Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 1/1 đã công bố kết quả của Hội nghị toàn thể thứ tư của Ban chấp hành Trung ương khóa 8 đảng Lao động Triều Tiên, được tổ chức từ ngày 27 – 31/12/2021 với sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo báo Korea Herald mới đây, mặc dù có nhiều nội dung không được công bố, nhưng kết quả được thông báo vẫn có ý nghĩa nhất định vì nó đưa ra định hướng chính sách của Triều Tiên cho năm mới. Về bản chất, Bình Nhưỡng sẽ ưu tiên các vấn đề nội bộ trong năm nay.
Cụ thể, Triều Tiên sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đối phó những thách thức như việc kinh tế trì trệ, an ninh lương thực, mất cân bằng nông thôn-thành thị và việc kiểm soát dịch COVID-19. Một nửa báo cáo của phiên họp toàn thể được dành cho phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Về đối ngoại, Triều Tiên dự kiến có cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” (wait-and-see) với Seoul và Washington trong một năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị và quốc tế lớn. Việc không có thông báo về các định hướng chính sách đối ngoại có thể là một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang cân nhắc để đặt ra một mục tiêu rõ ràng hoặc nỗ lực mở rộng khả năng “cơ động” trong môi trường bên ngoài không chắc chắn.
Ổn định nội bộ là ưu tiên hàng đầu
Các chuyên gia và tổ chức tư vấn có trụ sở tại Seoul đánh giá năm nay, Triều Tiên sẽ tuân thủ đường lối chính sách phát triển nền kinh tế tự lực, tự cường, đồng thời phát triển năng lực phòng thủ quốc gia. Giáo sư Kwak Gil-sup tại Đại học Kookmin cho biết Triều Tiên sẽ đẩy mạnh chiến lược tự cường, phát triển khả năng răn đe hạt nhân.
Giáo sư Kwak nói: “Đây sẽ là năm chú trọng nhiều hơn đến các vấn đề nội bộ. Triều Tiên sẽ coi trọng việc tăng cường bảo đảm ổn định nội bộ trước, sau đó thực hiện các động thái chiến lược và chiến thuật trong quan hệ liên Triều và đối ngoại''.
Cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” đối với Hàn Quốc và Mỹ
Theo nguồn tin trên, Triều Tiên sẽ thực hiện cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” về chính sách đối ngoại trong năm 2022 với nhiều sự kiện quốc tế lớn như Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc ngày 9/3 và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.
Trong khi đó, theo đánh giá của Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc (INSS), Triều Tiên dự định mở rộng tính linh hoạt và khả năng cơ động trong việc thực hiện chính sách đối ngoại vào thời điểm có nhiều bất ổn và những thay đổi của môi trường bên ngoài. Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU) do chính phủ điều hành cũng cho rằng, sự im lặng về một loạt các vấn đề chính sách đối ngoại bao gồm tuyên bố kết thúc chiến tranh, sự cạnh tranh Mỹ-Trung, Thế vận hội Bắc Kinh, có thể chỉ ra rằng Triều Tiên vẫn đang nỗ lực định hướng chính sách đối ngoại của mình.
Cho Han-bum, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại KINU, nhận định Triều Tiên đang gặp khó khăn về chính sách đối ngoại và chỉ có một số lựa chọn hạn chế trước cuộc bầu cử tại Hàn Quốc và Mỹ cũng như Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Ông Cho nói: “Đây là một tình huống khó khăn đối với Triều Tiên trong việc xác định quan điểm của mình về chính sách đối ngoại. Sẽ là gánh nặng cho nước này nếu thực hiện các hành động khiêu khích cường độ cao.”
Ông Cho cũng chỉ ra rằng Bình Nhưỡng nhận thức rõ rằng sự cải thiện trong quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều Tiên là không thể thiếu để giải quyết các vấn đề kinh tế và thách thức nguồn cung vaccine. “Cách tiếp cận cứng rắn của Triều Tiên, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở Hàn Quốc và Mỹ có thể dẫn đến việc cắt đứt đối thoại và đàm phán. Nó sẽ không mang lại lợi ích gì cho Triều Tiên”, chuyên gia này nhận định.