Những đánh giá trái chiều từ kết quả của Diễn đàn Davos

Theo nhận định chung, Diễn đàn Davos bế mạc ngày 29/1/2012 đã không đáp ứng được mong đợi của mọi người, đặc biệt là về lối thoát cho khủng hoảng tài chính trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi phấn khởi cho rằng Eurozone đã có những bước tiến ngoạn mục: "Nếu so sánh với 5 tháng trước đây thì khu vực sử dụng đồng euro nay là một thế giới khác".

Nhưng không phải ai cũng lạc quan như thế. Bộ trưởng Tài chính Anh, George Osborne, cảnh báo: "Bước vào đầu năm 2012 mà vẫn còn bàn đến nợ Hy Lạp, điều đó chứng tỏ là đã không giải quyết được gì cả".

Hai lãnh đạo châu Âu đến đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron đã nói về cuộc khủng hoảng, nhưng lại không nói gì về hiện tại. Thủ tướng Đức nhìn về chân trời xa vời, cho là bắt đầu từ bây giờ châu Âu sẽ có những chọn lựa thiết yếu. Thủ tướng Anh thì nhìn vào quá khứ, chỉ trích mạnh mẽ cách vận hành của Liên minh châu Âu (EU).

Không nằm ngoài dự đoán, bà Merkel, nhà lãnh đạo của quốc gia trụ cột tại Eurozone, đã tái khẳng định cam kết của mình về việc giải quyết vấn đề nợ cấp thiết của Eurozone. Phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội nghị, nơi tập trung khoảng 2.600 người đến từ hơn 100 quốc gia, bà Merkel nhấn mạnh rằng châu Âu cần tái cơ cấu và tạo việc làm, đây được coi là các biện pháp cụ thể để phục hồi nền kinh tế và sự ổn định của khu vực. Theo quan điểm của bà Merkel, trong dài hạn, tương lai nền kinh tế của châu Âu sẽ phụ thuộc vào việc tạo công ăn việc làm, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, cùng với việc cải cách và nới lỏng quy chế tại thị trường lao động. Bà cũng kêu gọi tiến hành tái cơ cấu hệ thống chính trị của EU, hệ thống mà bà cho rằng rõ ràng thiếu năng lực chính trị để có thể hoạt động hiệu quả.

Khác với hầu hết các thành viên trong EU đã nhiều lần cam kết sẽ bảo vệ đồng tiền chung của châu Âu, Thủ tướng Anh David Cameron không tỏ ra lạc quan về viễn cảnh này. Phát biểu tại ngày họp thứ hai, ông Cameron đã đáp lại bài phát biểu của bà Merkel bằng thái độ nghi ngờ về việc liệu Eurozone có tất cả các yếu tố về thể chế cần có để củng cố đồng euro hay không. Ông cũng từ chối ủng hộ áp Thuế Giao dịch Tài chính vì theo ông nó có thể khiến EU mất 200 tỷ euro GDP và gần 500.000 việc làm. Ông Cameron nói rằng EU cần phải thực hiện những hành động táo bạo để loại bỏ những gánh nặng về quy chế.

Bề ngoài, các bước đi của châu Âu có vẻ hơi chậm chạp, song quả thực là đang có tiến triển. Quý I năm 2012 có thể là quãng thời gian "đòi hỏi sự cố gắng phi thường" đối với khu vực đang chịu gánh nặng nợ nần này, song theo những gì mà ông Mario Draghi tuyên bố tại Hội nghị Davos, nhờ một loạt các biện pháp mà EU đã thực hiện, "chúng ta biết chắc rằng chúng ta đã tránh được tình trạng khan hiếm tín dụng nghiêm trọng, một cuộc khủng hoảng công quỹ nghiêm trọng".

Ông Draghi cho biết số trái phiếu ngân hàng sẽ đến hạn phải trả trong quý này trị giá 230 tỷ euro, chưa kể nhu cầu tái cấp vốn của một số nước EU, song ECB đã quyết định bơm một khoản tiền tương đương vào hệ thống tài chính này và cứu các cơ quan tài chính thoát khỏi vỡ nợ.

Tại Hội nghị Davos, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng, con đường duy nhất để châu Âu thành công trong việc giải quyết các vấn đề và giúp liên minh tiền tệ này hoạt động trong thời gian dài là "họ cần phải xây dựng một bức tường lửa mạnh mẽ hơn như một phần bổ sung cho chiến lược toàn diện mà họ đang thực hiện".

Đây cũng chính là điều mà Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã nghĩ tới. Bà Lagarde nói: "Không nước nào miễn nhiễm trong tình hình hiện nay, đó không chỉ là cuộc khủng hoảng của Eurozone mà là cuộc khủng hoảng có thể gây ra những tác động phụ mang tính dây chuyền trên khắp thế giới. Châu Âu phải tự cứu lấy chính mình, và thậm chí phải nỗ lực nhiều hơn tất cả những gì họ đã làm từ trước tới nay".

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN