Các lực lượng Iraq đã tiến đến sườn phía Đông của Sông Tigris ngày 8/1 khi chiến dịch tấn công nhằm giải phóng Mosul bước vào giai đoạn 2 kể từ ngày 29/12/2016. Chỉ một tuần trước đó, Tổng thống Pháp ngày 2/1 đã phát biểu ở Baghdad rằng Mosul có thể sẽ được giải phóng từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trong vài tuần. Nhưng dù cho Mosul được giải phóng, điều này không có nghĩa là chủ nghĩa cực đoan bạo lực và đối đầu giáo phái ở Iraq sẽ kết thúc.
Xe tăng quân đội Iraq tấn công IS ở Mosul. Ảnh: AFP |
Theo chuyên gia phân tích độc lập Rahim Rahimov, người có bằng Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế tại Trường Kinh doanh Quốc tế Hult ở London (Anh), bình luận trên trang "Ngoại giao Hiện đại" (Modern Diplomacy), cả Iran và Saudi Arabia đều muốn có vai trò lớn hơn ở Mosul để đảm bảo vị thế tốt hơn nhằm gây ảnh hưởng đối với chính phủ ở Baghdad cũng như ở Erbil, thủ phủ khu tự trị của người Kurd. IS đã tuyên bố thành lập nhà nước tự xưng từ Al-Anbar, tỉnh lớn nhất và giáp biên giới với Saudi Arabia. Khu vực này là nơi sinh sống của của đa số người Iraq dòng Sunni vốn bất mãn với chính phủ do người Shiite lãnh đạo ở Baghdad. Sự trỗi dậy và phát triển của IS được cho là một cuộc tấn công nhằm vào chính quyền do người Shiite lãnh đạo và sự thống nhất của Iraq nói chung. Sự hỗ trợ của Iran là rõ ràng đối với chính phủ người Shiite khi họ phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng của người Sunni. Saudi Arabia coi cuộc xung đột giáo phái ở Iraq như một biện pháp nhằm duy trì ảnh hưởng. Tờ Independent của Anh đã mô tả vai trò của Saudi Arabia là "sự hỗ trợ cuộc thánh chiến chống người Shiite".
Mosul còn trở nên đặc biệt quan trọng đối với cả Iran và Saudi Arabia vì thành phố lớn thứ 2 của Iraq này có nhiều mỏ dầu lớn và có vị trí gần với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và khu tự trị của người Kurd. Iraq được chia thành 3 dân tộc-sắc tộc: người Kurd, người Sunni Iraq và người Shiite Iraq. Ranh giới giữa người Sunni và người Shiite ở Iraq là khá mơ hồ. Mosul sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với Iran và Saudi Arabia như là một yếu tố đặc biệt trong việc xác định ranh giới giáo phái ở Iraq.
Ngoài ra, chiến dịch đang diễn ra ở Mosul đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa lực lượng dân quân người Shiite của Iran và các nhóm ủy nhiệm người Sunni của Saudi Arabia. Do tầm quan trọng lịch sử và dân số người Sunni lớn ở Mosul, Saudi Arabia có thể coi đó là một thủ phủ trên thực tế đối với tầm ảnh hưởng của người Sunni ở Iraq. Tương tự, Iran coi Mosul có tầm quan trọng địa chiến lược để hỗ trợ cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad. Do đó, mục tiêu của Iran và Saudi Arabia có sự xung đột ở Mosul vì cả hai đều coi thành phố này là rất quan trọng đối với tầm ảnh hưởng tương ứng của người Shiite và Sunni trong toàn khu vực.
Mosul cũng có tầm quan trọng đối với Iran trong việc tiếp cận bằng đường bộ qua Syria. Nhìn từ quan điểm của Saudi Arabia, việc kiểm soát Mosul của người Sunni có nghĩa là có thể kiềm chế Iran tiếp cận đến Địa Trung Hải, điều có khả năng sẽ làm thay đổi sự hiện diện của Iran tại các vùng đất Arab. Bên cạnh đó, qua Mosul là tuyến đường bộ gần như ngắn nhất từ Iran tới Syria.
Bản đồ vị trí Mosul. Ảnh: Australian National Security |
Iran còn có một động cơ khác ở Mosul bắt nguồn từ vấn đề trong nước. Khu tự trị của người Kurd ở Iraq giáp biên giới Iran trải dài hàng trăm km. Đối với Iran, quyền tự chủ của người Kurd ở Iraq có thể tạo tiền lệ cho hàng triệu người Kurd ở Iran, vốn là dân tộc lớn thứ ba ở Iran. Do đó, Iran hướng tới Mosul nhằm tạo đòn bẩy để tác động đến người Kurd ở Iraq.
Trong khi đó, Mosul cũng được Saudi Arabia coi như một đòn bẩy để gây ảnh hưởng tới mối quan hệ của người Kurd Iraq đối với Iran. Mục đích chính của Saudi Arabia là tạo ra một vùng đệm người Sunni Arab giữa Iran và Saudi Arabia, trong đó Mosul đóng vai trò quan trọng. Trong trường hợp Iraq bị liên bang hóa, Saudi Arabia sẽ coi nó như là một đồng minh đáng tin cậy của người Sunni trong liên bang đó.
Đối với Iraq, dù cuộc chiến chống IS có kết thúc ở Mosul nhưng cũng không thể chấm dứt sự cạnh tranh giữa Iran và Saudi Arabia và các nhóm sắc tộc có liên quan bên trong lãnh thổ Iraq. Các lợi ích của Iran và Saudi Arabia sẽ vẫn tồn tại ở quốc gia này. Điều này có thể tạo điều kiện cho sự gia tăng của các nhóm thánh chiến khác tương tự như IS. Giai đoạn hậu Al-Qaeda đã giúp cho IS trỗi dậy, do đó, có khả năng giai đoạn hậu IS ở Iraq sẽ là một thời kỳ hỗn loạn được xác định bởi chủ nghĩa cực đoan xuyên quốc gia, mà cuối cùng có thể thâm nhập vào Saudi Arabia và Iran, gây ra vấn đề chia rẽ dân tộc và sắc tộc tại cả hai nước này.
Vì vậy, ông Rahimov cho rằng Riyadh và Tehran nên xem xét thay đổi hệ thống chính trị trong nước của mình thay vì tham gia vào những cuộc chiến ủy nhiệm kéo dài. Nếu không, không chỉ một nền hòa bình bền vững sẽ vẫn nằm ngoài tầm với Iraq, mà cả Saudi Arabia và Iran có thể còn phải đối mặt với những bất ổn và hỗn loạn ở trong nước.