Nức lòng dân
Khảo sát của hãng Social Weather Stations thực hiện nhân dịp tròn 100 ngày cầm quyền của ông Duterte (30/6 - 8/10) cho thấy có tới 3/4 người được hỏi (tương đương 76%) cho biết họ hài lòng với ông Duterte. Chỉ 1/10 (tức 11%) người được hỏi cho biết họ không vừa ý và 13% chưa có câu trả lời dứt khoát. Theo Social Weather Stations, tỷ lệ ủng hộ của người dân Philippines đối với ông Duterte trong quý đầu của nhiệm kỳ là “rất tốt” trong hệ thống phân loại của hãng này và cao thứ nhì trong số các tổng thống cầm quyền từ năm 1986 tới nay, chỉ sau Tổng thống Fidel Ramos. Riêng tại quê nhà Mindanao, ông Duterte được người dân ủng hộ ở mức 88% so với 4% không ủng hộ.
Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu trong chuyến thăm một đơn vị lực lượng vũ trang ở thủ đô Malina ngày 4/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Điều khiến người dân Philippines ủng hộ ông Duterte mạnh mẽ như vậy là do ông đã thực hiện quyết liệt chiến dịch diệt trừ tệ nạn ma túy hoành hành bấy lâu nay ở Philippines. Trước khi được bầu làm tổng thống, ông Duterte đã cam kết tiêu diệt hàng chục nghìn tội phạm ma túy và trong ba tháng vừa qua, 3.500 người đã bị xóa sổ, 22.000 người đã bị bắt và 730.000 người tình nguyện đầu hàng. Mặc cho đối thủ chính trị và dư luận thế giới bày tỏ quan ngại, phản đối, chỉ trích, thậm chí coi ông là kẻ giết người hàng loạt, ông Duterte vẫn thẳng tay và tuyên bố với cảnh sát: “Hãy làm nhiệm vụ của các bạn, và trong quá trình đó nếu bạn giết 1.000 người vì làm nhiệm vụ, tôi sẽ bảo vệ bạn. Nếu chúng rút súng, hãy giết chúng. Nếu không, vẫn giết chúng, bọn chó đẻ... Tôi sẽ quan tâm tới các bạn”.
Ông Duterte cũng công khai vạch mặt các quan chức chính phủ có quan hệ với giới buôn bán ma túy nhằm thanh lọc quan chức tham nhũng. Ông đe dọa “lột da sống” họ nếu không chấm dứt hành động sai trái và sẽ đối xử với họ không khác gì những kẻ buôn ma túy: “Tôi sẽ bêu tên các ông. Tôi sẽ yêu cầu các ông từ chức”.
Bẻ lái chính sách ngoại giao
Không chỉ mạnh tay thực hiện các chính sách đối nội, ông Duterte cũng thẳng tay bẻ lái chính sách ngoại giao của Philippines. Nếu như dưới thời tổng thống tiền nhiệm, Philippines đối đầu gay gắt, đến mức kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) thì dưới thời ông Duterte, ông lại ưa thích đối thoại hơn đối đầu với Trung Quốc.
Ông Duterte sắp tới còn chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên ngoài các nước ASEAN để tăng cường quan hệ sau khi nhậm chức tổng thống. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói: Chuyến thăm ngày 17/10 tới sẽ là chuyến thăm xây dựng niềm tin với mục đích “tăng cường và thúc đẩy các lĩnh vực khác trong quan hệ với Trung Quốc”, nỗ lực khôi phục quan hệ với Trung Quốc vốn đã lạnh lẽo trong chính quyền tiền nhiệm. Ông Duterte cũng từng tuyên bố muốn mua vũ khí của Trung Quốc và Nga thay vì mua từ Mỹ.
Còn với Mỹ, nước vốn là đồng minh thân cận lâu đời, luôn kề vai sát cánh với Philippines ở Biển Đông, ông Duterte ngày càng có nhiều lời nói, hành động thể hiện sẵn sàng đoạn tuyệt chính sách ngoại giao phụ thuộc Mỹ. Ông tuyên bố muốn xây dựng một con đường độc lập về ngoại giao cho Philippines: “Mỹ chắc chắn đã phụ chúng ta. Tôi sẽ tái định hình chính sách đối ngoại. Trong thời gian cầm quyền, tôi có thể, tôi sẽ đoạn tuyệt với Mỹ”. Trong thực tế, ông Duterte tuyên bố sẽ hủy tập trận và tuần tra chung với Mỹ, kêu gọi binh lính Mỹ rời Mindanao, ra lệnh đánh giá lại Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường với Mỹ. Ông cũng thẳng thừng bảo Mỹ và Liên minh châu Âu rút viện trợ quân sự cho Philippines nếu họ không vui với hành động của ông. Rồi có lẽ chưa một vị chính khách nào như ông Duterte, không ngần ngại xúc phạm, gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là “đồ chó đẻ”, rồi nguyền rủa ông Obama “xuống địa ngục”.
Có thể nói, sau 100 ngày cầm quyền, chính quyền của ông Duterte đã xốc lại mạnh mẽ Philippines, tạo ra không chỉ một mà rất nhiều thay đổi về cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Sau 100 ngày nữa và những năm tới trong nhiệm kỳ 6 năm, việc ông Duterte có duy trì được sự ủng hộ của dân chúng Philippines hay không vẫn sẽ phụ thuộc vào kết quả các chính sách mà ông đưa ra để phục vụ “ông chủ” - những người mà như ông từng nói: “Tôi không có ông chủ nào khác ngoài người dân Philippines”.