Nhìn lại thế giới 2017: Mối nguy từ IS vẫn hiện hữu

Một xu thế không thể đảo ngược trong những ngày cuối năm 2017, đó là sự sụp đổ tất yếu của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Syria và Iraq.

Binh sĩ Iraq sau khi giành quyền kiểm soát thành phố Hawija từ tay IS. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay sau tin quân đội Syria quét sạch các tay súng IS ra khỏi lãnh thổ, là tuyên bố của Thủ tướng Iraq khẳng định nước này đã giành chiến thắng hoàn toàn trước IS. Cũng chỉ 2 tháng trước, âm mưu của IS thiết lập một “vương quốc Hồi giáo” ở khu vực Đông Nam Á đã bị đập tan với việc quân đội Philippines giải phóng thành phố Marawi ở miền Nam sau 5 tháng giao tranh dữ dội với nhóm phiến quân Maute trung thành với IS tại đây.

Tuy nhiên, tình trạng an ninh được thắt chặt hơn bao giờ hết ở Mỹ, ở châu Âu trong mùa lễ hội Giáng sinh và Năm Mới, một lần nữa lại cho thấy nguy cơ xảy ra những vụ tấn công khủng bố mang “dấu ấn” IS ở nhiều nơi trên thế giới là có thật và nghiêm trọng. Thất bại của IS ở Trung Đông trong năm 2017 không đồng nghĩa với việc thế giới đã thoát khỏi mối nguy khủng bố.

Chiến thuật "mới" mà cũ

Ba năm sau khi IS tuyên bố thành lập cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” trên những vùng lãnh thổ chiếm đóng được trải dài từ Iraq tới Syria, sự sụp đổ của tổ chức khủng bố khét tiếng này trong năm 2017 đã được dự đoán trước. Ước tính khoảng 60.000 tay súng thánh chiến đã bị tiêu diệt kể từ năm 2014, trong đó có nhiều thủ lĩnh cấp cao. Các thành trì lớn của IS như Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria đều đã được giải phóng. Thậm chí, báo cáo của IHS Markit khẳng định IS sẽ mất toàn bộ những vùng lãnh thổ từng chiếm giữ ở Trung Đông trong năm 2018.

Tình cảnh bị đè bẹp như vậy đã buộc IS phải áp dụng chiến lược “jihad tự trị”, âm thầm chuyển hướng từ kêu gọi các đối tượng cực đoan ở Tây Âu đến Trung Đông tham chiến sang thực hiện những vụ tấn công khủng bố tại chính quê nhà. Loạt vụ khủng bố làm rúng động châu Âu năm 2017, như những vụ tấn công kiểu “sói đơn độc” đâm xe tại Barcelona (Tây Ban Nha) hay trên cầu Westminster trước tòa nhà quốc hội Anh ở London, rồi đánh bom liều chết tại buổi hòa nhạc ở thành phố Manchester, và mới nhất là vụ lao xe bán tải khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và 12 người bị thương tại khu Manhattan ở New York (Mỹ)… đã minh họa rất rõ chiến thuật "mới" này của IS. Rõ ràng IS đang tìm kiếm một động lực để hồi sinh từ đống tro tàn của "Vương quốc Hồi giáo" đã mất ở Trung Đông, mà các vụ khủng bố là cách để thể hiện IS vẫn là một thế lực dù có thể không còn kiểm soát lãnh thổ trên thực tế.
 
IS không còn lựa chọn nào khác ngoài từ bỏ một “nhà nước” thực tế để trở lại là một mạng lưới khủng bố quốc tế như trước. Trong chiến lược được “định hình lại” này, IS dựa vào mạng Internet để tồn tại và duy trì cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo ảo”, hay một kiểu “Nhà nước Hồi giáo tinh thần”. Giống như al-Qaeda sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, IS hiện cũng sử dụng truyền thông xã hội làm phương tiện liên lạc và tuyên truyền chính yếu.

Mối nguy vẫn tiếp tục lan rộng

Binh sĩ Philippines tuần tra sau khi giải phóng thành phố Marawi ngày 17/10. Ảnh: THX/TTXVN

Một giai đoạn bạo lực mới do IS phát động dự kiến sẽ tiếp diễn trong thời gian tới ở Iraq và Syria, cũng như lan sang các nước như Afghanistan, Pakistan, Libya, Somalia, Ai Cập... Các tay súng thánh chiến được cho sẽ tản khắp Trung Đông, tìm đến những khu vực bất ổn hòng tạo ra những điểm nóng căng thẳng và xung đột vũ trang mới. Vụ tấn công đẫm máu hồi tháng 11 trên bán đảo Sinai (Ai Cập) chắc chắn chỉ là sự khởi đầu. Thậm chí, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), Aleksandr Bortnikov cảnh báo IS đã lập một “mạng lưới khủng bố toàn cầu mới” sau thất bại ở Trung Đông. Các “chân rết” của IS đã “bám chắc” ở Afghanistan, Yemen, châu Phi và có thể tìm cách gia tăng ảnh hưởng sang Ấn Độ, Trung Quốc, Iran và Trung Á.

Đặc biệt, Đông Nam Á hiện đang được coi là "căn cứ địa" mới của IS. Bất chấp việc quân đội Philippines đã đập tan nhóm phiến quân ở Marawi, chiến thắng có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực chống khủng bố khu vực, song cũng giống như ở Trung Đông, mối đe dọa khủng bố tại Đông Nam Á còn xa mới kết thúc. Marawi trên thực tế chỉ là một mặt trận, do địa bàn hoạt động chính của Maute là khu vực ngã ba biên giới giữa Sabah (Malaysia) - Sulawesi (Indonesia) - Mindanao (Philippines). Lực lượng tham gia vây hãm Marawi là kết hợp giữa thành viên của nhóm khủng bố Abu Sayyaf và các tay súng ngoại quốc. Thủ lĩnh mới của nhóm này, Amin Baco, được cho có quan hệ gần gũi với nhiều nhóm thánh chiến khét tiếng khác như Jemmah Islamiya, Laskar Jundullah hay KOMPAK. Chắc chắn sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các nhóm khủng bố ở Đông Nam Á đang tạo ra nguy cơ lớn và hiện hữu. Trong bối cảnh đó, những "điểm nóng" đáng lưu ý ở khu vực thời gian tới sẽ là Marawi ở Philippines, Rakhine ở Myanmar và các tỉnh miền Nam Thái Lan.
       
Bên cạnh đó, việc những phần tử thánh chiến người nước ngoài từng tham chiến ở Syria và Iraq hồi hương cũng là mối đe dọa rất lớn với lực lượng an ninh các nước sở tại. Hàng nghìn tay súng được cho đã trở lại châu Âu những tháng vừa qua, và con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Mối nguy khủng bố cũng theo chân các tàn quân IS lan tới nhiều khu vực trên thế giới.
  

Cần giải pháp toàn diện và bền vững

Có thể thấy chiến thắng trước IS ở Trung Đông hiện không đi kèm một giải pháp chính trị và tình hình thực tiễn hậu IS mới là phần khó khăn nhất trong cuộc chiến chống khủng bố. Bất ổn chính trị tiếp diễn ở Iraq, đặc biệt sau khi vùng tự trị người Kurd công khai ý định tuyên bố độc lập, hay cuộc xung đột ở Syria đến nay vẫn chưa thể xác định được một giải pháp hòa bình mà tất cả các bên liên quan chấp nhận…, vẫn sẽ là những mảnh đất màu mỡ để những tư tưởng cực đoan thù hận nảy mầm và phát triển.

Bản thân khu vực Trung Đông cũng xuất hiện bối cảnh mới, khi mà sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai dòng Hồi giáo chính là Shiite và Sunni với đại diện chính là Iran và Saudi Arabia đã trở nên gay gắt hơn, thông qua những cuộc chiến “ủy nhiệm” ở Liban, Yemen, Syria, kéo theo sự can dự của các cường quốc bên ngoài, càng làm tình hình trở nên phức tạp. Chắc chắn việc IS mất đi tư cách “nhà nước” vật lí là một diễn biến địa chính trị quan trọng, có thể nói mang tính bước ngoặt trong khu vực. Song, trong bối cảnh các nước liên quan chưa thể đạt được một lập trường thống nhất, rất khó để loại trừ hoàn toàn gốc rễ của IS tại đây.
 
Trong khi đó, trên bình diện quốc tế, một số chuyên gia thậm chí đặt câu hỏi phải chăng chính các nước Tây Âu đang góp phần làm tăng “hiệu ứng truyền thông” cho những vụ tấn công khủng bố vừa qua của IS? Chỉ cần không cẩn trọng dẫn đến phản ứng thái quá, với những chính sách phân biệt đối xử hoặc gây ra tâm lí bài Hồi giáo nghiêm trọng, IS sẽ có được động lực lớn dưới danh nghĩa “vệ đạo”. Do vậy, thế giới cần một cách tiếp cận tỉnh táo hơn, đồng bộ hơn để hóa giải nguy cơ từ IS trong dài hạn, thay vì chỉ tập trung cho những chiến dịch trấn áp mạnh tay và trên quy mô lớn.

Việc đánh bại IS ở Iraq và Syria là một chiến thắng có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến dài hạn chống khủng bố toàn cầu. Song IS sẽ tiếp tục là mối đe dọa đáng kể, thậm chí còn là một thách thức về ý thức hệ lâu dài. Trong bối cảnh đó, ngoài những biện pháp an ninh đơn thuần, cộng đồng quốc tế cần hành động nhiều hơn nữa, từ giải quyết những vấn đề liên quan đến hệ tư tưởng cực đoan mù quáng, đến thu hẹp bất đồng và khoảng cách giữa các nền văn hóa và tôn giáo.

Việt Hải (TTXVN)
Mỹ - Philippines nhất trí tăng cường hợp tác chống khủng bố
Mỹ - Philippines nhất trí tăng cường hợp tác chống khủng bố

Mỹ và Philippines sẽ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm vấn đề chống khủng bố, chống buôn lậu ma túy xuyên quốc gia và an ninh hàng hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN