Cho đến trước khi bùng nổ xung đột ở Ukraine, các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 vẫn là phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu. Trong quý 4 năm 2021, hệ thống Nord Stream 1 cung cấp 18% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu từ Nga - một mức cao kỷ lục (Nord Stream 2 vẫn chưa đi vào hoạt động do chưa được Đức phê duyệt).
Kể từ đó, Nord Stream trở thành một quân bài chính trị khi Nga trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế của châu Âu liên quan đến xung đột ở Ukraine. Vào tháng 7 năm nay, Nga đã đóng van khí đốt chảy qua đường ống này với lý do bảo dưỡng định kỳ, nhưng sau đó không phục hồi lại công suất đầy đủ. Tới tháng 8, công ty Gazprom tuyên bố ngừng hoạt động Nord Stream ngoài kế hoạch.
Sau đó, vào cuối tháng 9 vừa qua, những vụ nổ bất thường đã gây ra bốn vết thủng với hệ thống đường ống Nord Stream 1 và 2. Câ hai phía, Nga và các nước phương Tây, đều đánh giá đây là sự cố do hành động phá hoại và cáo buộc lẫn nhau phải chịu trách nhiệm.
Theo trang Technologyreview, lúc này, một cuộc chạy đua đang bắt đầu nhằm sửa chữa các đường ống trước mùa Đông. Liên doanh quản lý Nord Stream, có trụ sở tại Thụy Sĩ, do công ty Gazprom của Nga sở hữu 50%, hiện cũng không chắc liệu có khắc phục được sự cố hay không, trong khi Chủ tịch Ủy ban năng lượng của Quốc hội Nga, Pavel Zavalny cho rằng vấn đề có thể được giải quyết trong vòng 6 tháng.
Thiệt hại với hai đường ống được nhận định là rất đáng kể: các vụ nổ trong ngày 26/9 được cho là mạnh 2,2 độ Richter, tương đương sức mạnh của 500kg thuốc nổ TNT.
Bất kỳ nhiệm vụ nào khắc phục một sự cố như vậy cũng sẽ là một thách thức chưa từng có trong lĩnh vực dầu khí, đòi hỏi các kỹ thuật robot phức tạp.
Jilles van den Beukel, một nhà phân tích năng lượng độc lập đã làm việc cho Shell trong 25 năm, cho biết: “Những đường ống này thông thường không dễ bị hỏng. Các đường ống Nord Stream làm bằng thép dày 4cm, với lớp bê tông dày 11cm bao bọc xung quanh. Mỗi đoạn trong tổng số 100.000 đoạn của đường ống này nặng 24 tấn. Những loại rò rỉ như vậy chỉ xảy ra với xác suất 1 trong 100 năm. Cách duy nhất để sự việc này xảy ra là do phá hoại”.
Theo ước tính, lượng khí đốt rò rỉ từ đường ống có thể nằm trong khoảng 7,5 triệu-14 triệu tấn khí CO2 tương đương. Một người phát ngôn của Gazprom hôm 30/9 cho rằng, đường ống đã chứa khoảng 800 triệu m3 khí đốt vào thời điểm bị vỡ. Và sẽ là không an toàn với hoạt động sửa chữa nếu như khí đốt vẫn rò rỉ ra ngoài.
Một khi các nhà điều tra có thể vào việc một cách an toàn, công việc phức tạp của phân tích các vấn đề và tìm ra giải pháp mới bắt đầu. Việc đánh giá có thể được thực hiện bằng cách sử dụng robot kiểm tra, phương tiện vận hành từ xa hoặc thợ lặn chuyên nghiệp.
Nhưng cử thợ lặn đến hiện trường là một thách thức vì độ sâu của đường ống. Mặc dù các vết rò rỉ đã biết tập trung ở vùng nước tương đối nông - khoảng 50 m – nhưng phần lớn đường ống nằm sâu dưới nước từ 80 đến 100 m. Và toàn bộ chúng sẽ cần phải được kiểm tra xem có bị hư hỏng nào khác không.
Việc sửa chữa cũng sẽ không dễ dàng. Ông Jean-François Ribet tại công ty sửa chữa đường ống 3X Engineering cho biết có một số lựa chọn. Đầu tiên là thay thế toàn bộ các phần bị hư hỏng của đường ống, dù như vậy là tốn kém nhất. "Bạn cần cùng một đường ống cùng cỡ, cùng một loại thép… Và cần mang theo các cần trục trên tàu đủ mạnh để nâng các đoạn ống nặng lên khỏi mặt nước”, ông Ribet nói.
Phương án sửa chữa thứ hai sẽ là lắp một chiếc kẹp để bịt các phần bị hư hỏng của đường ống, giống như vá các vết vỡ. Tuy nhiên, với đường kính bên trong rộng 1,153 mét, đường ống Nord Stream sẽ cần những chiếc kẹp lớn, cũng như việc lắp đặt tạm thời khoang lặn dưới nước để các kỹ sư có thể làm việc bên trong nó.
Chuyên gia Ribet cho rằng đây sẽ là "giải pháp dễ dàng nhất." Tuy nhiên, ông cho biết thêm, sẽ mất nhiều tháng để có được một chiếc kẹp đủ lớn để bao bọc đường ống. Phương pháp này cũng sẽ không hiệu quả nếu có thiệt hại trên diện rộng, vì không khả thi để chế tạo những chiếc kẹp đủ lớn để che những lổ thủng lớn và nhiều.
Lựa chọn thứ ba là kết hợp hai phương pháp: thay thế các phần tử bị hư hỏng nặng nhất của đường ống và kẹp các phần tử ít bị ảnh hưởng hơn.
Chuyên gia Ribet đề xuất một phương án thứ tư ít khả thi hơn là xây dựng và lắp đặt một đoạn đường ống mới chạy vòng qua các đoạn bị hư hỏng.
Ngoài ra còn một vấn đề nữa làm phức tạp bất kỳ công việc sửa chữa nào, là liệu nó có hợp pháp hay không. Liên doanh điều hành đường ống Nord Stream 1, Nord Stream AG, tuyên bố là một thực thể tách biệt với công ty vận hành đường ống Nord Stream 2 là Nord Stream 2 AG. Công ty Nord Stream 2 AG là đối tượng của các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga. Nghị sĩ Nga Zavalny tin rằng các biện pháp trừng phạt có thể làm chậm quá trình sửa chữa đường ống.