Những nguyên nhân khiến nền kinh tế Sri Lanka sụp đổ

Hôm 23/6, Thủ tướng Sri Lanka thừa nhận nền kinh tế của quốc đảo này đã sụp đổ khi không còn ngân sách để chi trả cho lương thực và nhiên liệu.

Chú thích ảnh
Người phụ nữ lớn tuổi ngồi bên ngoài đồn cảnh sát trong một cuộc biểu tình kêu gọi cung cấp gas ở Colombo, Sri Lanka ngày 14/5. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, không còn tiền để nhập khẩu các nhu yếu phẩm như xăng, sữa, khí đốt và giấy vệ sinh, và cũng không thể trả nợ, Sri Lanka đang phải tìm đến sự trợ giúp từ các nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người vừa nhậm chức vào tháng 5, đã nhấn mạnh nhiệm vụ đầy thách thức mà ông phải đối mặt trong việc xoay chuyển nền kinh tế mà ông mô tả là đang rơi xuống “đáy vực thẳm”.

Trước tình trạng thiếu thốn cùng cực, người dân Sri Lanka đã phải bỏ bữa, xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để cố gắng mua nhiên liệu vô cùng khan hiếm. Đây là một thực tế vô cùng khắc nghiệt đối với một quốc gia từng có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.

Cuộc khủng hoảng này nghiêm trọng như thế nào?

Trước đây, Sri Lanka thường không thiếu lương thực, nhưng giờ đây người dân nước này đang rơi vào nạn đói. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết cứ 10 gia đình thì có 9 hộ phải bỏ bữa hoặc ăn uống không đầy đủ. Trong khi đó, có tới 3 triệu người đang phải nhận viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

Các bác sĩ đã phải dùng mạng xã hội để kêu gọi nguồn cung thiết bị và thuốc men quan trọng. Ngày càng có nhiều người Sri Lanka làm hộ chiếu để ra nước ngoài tìm việc làm. Các cơ quan chính phủ đã cho nhân viên nghỉ thêm 1 ngày/tuần trong thời gian 3 tháng để tiết kiệm nhiên liệu, cũng như có thời gian tự trồng lương thực.

Tại sao nền kinh tế Sri Lanka rơi vào khủng hoảng?

Chú thích ảnh
Phụ nữ xếp hàng chờ mua dầu hỏa ở Colombo, Sri Lanka hôm 11/6. Ảnh: AP

Các nhà kinh tế cho biết cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ các yếu tố trong nước, bao gồm hệ thống quản lý yếu kém và nạn tham nhũng kéo dài nhiều năm. Sri Lanka cũng vướng vào những rắc rối với khoản nợ 51 tỉ USD, cùng với đó là tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành du lịch vốn là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của nước này và hàng loạt vấn đề khác.

Theo giới phân tích, mặc dù chính phủ cần tăng nguồn thu khi nợ nước ngoài tăng vọt thì Tổng thống Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lại thông qua các đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử. Các chủ nợ đã hạ bậc tín nhiệm của Sri Lanka, ngăn nước này vay thêm tiền khi nguồn dự trữ ngoại hối sụt giảm. Đúng thời điểm đó, ngành du lịch lại bị đại dịch “ngáng đường”.

Vào tháng 4/2021, Tổng thống Rajapaksa bất ngờ cấm nhập khẩu phân bón hóa học. Ngoài ra, việc thúc đẩy canh tác hữu cơ khiến nông dân hoang mang, vụ mùa thất bát, đẩy giá lương thực lên mức cao. Để tiết kiệm ngoại hối, nước này cũng cấm nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ. Trong khi đó, xung đột Ukraine đã đẩy giá lương thực và dầu mỏ lên cao hơn, lạm phát ở mức gần 40% và giá thực phẩm đã tăng gần 60% trong tháng 5.

Bộ Tài chính cho biết Sri Lanka chỉ còn 25 triệu USD dự trữ ngoại hối có thể sử dụng được. Điều đó khiến nước này không còn đủ ngân sách nhập khẩu hàng hoá đáp ứng nhu cầu trong nước, chứ chưa nói đến việc trả nợ hàng tỷ USD.

Trong khi đó, đồng rupee của Sri Lanka đã suy yếu gần 80%, với tỷ giá 360 rupee tương đương 1 USD. Điều đó khiến chi phí nhập khẩu còn cao hơn. Sri Lanka đã phải hoãn trả khoảng 7 tỷ USD khoản vay nước ngoài đến hạn trong năm nay, trong tổng số 25 tỷ USD cần phải trả vào năm 2026.

Giải pháp xử lý khủng hoảng của Sri Lanka

Chú thích ảnh
Thủ tướng mới của Sri Lanka Ranil Wickremesinghe. Ảnh: AP

Thủ tướng Wickremesinghe là người có nhiều kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng, dù đây là nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Cho đến nay, Sri Lanka phần lớn được hỗ trợ bởi hạn mức tín dụng 4 tỷ USD từ nước láng giềng Ấn Độ. Hôm 23/6, phái đoàn Ấn Độ đã có mặt tại thủ đô Colombo để thảo luận về việc hỗ trợ thêm cho nước này. Tuy nhiên, ông Wickremesinghe cảnh báo không nên kỳ vọng về việc Ấn Độ có thể hỗ trợ nền kinh tế Sri Lanka về lâu dài.

“Sri Lanka đang nuôi hy vọng cuối cùng vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế”, đây là tiêu đề trên tờ Colombo Times hôm 23/6. Chính phủ nước này đang đàm phán với IMF về kế hoạch cứu trợ khủng hoảng. Trong khi đó, Thủ tướng Wickremesinghe cho biết ông dự kiến sẽ có một thỏa thuận sơ bộ với IMF vào cuối tháng 7.

Chính phủ nước này cũng đang tìm đến sự trợ giúp từ Trung Quốc. Các chính phủ khác như Mỹ, Nhật Bản và Australia - những quốc gia đã hỗ trợ nước này hàng trăm triệu USD.

Đầu tháng này, Liên hợp quốc cũng đã công khai kêu gọi toàn thế giới hỗ trợ Sri Lanka. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin AP, Thủ tướng Wickremesinghe cho biết để giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu, ông sẽ cân nhắc mua dầu giảm giá từ Nga để giúp nước này vượt qua khủng hoảng.

Hải Vân/Báo Tin tức
Thủ tướng Sri Lanka thừa nhận nền kinh tế đã sụp đổ hoàn toàn
Thủ tướng Sri Lanka thừa nhận nền kinh tế đã sụp đổ hoàn toàn

Nhận xét của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được đưa ra trong bối cảnh quốc đảo này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN