Thảm họa động đất - sóng thần ngày 11/3 đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cho miền đông bắc Nhật Bản và gây ra sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Tuy nhiên, thảm họa đó cũng giúp nước Nhật rút ra nhiều bài học quí báu trong công tác đối phó với sự cố hạt nhân.
Toàn cảnh tòa nhà chứa lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, tại thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima ngày 10/4. AFP- TTXVN |
Theo phân tích của cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản Tetsuya Endo đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nhật Bản, 4 lò phản ứng tại Nhà máy Fukushima dù được thiết kế để chống lại các trận động đất cấp lớn, nhưng trận sóng thần đã cắt toàn bộ nguồn điện bên ngoài lò phản ứng, khiến cho hệ thống làm mát ngừng hoạt động. Ba nguyên tắc cơ bản trong việc đối phó với một sự cố hạt nhân là “ngừng hoạt động, làm mát và ngăn chặn”.
Trong sự cố Fukushima 1, các lò phản ứng đã tự động ngừng hoạt động giúp cho nhà máy này không biến thành một thảm họa như tại Chernobyl. Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO), đơn vị quản lý Nhà máy Fukushima, cũng đã tìm cách làm mát các lò phản ứng bằng cách bơm nước từ bên ngoài và nối lại điện cho hệ thống làm mát bên trong. Tuy nhiên, công tác ngăn chặn chưa thực sự hiệu quả khi nước nhiễm phóng xạ vẫn rò rỉ ra môi trường bên ngoài. Trên cơ sở nhìn nhận trên, có thể khẳng định một điều rằng thảm họa hạt nhân tồi tệ như từng xảy ra tại Chernobyl đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một trận chiến trường kỳ bởi chưa có dấu hiệu cho thấy sự cố này đã chấm dứt. Trong cuộc chiến này, Nhật Bản cần rút ra một số bài học sau:
* Thứ nhất là tác động của sự cố tới chính sách hạt nhân toàn cầu. Sự cố hạt nhân Fukushima đang tập trung sự quan tâm của toàn thế giới bởi nó xảy ra tại một nước có trình độ hạt nhân tiên tiến. Sự cố này đã khiến cho thế giới có cái nhìn thận trọng hơn với năng lượng hạt nhân, nhất là tại những nước đang có ý định xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Có thể nói sự cố hạt nhân Fukushima đã đưa chính sách hạt nhân toàn cầu đi vào giai đoạn “ngủ đông” vì bất cứ sự cố hạt nhân nào giờ đây cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới. Sự cố hạt nhân Fukushima cũng giáng một đòn mạnh vào chính sách hạt nhân của Nhật Bản.
Chắc chắn các công trình nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng, các kế hoạch xây dựng mới sẽ bị đình trệ ít nhất là một thời gian dài tới. Tuy nhiên, Nhật Bản không thể làm gì nếu thiếu nguồn năng lượng hạt nhân dân sự trong chính sách năng lượng và cuộc chiến chống ô nhiễm toàn cầu. Điện hạt nhân cung cấp 30% nhu cầu điện của Nhật Bản, nếu không sử dụng điện hạt nhân, nền kinh tế Nhật Bản sẽ ngay lập tức "xuống dốc" và khiến đời sống của người dân nước này khó khăn hơn. Vì vậy, Nhật Bản cần duy trì chính sách hạt nhân bằng mọi giá và trước mắt là phải khôi phục lòng tin của người dân, nhất là những người chịu ảnh hưởng từ sự cố hạt nhân vừa qua.
Phát biểu tại Diễn đàn năng lượng toàn cầu ở Đubai mới đây, Tiến sỹ Mohammed ElBaradei, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nhận định: Thế giới sẽ không từ bỏ năng lượng hạt nhân vì nguồn năng lượng này vẫn cần thiết để giúp giải phóng 1,6 tỷ người khỏi tình trạng thiếu năng lượng. Ông khẳng định: "Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản đã thức tỉnh những ký ức khủng khiếp về Chernobyl cách đây 25 năm, nhưng năng lượng hạt nhân vẫn đóng vai trò quan trọng". Ông ElBaradei cho rằng: "Các nhà máy hạt nhân ngày càng hiệu quả, tin cậy và không thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nhiều nước muốn được đứng vào danh sách hiện gồm 30 quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân". |
* Thứ hai là xem xét nghiêm túc các tiêu chuẩn về an toàn hạt nhân. Sự cố hạt nhân Fukushima một lần nữa nhắc nhở con người không bao giờ được lơ là với an toàn hạt nhân. Sự cố này cho thấy vấn đề lớn nhất là hệ thống làm mát bị ngừng hoạt động do không được cấp nguồn điện. Những người có trách nhiệm đang đổ lỗi cho trận động đất-sóng thần vừa qua quá lớn, vượt cả dự báo của con người. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời ngụy biện và trốn tránh trách nhiệm vì rõ ràng sự cố này cho thấy họ thiếu các phương án dự phòng theo chiều sâu và thiếu ưu tiên cho các chính sách an toàn hạt nhân. Trong một thời gian dài, Nhật Bản đã quá tự tin về trình độ hạt nhân của mình mà phớt lờ các ý kiến khách quan. Giờ đây, Nhật Bản cần từ bỏ “ánh hào quang” đó, tiếp thu đóng góp một cách khiêm nhường và chú trọng hơn nữa tới các biện pháp an toàn hạt nhân dù biết chúng rất tốn kém.
* Thứ ba là cách xử lý thông tin. Việc cung cấp thông tin chính xác và nhanh chóng là vô cùng cần thiết để tránh gây lo lắng cho người dân và cộng đồng quốc tế. Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực công nghệ cao, vì vậy cần có sự giải thích dễ hiểu để không gây hiểu nhầm và hoảng loạn. Trong sự cố hạt nhân vừa qua, đầu mối thông tin quan trọng nhất là từ phía chính phủ và TEPCO. Tuy nhiên, họ đã không cung cấp được lượng thông tin chính xác và không đáp ứng được đòi hỏi của dư luận. Điều này làm cho dư luận, đặc biệt là giới truyền thông quốc tế, cho rằng chính phủ đang cố tình che giấu thông tin và và hạ thấp nguy cơ khủng hoảng. Do vậy, Nhật Bản cần tập trung hơn nữa cho việc cung cấp thông tin chính xác cho truyền thông quốc tế và người nước ngoài tại Nhật Bản.
Hồng Hà (P/v TTXVN tại Nhật Bản)