Tạp chí "Á-Âu" ngày 19/9 cho biết các nhà phân tích chính trị trên thế giới đang cố gắng tìm hiểu tại sao làn sóng chống Mỹ gần đây lan tràn khắp thế giới Arập và Hồi giáo.
Người dân Palextin biểu tình ở đông Giêruxalem ngày 18/9, phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các cuộc biểu tình đã cướp đi sinh mạng của 4 nhà ngoại giao Mỹ tại Libi - trong đó có Đại sứ Christopher Stevens - và hàng chục người biểu tình trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh ở các địa điểm khác nhau trong thế giới Arập và Hồi giáo.
Đến nay, mặc dù tình trạng bạo lực đã giảm nhưng các nhà bình luận Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng còn lâu mới chấm dứt và đang trở thành thách thức đối ngoại lớn nhất đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc bầu cử cuối năm nay.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, làn sóng biểu tình chống Mỹ, lần đầu tiên xuất hiện kể từ khi diễn ra "Mùa Xuân Arập" cách đây chưa đầy hai năm, thực tế không phải do một đoạn phim dài 14 phút có nhan đề "Sự vô tội của người Hồi giáo". Bộ phim này được đăng tải trên các trang mạng cách đây hơn ba tháng nhưng chỉ thu hút sự chú ý của người Hồi giáo trong vài tuần gần đây.
Sự căm phẫn của người Hồi giáo phản ánh tình trạng bức xúc của quá trình chuyển đổi, trong đó chứa đựng nhiều mâu thuẫn đang diễn ra trong thế giới Arập. Đoạn phim này chỉ là đốm lửa thổi bùng lên tâm lý chống Mỹ vốn bị chôn vùi lâu nay.
Trên “Thời báo New York” trong tuần, nhà báo Ross Douthat nhận định: "...Chủ nghĩa chống Mỹ xuất phát từ sự bất mãn của công chúng trong thế giới Hồi giáo”. Ông khẳng định, mùa thu mất ổn định năm nay phản ánh thực tiễn đang diễn ra tại Libi, Tuynidi, Ai cập và Yêmen sau cách mạng. Đó là cuộc đấu tranh quyền lực giữa các lực lượng khác nhau trong xã hội; giữa những người Hồi giáo thế tục và ôn hòa và giữa các phe phái cấp tiến, trong đó có al-Qaeda, và những người ủng hộ các học thuyết chống phương Tây.
Nhiều người Mỹ chỉ trích Tổng thống Obama ủng hộ "Mùa Xuân Arập" hoặc hành động chưa đủ mạnh để ngăn chặn sự trỗi dậy của các lực lượng Hồi giáo và không hiểu hết thực tiễn tình hình.
Công bằng mà nói, quan điểm ghét Mỹ trong thế giới Arập và Hồi giáo xuất phát từ chính sách đối ngoại không phù hợp của Oasinhtơn, đặc biệt liên quan đến Ixraen và được thúc đẩy bởi các cuộc chiến tranh tại Irắc, Ápganixtan và việc các máy bay không người lái cũng như các phương tiện chiến tranh khác của Mỹ giết hại bừa bãi người Hồi giáo.
Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của vấn đề. Thực tế, nhận thức của người Hồi giáo về Mỹ có sự khác biệt từ lâu. Một cuộc thăm dò dư luận Hồi giáo của Pew, được tiến hành tháng 6/2012, cho thấy nói chung người dân Tuynidi có quan điểm khác nhau về Mỹ, khoảng 45% người có quan điểm thiện chí trong khi những người không ưa Mỹ cũng ở mức 45%.
Tại Pakixtan tình hình lại hoàn toàn khác, 74% người dân Pakixtan coi Mỹ là kẻ thù và tại Yêmen, nước nhận viện trợ nhân đạo của Mỹ nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, chủ nghĩa chống Mỹ cũng khá phổ biến.
Theo đánh giá gần đây của hai nhà khoa học chính trị Lisa Blaydes và Drew Linzer, tư tưởng chống Mỹ chủ yếu được dựng lên bởi các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao ở các nước Arập và Hồi giáo, khi họ tìm cách phóng đại vấn đề chống Mỹ để tranh thủ lá phiếu. Hai tác giả cho biết, họ đã tìm hiểu nguồn gốc của chủ nghĩa chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo qua các cuộc cạnh tranh chính trị nội bộ giữa các phe phái thế tục và Hồi giáo của một nước và thực tế giới lãnh đạo của hai nhóm đã đưa ra những lời kêu gọi chống Mỹ để thu hút sự ủng hộ của công chúng.