Những dấu hỏi trong 'Con đường Tơ lụa mới' của Mỹ ở Trung Á

Năm 2014 được xem là thời điểm quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại Trung Á, với việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Để duy trì ảnh hưởng tại khu vực này, Mỹ đã đề ra một sáng kiến có tên gọi là “Con đường tơ lụa mới”.

Đại diện các nước trong cuộc gặp ở Islamabad, Pakistan hôm 16-17/9 bàn về việc thúc đẩy CASA-1000


Sáng kiến “Con đường Tơ lụa mới” lần đầu tiên được Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Trung - Nam Á Lynne Tracy đề cập tới tại cuộc họp báo ở Washington hôm 25/9/2013. Theo bà Tracy, “Con đường Tơ lụa mới” hướng đến việc rỡ bỏ các rào cản thương mại; thúc đẩy các hoạt động kinh tế và đặc biệt là kết nối kinh tế trong vùng, đưa Trung Á lấy lại vị thế lịch sử của mình – đó là cửa ngõ nối kết giữa phương Tây và phương Đông.

Trong sáng kiến này, Mỹ đặc biệt quan tầm đến các dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng nhằm làm chủ các nguồn khí gas và thủy điện. Nổi bật trong đó là dự án xây dựng các đập thủy điện và đường dây truyền tải điện có tên gọi  “CASA-1000” và tuyến đường ống TAPI vận chuyển khí gas từ Turkmenistan đến Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ. “CASA-1000” được xem là điểm then chốt nhất trong sáng kiến này. Theo đó, tuyến đường truyền tải điện dài gần 1.200 km sẽ được xây dựng, nhằm vận chuyển 1.000 - 1.300 Mw điện từ những nước có nguồn thủy điện dồi dào là Kyrgyzstan và Tajikistan tới những nước luôn trong tình trạng thiếu điện như Afghanistan và Pakistan.

Đây được coi là một ý tưởng hay, mang lại lợi ích cho nhiều nước trong khu vực, tăng cường kết nối kinh tế nội vùng, phù hợp với các tính toán của Mỹ trong việc tạo dựng các hành lang năng lượng mới ở các nước thuộc không gian hậu Xô Viết, tránh phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Thế nhưng, “CASA-1000” được xem là một dự án tiềm ẩn thất bại chiến lược đối với Mỹ.

Sáng kiến đầy tham vọng này đã không tính đến mạng lưới hạ tầng điện năng của các nước trong vùng. Cả Kyrgyzstan và Tajikistan đều phải vật lộn với tình cảnh thiếu vốn để đầu tư, duy tu, nâng cấp hệ thống điện có từ thời Liên Xô, vốn đã xuống cấp nghiêm trọng. Những rắc rối này sẽ đe dọa đến hiệu quả của dự án, do không tính đến các đường truyền tải độc lập, riêng rẽ.

Bên cạnh đó, Mỹ và các nước trong vùng cũng chưa tính đến yếu tố bảo đảm an toàn đối với mạng lưới cơ sở hạ tầng điện năng này. “CASA-1000” chạy qua 4 nước được xem là bất ổn nhất trong vùng, và đây cũng là lý do mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – thể chế tài chính từng có ý định cung cấp 40% nguồn lực tài chính cho dự án, cuối cùng cũng đã phải thoái lui. Đường dây chạy qua các khu vực rừng núi lộ thiên này sẽ là một mục tiêu tấn công ưa thích của những kẻ muốn “tạo bất ổn” trong khu vực – đó có thể là các phần tử thuộc Taliban, bọn buôn lậu ma túy...

Sự khác biệt quan điểm, thiếu tinh thần hợp tác nội khối cũng là thách thức không nhỏ. Uzbekistan đã phản đối mạnh mẽ dự án “CASA-1000”. Nước này có liên quan đến dự án, do "CASA-1000" có tính đến việc xây dựng đập thủy điện Kambarata-1 ở Kyrgyzstan và Rogun ở Tajikistan. Uzbekistan nhìn nhận các đập thủy điện này sẽ trở thành một công cụ chính trị, đe dọa khả năng tiếp cận nguồn nước của Uzbekistan. Khi mà những câu hỏi này còn chưa tìm ra được lời giải thỏa đáng, thì việc Mỹ cùng các đối tác khác có ý định bỏ hơn 1 tỉ USD đầu tư cho "CASA-1000" có thể sẽ chẳng mang lại kết quả đáng kể nào.


HT
(Tổng hợp)

Mỹ: Hiệp định an ninh với Afghanistan có thể ký vào đầu năm 2014
Mỹ: Hiệp định an ninh với Afghanistan có thể ký vào đầu năm 2014

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có dấu hiệu xuống thang khi tuyên bố thời hạn chót ký Hiệp định an ninh song phương (BSA) về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan sau năm 2014, có thể lùi sang tháng 1/2014, thay vì trước cuối năm nay.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN