Ngày 4/7, hội nghị thượng định trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 23 đã diễn ra, với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lần xuất hiện đầu tiên tại một sự kiện quốc tế kể từ khi người đứng đầu Wagner, Yevgeny Prigozhin, nỗ lực tổ chức một cuộc binh biến ngắn vào cuối tháng 6 vừa qua.
Ông Putin đã có cuộc họp trực tuyến cùng với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như các nhà lãnh đạo và đại diện từ một số quốc gia Trung Á, bao gồm Pakistan và Kazakhstan.
Hội nghị tập trung vào hợp tác an ninh và kinh tế, chống khủng bố và buôn bán ma túy, ứng phó với biến đổi khí hậu và tình hình ở Afganistan. “SCO đã nổi lên như một nền tảng quan trọng cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển trong toàn bộ khu vực châu Á”, Thủ tướng Modi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh.
Tuy nhiên, ý nghĩa chính trị của hội nghị thượng đỉnh, giữa các sự kiện gần đây ở Nga và cuộc xung đột ở Ukraine, càng sâu sắc hơn đối với một tổ chức đại diện cho một mạng lưới vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh phức tạp.
Về tầm quan trọng của SCO, tổ chức này SCO có ý nghĩa về mặt địa lý và kinh tế vì các quốc gia thành viên đóng góp khoảng 30% GDP toàn cầu và chiếm khoảng 40% dân số thế giới.
Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan là thành viên đầy đủ. Tại hội nghị, Iran đã trở thành thành viên thứ 9 của SCO. Afghanistan, Belarus và Mông Cổ có tư cách quan sát viên của SCO, trong khi sáu quốc gia - Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Sri Lanka - tham dự với tư cách đối tác đối thoại.
SCO không phải là một liên minh “chống NATO” như các nhà phê bình đôi khi gán cho tổ chức này. Đây không phải là một khối kinh tế (như EU) hay liên minh quân sự (như NATO), mặc dù các thành viên của SCO đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung, mà là một tổ chức liên chính phủ khu vực.
SCO là nền tảng cho các quốc gia Á - Âu hướng đến một thế giới đa cực, trong đó có cơ hội để cân bằng lợi ích của họ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu đang gia tăng. Bên cạnh đó, SCO cũng được cho là tạo cho Nga và Trung Quốc một nền tảng để thúc đẩy mối quan hệ gắn kết hơn với các quốc gia – dù không phải là đồng minh – nhưng vẫn sẵn sàng kinh doanh với họ.
Tại hội nghị, Nga và Trung Quốc cho biết họ muốn SCO hành động nhiều hơn nữa, cụ thể: Ông Putin bày tỏ mong muốn hội nhập kinh tế sâu rộng hơn giữa các quốc gia SCO, đồng thời gợi ý rằng tổ chức này cần đẩy mạnh hợp tác an ninh – những quan điểm được lặp lại bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.
Nguồn gốc của SCO xuất phát từ việc ký kết hiệp ước “Shangai Five” vào năm 1996 tại Thượng Hải, một thỏa thuận được thiết kế để giải quyết các tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và các nước láng giềng hậu Xô Viết: Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Hiện nay, tổ chức này đang phải đối mặt với một cuộc xung đột khác đang diễn ra dọc theo biên giới của Nga với một quốc gia hậu Xô Viết khác, Ukraine.
Quan điểm của SCO về cuộc xung đột ở Ukraine
Các nước SCO đều không chỉ trích Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, mối quan hệ với Nga rất khác nhau giữa các thành viên SCO. Trung Quốc đã duy trì quan hệ ngoại giao chặt chẽ với Nga cũng như tăng cường thương mại với Moskva sau khi các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Moskva. Vào tháng 3 năm nay, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Nga để hội đàm với Tổng thống Putin và đồng ý về một “kỷ nguyên hợp tác mới”.
Ấn Độ, một đối tác lâu năm của Nga, đã nỗ lưc thực hiện một hành động cân bằng tinh tế. Kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu, Ấn Độ đã tăng cường mua dầu giảm giá của Nga, duy trì liên lạc cấp cao với Moskva, nhưng đồng thời cũng duy trì quan hệ với các quốc gia phương Tây và đôi khi gián tiếp bày tỏ một số quan ngại về hành động của Nga, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Trong khi đó, Iran là quốc gia tích cực nhất trong việc hỗ trợ Nga, ký kết một số thỏa thuận quân sự với Moskva trong bối cảnh quốc gia bị phương Tây trừng phạt này tìm kiếm các huyết mạch kinh tế mới.
Ngoài ra, vấn có những căng thẳng giữa một số thành viên của SCO. Hai quốc gia đông dân nhất, Trung Quốc và Ấn Độ, đã trải qua cuộc đối đầu kéo dài gần 3 năm liên quan đến hàng nghìn binh sĩ đóng quân dọc biên giới tranh chấp của họ ở khu vực Ladakh.
Ấn Độ và Pakistan cũng hầu như không đối thoại trong bối cảnh căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ của họ ở mức cao. Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Modi đã chỉ trích Pakistan, cáo buộc nước này hỗ trợ các chiến binh ở Kashmir.
Gần đây Kazakhstan có dấu hiệu "xoay trục" khỏi Nga. Vào tháng 6 vừa qua, quốc gia này đã quyết định ngừng tổ chức các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột Syria trong một động thái bất ngờ khiến Moskva cáo buộc phương Tây chia rẽ Nga và Kazakhstan bằng cách can thiệp vào công việc của các quốc gia có chủ quyền.
Tuy nhiên, theo bình luận của tờ Hoàn cầu Thời báo (Trung Quốc), trên thực tế, sau 22 năm hình thành, SCO đã phát triển thành một “đại gia đình” với 9 nước thành viên, 3 nước quan sát viên và 14 đối tác đối thoại. Nhiều quốc gia tỏ ra rất quan tâm đến SCO. Điều này chứng tỏ rằng ngoài những xung đột và bất đồng ở cấp độ riêng lẻ, có một động lực mạnh mẽ hơn và mối liên kết chặt chẽ gắn kết mọi người lại với nhau.
Hoàn cầu Thời báo cũng thừa nhận rằng, trong bối cảnh chuyển đổi toàn cầu lớn, SCO đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau. Các mối đe dọa từ các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng tăng. Hợp tác kinh tế gặp trở ngại cả ở bên trong và bên ngoài. Cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài và phức tạp cũng có tác động lan tỏa đến tổ chức này. Một số cơ chế hiện có của SCO có thể cần phải cải cách và điều chỉnh, đồng thời năng lực thực thi và hiệu quả của nó cần được cải thiện liên tục.