T
rong ba tháng qua, những người biểu tình đã làm rung chuyển Quảng trường Maidan (Quảng trường Độc lập) ở Kiev và thậm chí là cả Ukraine. Họ tập trung tại quảng trường này và lớn tiếng khẳng định rằng họ chỉ rời đi khi Ukraine xích lại gần Liên minh châu Âu (EU), khi có sự thay đổi hiến pháp, và khi Ukraine thay đổi cấu trúc quyền lực của chính phủ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao hàng nghìn người biểu tình lại bấtt chấp tính mạng của mình để yêu cầu có sự thay đổi về chính trị? Và tại sao chính phủ lại phản đối kịch liệt những lời kêu gọi đó? Có vẻ như không dễ tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử từ trước và gần đây của Ukraine, cũng như các nhân tố liên quan, ta có thể hiểu được những gì đang diễn ra và những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Một góc quảng trường Maidan khói lửa như chiến tranh tối 18/2 |
Với 45 triệu dân, Ukraine là quốc gia lớn nhất nằm giữa, chia tách Nga và EU. Cho đến trước năm 1991, Ukraine vẫn thuộc Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, khi Liên Xô tan rã, Ukraine-cũng giống như một số nước Xô Viết khác-bị buộc phải tự đứng vững trên đôi chân của mình. Nhưng Ukraine không "đơn độc" trong quá trình tự vươn lên. Các nước bên ngoài đã quan tâm đến Ukraine và có hành động can thiệp. Ukraine dường như là "quân tốt đen" giữa Nga và phương Tây. Trong hơn hai thập kỷ qua, EU-với sự hậu thuẫn của Mỹ-đã củng cố mối quan hệ với các nước thuộc Liên Xô trước đây, đặc biệt là với Ukraine nhằm mục đích khôi phục dân chủ và cải thiện đời sống của người dân Ukraine.
EU luôn cho rằng quyết định của Ukraine mới đây không xích lại gần EU là do sức ép từ phía Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ nhận định rằng Moskva đang áp đặt ảnh hưởng đối với Ukraine. Tháng 1/2014, ông Putin nhấn mạnh "Nga đã, đang và sẽ luôn tôn trọng chủ quyền của tất cả các thực thể quốc tế, bao gồm các nước mới nổi lên từ sau sự sụp đổ của Liên Xô". Tuy nhiên, nhiều người không tin vào điều đó và cho rằng việc chính phủ của ông Putin đề xuất gói viện trợ cho Ukraine là nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa các nước thuộc Liên Xô trước đây.
Trên thực tế, những tranh cãi hiện nay ở Ukraine không chỉ xoay quanh vấn đề tiền viện trợ hay câu hỏi liệu Ukraine sẽ xích lại gần EU hay Nga, mà nó còn liên quan đến vấn đề quyền lực. Đúng vậy, rất nhiều người trong phe đối lập đã kêu gọi lật đổ Tổng thống Yanukovych và đề xuất tổ chức bầu cử sớm. Trên đường phố và trong quốc hội, phe đối lập cũng thúc đẩy việc thay đổi hoàn toàn cấu trúc quyền lực của chính phủ. Họ cho rằng quyền lực của ông Yanukovych là quá lớn trong khi quyền hạn của Quốc hội là chưa đủ. Quan điểm này đã được thể hiện rõ ràng trong rất nhiều đề xuất của phe đối lập những tuần qua về việc thay đổi luật pháp Ukraine và cơ bản hơn là thay đổi hiến pháp. Chính phủ đã đề xuất một số nhượng bộ song vẫn chưa đủ để thỏa mãn phe đối lập.
Dalibor Rohac, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm vì sự Tự do và Thịnh vượng Toàn cầu (thuộc Viện nghiên cứu Cato), nói "Những thay đổi xuất hiện sau cuộc Cách mạng Cam chưa thực sự đủ sâu sắc. Nhưng lần này, dường như sự bất mãn của người dân đã dâng cao và đây chính là cơ hội thực sự để tạo ra sự khởi đầu mới. Với người dân Ukraine, đây chính là cơ hội để họ bước sang một quỹ đạo khác với những gì mà họ theo đuổi suốt 22 năm qua để trở thành một phần của châu Âu thịnh vượng và dân chủ". Sự việc làm thổi bùng hơn sự phẫn nộ của người dân (sau khi Yanukovych quay lưng lại với EU) là việc chính phủ thông qua luật chống biểu tình hồi giữa tháng 1/2014.
Trong bối cảnh áp lực càng tăng cao, các phó tổng thống trung thành với ông Yanukovych buộc phải thay đổi và rút lại luật chống biểu tình nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trong khi các cuộc đối thoại giữa phe đối lập và các quan chức chính phủ diễn ra một cách gián đoạn.
Vậy phe đối lập mà ông Yanukovych và các đồng minh của ông đang phải đối phó là ai? Đó không phải chỉ là một nhân vật, mà là cả một liên minh, trong đó nhân vật được nhiều người biết đến nhất và có ảnh hưởng nhất là Vitali Klitschko-từng là nhà vô địch quyền anh thế giới. Klitschko đứng đầu đảng Liên minh Dân chủ vì Cải cách Ukraine. Bên cạnh đó còn có ông Yatsenyuk đứng đầu đảng Tổ quốc và Oleh Tiahnybok lãnh đạo đảng Tự do (Svoboda). Cả ba thủ lĩnh đối lập này từng có cuộc đối thoại với phái đoàn của ông Yanukovych.
Cuối tháng 1/2014, Tổng thống Ukraine đã đưa ra đề xuất nhượng bộ mà theo đó, ông Yatsenyuk sẽ trở thành Thủ tướng và có quyền giải tán chính phủ. Ông cũng đề xuất Klitschko vào vị trí phó thủ tướng phụ trách vấn đề nhân đạo và nhất trí về việc thành lập một nhóm công tác nghiên cứu thay đổi hiến pháp. Tuy nhiên, phe đối lập đã bác bỏ các đề xuất đó. Các nhà lãnh đạo chính phủ và thủ lĩnh phe đối lập đã có các cuộc đàm phán trong nhiều tuần qua, song dường như mọi việc chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Một Maidan ngày 19/2 còn ngổn ngang "công cụ chiến đấu" chưa biết bao giờ mới kết thúc.
|
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra hiện nay, đó là: Tình hình ở Ukraine sẽ xấu đi đến mức nào? Chính quyền sẽ sử dụng công cụ và cách thức nào để trấn áp những người bất đồng chính kiến? Liệu chính phủ hoặc phe đối lập có chấp nhận nhượng bộ để chấm dứt tất cả trong hòa bình hay không? Dường như ở thời điểm hiện tại, không thể tìm ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên. Dù sao đi nữa, cả thế giới vẫn đang dõi theo tình hình Ukraine. Và tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine là không hề nhỏ, đặc biệt là đối với Nga. Tháng 2/2014 lẽ ra là cơ hội để nước Nga cũng như cá nhân ông Putin tỏa sáng cùng Thế vận hội mùa Đông ở Sochi. Tuy nhiên, bất ổn liên tục ở Ukraine đã làm phân tâm dư luận và làm gia tăng sự chú ý vào vai trò của chính phủ Nga trong vụ bất ổn đó.
TTK