Sau hướng tiếp cận bị đánh giá là "sai lầm" ban đầu trong phòng chống dịch như chỉ coi trọng ngăn chặn dịch từ bên ngoài mà không chú ý phòng ngừa dịch lây lan nhanh ở trong nước, dịch bệnh đã bùng phát mạnh ở Hàn Quốc với hai tâm dịch là thành phố Deagu 2,5 triệu dân lớn thứ tư nước này và tỉnh Bắc Gyeongsang lân cận, đưa "xứ sở kim chi" trở thành nước có số ca nhiễm nhiều chỉ sau Trung Quốc đại lục và khiến nhiều người đã nghĩ tới kịch bản Deagu trở thành một "Vũ Hán thứ hai".
Tình hình lây nhiễm ở Hàn Quốc có những điểm còn khiến người ta bi quan hơn ở Trung Quốc: Hàn Quốc là nước có nhiều giáo phái lạ như Tân Thiên Địa, Đức Chúa Trời, trong đó các tín đồ tin rằng sự sống chết là do Chúa, nên vẫn tự do tụ tập làm lễ, cầu nguyện trong nhà thờ, bất chấp nguy cơ lây nhiễm tập thể do tiếp xúc gần mà không hề có bảo hộ; thậm chí ngay cả khi số ca nhiễm đã lên tới hơn nghìn người ở Hàn Quốc, các cuộc biểu tình vẫn được tổ chức, cấm biểu tình ở ngoài trời thì tổ chức trong nhà.
Trước tình hình nguy cấp, Chính phủ Hàn Quốc đã có những bước điều chỉnh tức thì, có hiệu quả, rất quyết liệt và nói như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là chưa từng có tiền lệ. Quốc hội Hàn Quốc đã sửa luật, bổ sung ngân sách chống dịch trong khi chính phủ quyết định nâng cảnh báo nguy cơ dịch COVID 19 lên mức cao nhất là "nghiêm trọng", tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Khi ban hành cảnh báo “nghiêm trọng”, Chính phủ Hàn Quốc có thể cấm tổ chức các sự kiện quy mô lớn và xem xét phương án cho tạm nghỉ toàn bộ các lớp học tại các trường và trung tâm dạy thêm. Đồng thời, chính phủ nước này có thể khuyên cáo người dân hạn chế ra ngoài và không tụ tập nơi đông người. Tức là Nhà nước có thể hạn chế quyền cơ bản của công dân trong phạm vi nhất định. Và với cảnh báo ở mức “nghiêm trọng”, Chính phủ Hàn Quốc sẽ đảm nhiệm kiểm soát và dốc mọi nguồn lực quốc gia để sớm dập tắt dịch bệnh.
Thay vì hạn chế đi lại của người dân bằng cách phong tỏa tâm dịch, Chính phủ Hàn Quốc tập trung vào cách ly bắt buộc đối với bệnh nhân COVID-19 và người có tiếp xúc gần. Trong khi đó, người dân được khuyến cáo ở trong nhà, tránh tham gia các sự kiện đông người, đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn thường xuyên. Bên cạnh đó, Seoul áp dụng biện pháp kiểm soát người nhập cảnh, trong đó yêu cầu du khách phải kiểm tra thân nhiệt, khai báo địa chỉ liên hệ và điền phiếu điều tra sức khỏe.
Theo một số chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất giúp Hàn Quốc giảm tốc lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đó là chương trình xét nghiệm rộng khắp. Tỷ lệ xét nghiệm trên dân số của Hàn Quốc là cao nhất thế giới. Với việc tiến hành 15.000 ca xét nghiệm/ngày, các quan chức y tế Hàn Quốc đã xét nghiệm sức khỏe của khoảng 250.000 người từ tháng 1 tới nay, tức cứ 200 người Hàn Quốc thì có 1 người được xét nghiệm. Để thúc đẩy sự tham gia của người dân vào chương trình xét nghiệm, Hàn Quốc miễn phí hoàn toàn đối với xét nghiệm dành cho người được bác sĩ yêu cầu hoặc có triệu chứng sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc người trở về từ Trung Quốc. Xét nghiệm COVID-19 có thể được tiến hành tại hàng trăm cơ sở y tế khắp cả nước, chưa kể hơn 50 điểm xét nghiệm nhanh (người được xét nghiệm vẫn ngồi trên ô tô của mình mà không cần phải xuống xe).
Hàn Quốc đã rút được kinh nghiệm từ những đợt dịch trước đây. Seoul từng chật vật vì thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm trong đợt bùng phát Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS) năm 2015, khiến nước này phải xây dựng hệ thống phê chuẩn nhanh các hoạt động chống dịch. Trong vòng vài tuần sau khi COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhanh, cho kết quả sau 6 giờ. Chính phủ phê duyệt khẩn cấp và bộ dụng cụ được cung cấp cho các phòng khám.
Theo các chuyên gia, việc xét nghiệm rộng rãi sẽ phát hiện được cả những trường hợp triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, có thể khiến tổng số ca bệnh tăng, song cũng giúp phát hiện sớm ca nhiễm, dẫn đến điều trị sớm và kéo giảm tỷ lệ tử vong. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này là 0,83%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu 3,6% và là nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong số 4 vùng dịch lớn trên thế giới.
Lượng dữ liệu thu thập khổng lồ đã cho phép nhà chức trách nhanh chóng xác định các ổ dịch bệnh, từ đó tiến hành cách ly và tẩy trùng tập trung hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc gửi tin nhắn tới người dân cảnh báo về lịch sử di chuyển của người nhiễm bệnh trong khu vực của họ, chi tiết tới từng cửa hàng hay nhà hàng, cũng cho thấy hiệu quả.