Cách thức nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đối xử với phụ nữ đầy rẫy những mâu thuẫn khó hiểu. Tổ chức khủng bố cực đoan này muốn biến phụ nữ thành nô lệ bởi các quy định chặt chẽ về trang phục cũng như sự kìm kẹp trong đời sống của họ. Thế nhưng cùng lúc, nhóm IS lại “hơn cả vui vẻ” tuyển dụng và vũ trang cho các nữ binh, lập nên những lữ đoàn toàn phụ nữ.
Điều này chỉ ra rằng cách tiếp cận phụ nữ của IS đã nghiêng về các tính toán quân sự nhiều hơn là ý thức hệ bảo thủ. IS đã thành công trong việc thu hút phụ nữ tham gia lực lượng và sử dụng phụ nữ để theo đuổi mục đích thành lập một nhà nước Hồi giáo riêng biệt.
Những nữ binh thánh chiến ở Syria. Ảnh: Reuters |
Gần đây nhất là vụ 3 nữ sinh ở bang Colorado (Mỹ) đã cùng nhau bỏ học, trốn gia đình tới Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần trước và bị tình nghi có âm mưu vượt biên sang Syria để gia nhập lực lượng IS. Gia đình của 3 nữ sinh gốc Somalia và Sudan đã báo cảnh sát khi họ phát hiện hộ chiếu của con gái mình cùng với một số tiền biến mất. Các cô gái bị lực lượng chức năng chặn lại tại một sân bay ở Frankfurt, Đức, sau đó được đưa thẳng về Mỹ để lấy lời khai. Các nhà điều tra Mỹ cho rằng 3 nữ sinh đã bị cực đoan hóa khi đọc về nhóm IS trên mạng Internet, đồng thời cho rằng máy tính của các cô gái chính là manh mối để điều tra về kênh liên lạc của họ với lực lượng IS ở Syria.
Vai trò của phụ nữ trong IS
Lực lượng IS được cho rằng đã thành lập 2 lữ đoàn nữ chiến binh có tên al-Khansaa và Umm al-Rayan. Những nữ binh IS không chiến đấu ở tuyến đầu của mặt trận mà làm nhiệm vụ “cảnh sát đạo đức” bắt các phụ nữ khác phải tuân thủ luật lệ nghiêm khắc của Hồi giáo như đeo khăn che mặt kín mít và chỉ được tới chỗ công cộng nếu có đàn ông đi cùng.
Các nguồn tin cho hay các nữ chiến binh IS còn làm nhiệm vụ canh gác tại trạm kiểm soát và cùng với đàn ông đi lùng sục nhà dân để cướp bóc cũng như bắt người dân tham gia lực lượng. Những phụ nữ trong hàng ngũ IS còn lôi kéo các phụ nữ khác qua cách gián tiếp là mời mọc họ kết hôn với các tay súng "thánh chiến".
Lí do IS chọn phụ nữ
Để đàn áp được người dân, tổ chức Hồi giáo cực đoan IS hiểu rằng chúng cần đạt được mức độ ủng hộ rộng rãi và phụ nữ đóng góp vai trò quan trọng trong chiến lược đó. Các nữ binh có thể giúp tổ IS kiểm soát dân thường ở những tình huống mà đàn ông không thể. Những nữ chiến binh có khả năng tiếp cận phụ nữ thường dễ dàng hơn nhằm lôi kéo họ gia nhập lực lượng.
Giáo sư Nimmi Gowrinathan - chuyên gia Liên hợp quốc nghiên cứu về sự tham gia của nữ giới trong các xung đột và phong trào nổi dậy – nhận định bất cứ phong trào nổi loạn thành công nào cũng cần tới sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai giới, chứ không chỉ từ đàn ông.
Cách IS “dụng” phụ nữ khác biệt so với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Chúng kịch liệt ngăn cản phụ nữ tham gia chiến đấu và chỉ cho phép họ khuyến khích nam giới trong gia đình đi chiến đấu.
Tại sao phụ nữ vẫn tự tìm đến IS
Luật lệ Hồi giáo mà IS áp dụng rất nghiêm khắc, kiểm soát chặt chẽ cách hành xử của phụ nữ, trang phục họ mặc cũng như địa điểm họ được lui tới. Tại sao một số phụ nữ vẫn tự tìm đến IS – một nhóm khủng bố nổi tiếng tàn độc, thậm chí còn cưỡng hiếp và rao bán phụ nữ làm nô lệ?
Qua một số phân tích, nguyên nhân quan trọng nhất khiến phụ nữ gia nhập IS cũng giống với đàn ông là muốn tìm kiếm sự phiêu lưu cũng như cảm giác “tử vì đạo” rằng mình đang chiến đấu để bảo vệ cộng đồng người Sunni…
Ví dụ tại Iraq, sự bùng phát phong trào IS ở đây nhằm chống lại bộ máy chính trị do người Shiite đứng đầu và vốn có những chính sách đàn áp người Sunni. Vì vậy, có những phụ nữ nhìn nhận IS như một nhóm bảo hộ cho họ nhiều hơn là những kẻ áp bức.
Sức hút với phụ nữ phương Tây
Tiến sĩ Erin Saltman, nhà nghiên cứu về các quá trình cực đoan chính trị, ước tính cứ 10 tân binh nước ngoài của IS thì có 1 người là phụ nữ. Bà Erin cho rằng có ba lý do chính giúp nhóm thánh chiến IS thu hút được phụ nữ ở phương Tây. Thứ nhất, trong suy nghĩ của nhiều phụ nữ, đứng trong hàng ngũ phiến quân IS như thể một "cuộc phiêu lưu thú vị tới một xã hội Hồi giáo không tưởng” chứ không chỉ là một nghĩa vụ tôn giáo.
Lý do thứ hai là tinh thần nhân đạo, đoàn kết tôn giáo. IS kêu gọi những người cùng tôn giáo chung tay chiến đấu nhằm chống lại chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và nay là cả những cường quốc thế giới đang quay lưng lại với cộng đồng người Hồi giáo, theo như lời mô tả của chúng.
Và cuối cùng là yếu tố “lãng mạn” đánh thẳng vào tâm lý phụ nữ. Các cô gái ngây thơ vẫn tin tưởng rằng họ sẽ tìm thấy ở IS “những người đàn ông Hồi giáo mạnh mẽ, chiến đấu vì lí tưởng Hồi giáo đích thực”. Thực tế, nhiều thiếu nữ phương Tây đã bỏ nhà sang Syria với lời hứa được bố trí làm công việc từ thiện tuy nhiên tất cả chỉ là lừa gạt. Khi đến Syria, cuộc sống của họ bị quản thúc bởi những luật lệ khắc nghiệt và có ít cơ hội trở về nhà.
Nhìn chung vì bất cứ lí do nào, thực sự lực lượng "thánh chiến" đang lôi kéo được rất nhiều phụ nữ chạy theo chúng và gây dựng được sự ủng hộ nhất định ở Syria và Iraq. Chính vì vậy, việc xảy ra một phong trào “Thức tỉnh Sunni” thứ hai do chính các nhóm người Sunni hợp sức tiến hành là điều rất cần thiết để giảm tầm ảnh hưởng của IS trong cộng đồng Hồi giáo cũng như nhằm quét sạch nhóm khủng bố này. Trước đó, phong trào “Thức tỉnh Sunni” đầu tiên đã đánh bại được nhóm khủng bố tiền thân của IS là al-Qaeda ở Iraq hồi năm 2005-2007.
Hoàng Trang