Ngày 2/10, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có mặt tại tòa án quận Manhattan, bang New York, để tham gia phiên xét xử với cáo buộc ông khai khống tài sản và thu lợi bất chính hàng trăm triệu USD từ các khoản vay, hợp đồng bảo hiểm.
Vụ kiện do Tổng chưởng lý bang New York, bà Letitia James đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái, cáo buộc ông Trump và các con cùng tổ chức Trump Organization đã "thổi phồng" giá trị tài sản thêm từ 17-35% theo mô hình “sử dụng gian lận liên tục và dai dẳng” từ năm 2011-2021.
Theo cáo trạng, ông Trump đã đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch cho các chủ ngân hàng và công ty bảo hiểm, đồng thời phóng đại giá trị bất động sản chỉ có giá trị vài trăm triệu USD lên hơn 2,23 tỷ USD và đây là hành vi gian lận theo luật của bang New York.
Vụ xét xử ngày 2/10 chỉ là một trong nhiều thách thức pháp lý mà cựu Tổng thống Trump phải đối mặt sau khi tuyên bố tái tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024. Ngoài vụ kiện dân sự ở New York, ông Trump đang đối mặt 4 phiên tòa hình sự vì những hành động trước, trong và sau nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Truy tố hình sự vụ tài liệu mật
Công tố viên đặc biệt Jack Smith đang dẫn đầu hai cuộc điều tra liên bang liên quan đến cựu Tổng thống Trump. Cả hai vụ điều tra đều dẫn đến các cáo buộc chống lại cựu tổng thống.
Vào tháng 6, cựu Tổng thống Trump đã bị truy tố 37 tội danh liên quan việc cất giữ trái phép tài liệu mật cũng như nỗ lực ngăn chặn chính phủ thu hồi các tài liệu tại khu nghỉ dưỡng ở Florida. Bản cáo trạng được cho là ông Trump liên tục nhờ đến các trợ lý và luật sư để giúp ông che giấu các hồ sơ mà các nhà điều tra yêu cầu, đồng thời khoe “kế hoạch tấn công” và bản đồ mật của Lầu Năm Góc. Nếu bị kết án, tội danh nặng nhất có thể khiến ông Trump phải ngồi tù 20 năm.
Walt Nauta, trợ lý của ông Trump, và Carlos De Oliveira, quản lý tại khu nghỉ dưỡng Florida, đã bị buộc tội âm mưu che giấu đoạn phim giám sát với các nhà điều tra liên bang và nói dối về điều đó.
Về phần mình, cựu Tổng thống Trump, ông Nauta và De Oliveira đều khẳng định mình vô tội. Thẩm phán quận Aileen Cannon ấn định ngày xét xử vụ án này là ngày 20/5/2024 – thời điểm đảng Cộng hòa công bố ứng viên đề cử cho cuộc bầu cử tổng thống 2024.
Truy tố hình sự vụ can thiệp bầu cử
Đến tháng 8, cuộc điều tra của công tố viên Smith lại khiến cho ông Trump đối mặt với cáo trạng thứ hai liên quan đến tội danh âm mưu lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020, với cuộc bạo loạn của những người ủng hộ ông nhằm vào Điện Capitol ngày 6/1/2021.
Đại bồi thẩm đoàn liên bang ở Washington công bố cáo trạng dài 45 trang, truy tố cựu tổng thống Donald Trump với 4 cáo buộc liên quan âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Đại bồi thẩm đoàn cáo buộc ông Trump và các đồng minh đã truyền bá những tuyên bố sai sự thật rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận, gây áp lực buộc các quan chức liên bang và tiểu bang phải thay đổi kết quả, tập hợp các nhóm đại cử tri giả để cố gắng giành lấy phiếu đại cử tri từ ông Biden.
Chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump gọi các cáo buộc là "giả mạo" và hỏi tại sao phải mất 2 năm rưỡi mới truy tố. Vụ án sẽ được xét xử vào ngày 4/3/2024 tại tòa án liên bang ở Washington.
Truy tố “trả tiền bịt miệng”
Ông Trump đã trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử phải đối mặt với cáo buộc hình sự khi ông bị truy tố ở New York hồi tháng 3 với các cáo buộc cấp tiểu bang liên quan đến việc chi tiền để “giấu nhẹm” các cáo buộc về quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
Đại bồi thẩm đoàn quận Manhattan (New York) đã bỏ phiếu truy tố cựu Tổng thống Trump trong một vụ án liên quan đến việc trả 130.000 USD tiền “bịt miệng” cho diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels thông qua luật sư lúc bấy giờ là Michael Cohen. Ông Trump đã liên tục phủ nhận vụ việc và mọi cáo buộc về khoản tiền này, đồng thời cảnh báo về hậu quả tai hại có thể xảy ra nếu ông bị bắt.
Bà Daniels (tên thật là Stephanie Clifford), một nữ diễn viên kiêm đạo diễn phim khiêu dâm nổi tiếng, tiết lộ đã nhận được tiền để đổi lấy sự im lặng về cuộc gặp gỡ “ngoài luồng” giữa bà và ông Trump hồi năm 2006.
Luật sư riêng của cựu Tổng thống Trump - ông Michael Cohen - thừa nhận thân chủ của mình đã chỉ đạo chi các khoản tiền “bịt miệng” cho bà Daniels và người phụ nữ thứ hai là cựu người mẫu tạp chí khiêu dâm Playboy, Karen McDougal - người cũng tiết lộ có quan hệ tình ái với ông Trump.
Phiên xét xử tiếp theo trong vụ án này được ấn định vào ngày 4/1, trước khi đảng Cộng hòa bắt đầu quá trình tiến cử ứng viên tranh cử tổng thống.
Vụ truy tố can thiệp bầu cử
Ngày 14/8, công tố viên Fani Willis của bang Georgia công bố cáo trạng truy tố cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cùng 18 bị cáo khác với 41 cáo buộc, liên quan nghi vấn ông can thiệp kết quả bầu cử năm 2020 ở bang này.
Trong bản cáo trạng, cựu Tổng thống Trump đối mặt với 13 tội danh, bao gồm vi phạm Đạo luật chống các tổ chức tội phạm gây ảnh hưởng và tham nhũng (RICO); đưa ra các tuyên bố và bài viết sai lệch; âm mưu phạm tội giả mạo ở cấp độ đầu tiên; nộp hồ sơ giả... Các công tố viên nói rằng ông Trump và những người khác bị truy tố "đã tham gia vào âm mưu thay đổi bất hợp pháp" kết quả bầu cử. Không chỉ vậy, các công tố viên cáo buộc ông Trump đã tìm cách lợi dụng cuộc bạo loạn tại Điện Capitol và coi đó là lý do để trì hoãn hơn nữa việc kiểm phiếu khiến ông thất bại.
Phản ứng trước vụ truy tố, đội ngũ pháp lý của cựu tổng thống Trump gọi cáo trạng là "một chiều, gây sốc và lố bịch”.
Trước các nỗ lực truy tố, cựu tổng thống Mỹ đã nhiều lần chỉ trích các nỗ lực này là "cuộc săn phù thủy" và tuyên bố những quyết định truy tố sẽ không thể cản trở ông chạy đua vào Nhà Trắng.